Cảm nghĩ về tư tưởng là của nhân dân qua đoạn thơ cuối trong Đất nước
Hướng dẫn
Đất nước là một đoạn trích tiêu biểu trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Có nhiều đánh giá cho rằng đoạn thơ cuối của Đất nước thể hiện rõ nét tư tưởng đất nước của nhân dân. Anh chị hãy trình bày cảm nghĩ của mình về tư tưởng đất nước là của nhân dân qua đoạn thơ cuối trong đoạn trích “Đất nước”.
Bài làm
Nguyễn Khoa Điềmlà một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chông Mĩ của dân tộc cùng với các tên tuổi khác như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh,… Tuy nhiên thơ Nguyễn Khoa Điềm lại mang một phong cách, giọng điệu riêng: giàu suy tư và dồn nén cảm xúc, thường hướng về tâm tư và trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước, nhân dân. Đoạn trích “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) rất tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ở đoạn trích này, Nguyễn Khoa Điềm đã có những cảm nhận và phát hiện hết sức độc đáo, sáng tạo về đất nước: Đất nước mang tư tưởng nhân dân, một đất nước do nhân dân xây dựng, thuộc về nhân dân. Và đặc biệt, tư tưởng đất nước là của nhân dân đó được thể hiện rất rõ trong đoạn cuối của đoạn trích.
Đoạn thơ cuối mở ra với những suy ngẫm của tác giả về lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta:
“Em ơi em hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm đất nước…
… nuôi cái cùng con”
Khi nói về lịch sử dân tộc, nhiều người thường nhắc đến những triều đại hào hùng: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập” hay nhắc đến những anh hùng, những danh nhân đất Việt như Chế Lan Viên đã nhắc đến trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Truyện Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”
Tất cả những triều đại ấy, con người ấy đều đã trở nên bất tử và vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Riêng Nguyễn Khoa Điềm có nhắc đến dân tộc nhưng không kể tên những triều đại hay liệt kê lại những người đã trở thành anh hùng mà “cả anh và em đều nhớ”, mà nhà thơ chú ý và nhấn mạnh đến những con người vô danh bình dị:
“Có biết bao người con gái con trai trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và đã chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên đất nước”
“Sống” và “chết” chính là những bình diện quen thuộc của mỗi con người, làm nên một cuộc đời. Nhân dân được đặt giữa hai bình diện ấy, cả “anh” và “em” cũng vậy. Nhưng sống như thế nào cho thật sự có ý nghĩa, đấy mới là điều đáng quan tâm. Và nhân dân đã sống thật “giản dị và bình tâm”, họ cứ thuần phác, đơn sơ, cần cù làm lụng sau lũy tre làng, gắn bó thân yêu với những “ruộng đồng gò bãi” từ đời này sang đời khác, không đòi hỏi, không cầu kì, không tính toán thiệt hơn. Họ cứ “lặng lẽ gánh vác phần người đi trước để lại” rồi lại “dặn dò con cháu chuyện mai sau”. Để đến khi giã biệt cuộc đời bằng cái chết bình thản trong dòng chảy vĩnh hằng của thời gian, năm tháng. Đó là một cuộc sống và cái chