Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác

Bài làm

Mỗi một tác phẩm, một bài thơ – “đứa con tinh thần” của người nghệ sĩ – đều được nâng niu, trân trọng, mang theo một cái tên đầy ý nghĩa và những quan điểm, triết lí của tác giả về cuộc đời – ấy chính là nhan đề tác phẩm. Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương cũng vậy. Chỉ đơn giản 3 chữ thôi, tưởng chừng như chỉ đơn giản là một lời thông báo về hành động ra lăng Bác viếng thăm của nhân vật trữ tình, hay cũng chính là tác giả, nhưng ẩn chứa bên trong lại chính là tiếng lòng thành kính, xót thương, trân trọng cùng biết ơn của chính Viễn Phương – nhà thơ, cũng như là của chính những đồng bào miền Nam đối với Bác – vị lãnh tụ, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Cách lựa chọn từ để đặt nhan đề của tác giả rất đặc biệt. “Viếng” chính là từ dùng để chỉ hành động đến chia buồn với người đã mất; ấy nhưng ở câu thơ đầu bài thơ, tác giả lại dùng từ “thăm” chứ không phải là “viếng”. “Thăm” lại là hành động đến thăm hỏi, trò chuyện và gặp gỡ với người còn sống. Còn “lăng Bác” là nơi vị Cha già ấy yên nghỉ. Nhan đề bài thơ đã đề cập đến một sự thật đau lòng rằng Người đã nhắm mắt, đã đi xa. Nhưng khi nó kết hợp với cách dùng từ ở câu thơ đầu tiên đã mở ra một tầng ý nghĩa sâu rộng hơn cả bên trong tình cảm thiêng liêng của tác giả, người dân Việt Nam với Bác: đó không chỉ đơn giản là biết ơn, là kính trọng, mà với người dân miền Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, Bác vẫn còn sống mãi trong lòng con dân.