” Khi loài vật lên ngôi ” – Karel Čapek

Tôi còn nhớ cách đây đã hơn mười năm, lúc đó Yahoo Messenger vẫn còn đang thịnh hành, tôi có tình cờ làm quen được với một anh kỹ sư ở tỉnh Tây Ninh (tôi nhớ mang máng vậy). Chúng ta thường xuyên kết bạn mới và “chat chít”, trò chuyện làm quen, tán tỉnh nhau trên Yahoo Messenger là điều bình thường phải không? Bởi ứng dụng này sinh ra là để thực hiện nhiệm vụ kết nối với tất cả mọi người không quen biết trên toàn thế giới mà.

Nhưng không phải là tôi đang lan man viết về Yahoo Messenger đâu – chỉ là một chút hoài niệm. Ý của tôi là – không rõ câu chuyện diễn biến thế nào mà tôi lại nói một câu: “Con người là động vật bậc cao”. Vậy là anh kỹ sư kia nhảy dựng lên như đỉa phải vôi, anh ta cho rằng tôi đang xúc phạm con người. Anh ta giận dữ vì tôi nói con người là động vật. Giữa chúng tôi đã xảy ra một cuộc tranh cãi nhỏ, và nhanh chóng kết thúc vì cảm thấy không còn thích hợp để nói chuyện với nhau thêm lần nữa.

Trước sau tôi vẫn giữ quan điểm: “Con người là động vật bậc cao” mà tôi đã nói. Tôi không bao giờ cho rằng điều đó là sai. Vì sự thật là con người tiến hóa lên từ loài vượn cơ mà, trải qua thời gian theo quy luật phát triển tự nhiên sẽ tiến lên là vượn người, rồi sau đó mới là con người. Để là một con người hoàn chỉnh như ngày nay cũng không phải dễ dàng một bước là tới ngay được.

Nói đơn giản hơn, nếu phân tích hai chữ “con người” thì từ “con” tức là chúng ta cũng là một sinh vật sống như bao sinh vật khác trên hành tinh. Chúng ta có ăn, có uống, có ngủ, có đào thải trong cơ thể, có quan hệ thể xác để duy trì nòi giống – nghĩa là không khác gì những loài đang sống khác. Đó không phải là sự xúc phạm, mà đó là quy luật, là bản năng tự nhiên của những dạng vật chất đang tồn tại bằng cách trao đổi chất. Quá bình thường thôi mà, đúng không?

Chẳng qua cái từ “bậc cao” là để chỉ bộ máy trao đổi chất trong cơ thể con người phức tạp hơn, hoàn chỉnh hơn so với loài khác. Chúng ta còn có trí não phát triển hơn nên có thể dễ dàng làm biết bao nhiêu chuyện phục vụ cho nhu cầu sống, dễ dàng thống trị tự nhiên hơn các loài khác.

Từ xa xưa con người đã biết từ chạy trốn chuyển sang phòng thủ, rồi tấn công các loài động vật – một là để tự vệ, hai là để giết lấy thức ăn phục vụ cho bản thân.

Chính vì càng ngày giết hại sinh vật rất dễ dàng, với nhiều phương tiện, vũ khí được phát minh – mà theo như thói quen chúng ta hay nói là “được nước lấn tới”, sự kiêu căng cố hữu, sự tham lam không có điểm dừng đã khiến con người từ tiêu diệt động vật dẫn đến tiêu diệt chính cả đồng loại của mình. Vì tham vọng muốn xâm lấn sang lãnh thổ của người khác, vì muốn lấy cả những thứ tốt đẹp của người biến nó thành của ta. Một bên muốn chiếm, một bên không cho chiếm – chiến tranh xảy ra là điều tất yếu.

Loài người quả thật rất thông minh, nhưng lại không biết điểm dừng.

Có bao giờ chúng ta thử tưởng tượng là :

“Giả sử một loài động vật khác con người đạt được cái trình độ mà chúng ta gọi là nền văn minh, thì bạn nghĩ gì? Chúng cũng làm những điều vô nghĩa như loài người? Cũng châm ngòi các cuộc chiến tranh? Cũng gây ra các thảm họa lịch sử? Và chúng ta nhìn nhận thế nào về chủ nghĩa đế quốc của loài bò sát, chủ nghĩa dân tộc của loài mối, về sự bành trướng kinh tế của chim hải âu hay cá mòi? Chúng ta sẽ nói gì khi một loài động vật khác con người, với tri thức và số đông áp đảo, tuyên bố rằng chỉ có chúng mới có quyền ngự trị cả thế giới và thống soái muôn loài?”
(Trích lời tựa Karel Čapek viết cho tiểu thuyết “Khi loài vật lên ngôi” năm 1936 – Đăng Thư dịch từ bản tiếng Anh, Tao Đàn xuất bản năm 2016 )

Karel Čapek nói không sai. Ông ấy cũng hiểu như tôi vậy.

Loài bò sát có khả năng tấn công đáng sợ, có thể gây ra cái chết cho sinh vật yếu ớt hơn. Chúng giống như một số quốc gia trước đây theo chủ nghĩa đế quốc tàn bạo với các nước nhỏ khác – có thể tàn sát, xâm nhập bất cứ nơi đâu chỉ cần chúng thích.
Loài mối đông đảo và sống cùng nhau, làm việc cùng nhau – chẳng khác gì một chủ nghĩa dân tộc tự do, độc lập hùng mạnh, sẵn sàng chống phá kẻ thù một cách bất ngờ – nhưng đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Ví dụ như mối ăn gỗ rất thầm lặng, dần dần khiến những thứ tưởng như to lớn đẹp đẽ ấy rồi cuối cùng cũng đổ sụp.

Loài chim hải âu và cá mòi lấn át, thâu tóm nguồn sống của các loài khác, khiến hầu hết sinh vật dưới biển phải phụ thuộc vào hai loài kia – như một cuộc bành trướng kinh tế của các nước lớn, chiếm đoạt trao đổi sản xuất và buôn bán tại các nước nhỏ. Mà một khi dưới biển chỉ còn chim hải âu và cá mòi, còn có sự lựa chọn nào khác nữa không ?

Chắc sẽ khó mà ngờ được kết quả.

Nếu loài vật lên ngôi như Karel Čapek đã nói – chúng dần dần mở rộng lãnh thổ hoạt động. Chúng có ý thức, có suy nghĩ đề cao bầy đàn của mình, xây dựng nền văn minh thống trị của riêng chúng rồi dần dần là lan tỏa ra khắp xã hội – nơi tất cả muôn loài kể cả con người cùng sinh sống, thì chẳng ai sẽ là động vật bậc cao nữa, mà trở thành một loài vật bình thường trong tự nhiên. Theo quy luật, bất cứ loài nào yếu thế hơn đều trở thành con mồi cho loài khác, sẽ phải chịu sự nhục nhã khi bị coi là thức ăn, là thú vui hưởng thụ.

Sự sống của con người như thế nào, trở thành ra sao – tất cả đều phải phụ thuộc vào loài đang đứng nhất. Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, nhưng kẻ chiến thắng chắc chắn phải là kẻ mạnh.

Cần phải nhớ: bất cứ loài vật nào cũng có khả năng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho. Không chỉ riêng con người.

Cho dù cơ thể con người có phát triển hoàn thiện, ở mức độ cao hơn so với các loài khác. Nhưng con người có rất nhiều khiếm khuyết không bằng so với động vật thấp hơn trong tự nhiên. Lấy ví dụ :

Loài báo là con vật chạy nhanh nhất trên thế giới với tốc độ lên đến 100 – 120 km/h, ngang ngửa với một chiếc xe máy chạy hết tốc lực. Nhưng loài báo chạy bằng đôi chân của chúng mà không cần đến một phương tiện nào cả. Con người không thể.

Bạch tuộc và tắc kè hoa có thể biến dạng thành đủ mọi màu sắc tương đồng với vật đang ở gần chúng, không loài nào nhận ra – kể cả con người. Đặc biệt là xúc tu bạch tuộc đứt đi còn có thể mọc lại như cũ, vận động được như cũ. Nhưng tay chân của con người đứt đi thì còn đâu nữa mà mọc. Kể cả có nối lại được nhờ y tế hỗ trợ để cứu sống, nhưng cũng không còn khả năng sử dụng. Có chăng thì cũng không thể đòi hỏi sự linh hoạt, dẻo dai và làm được nhiều thứ như trước.

Các loài động vật săn mồi bằng chính khả năng của chúng: hàm răng, móng vuốt, nọc độc… Con người tấn công bất cứ cái gì cũng toàn sử dụng công cụ.

Đáng lẽ con người nên hiểu rằng : Chúng ta phải mang ơn tự nhiên và các loài sinh vật thấp hơn mình trong chuỗi thức ăn tự nhiên ấy. Chúng ta phát triển hơn là để tự hoàn thiện cuộc sống của mình hơn, để bảo vệ môi trường tự nhiên và làm cho nó tốt hơn – không phải thống trị nó, không phải phá hủy nó.

Phần lớn chúng ta đã quên. Quên rằng nguồn gốc của mình là từ đâu, quên rằng nhờ có tự nhiên tồn tại nên con người mới tồn tại. Con người lấy thức ăn ở đâu nếu không có tự nhiên? Con người phát triển những kĩ năng sống dần dần từ cá nhân và một nhóm đơn lẻ, rồi dẫn đến một xã hội hiện đại như ngày nay là nhờ vào đâu? Nhờ vào thời điểm sinh tồn ban đầu trong tự nhiên chứ đâu nữa.

Kẻ thống trị đó nếu đổi lại là động vật, chúng sẽ không bao giờ phá hủy tự nhiên giống như con người. Bởi chúng biết chúng sống được là nhờ vào tự nhiên, nên cần phải giữ gìn nguồn sống đó. Ít ra chúng còn không có ý nghĩ lấy những gì của tự nhiên để phục vụ cho riêng mình.

Thật ra, con người vẫn chưa là gì so với uy quyền của tự nhiên. Con người có thể hơn một số loài – nhưng không có nghĩa là tất cả.

PHƯƠNG THỤ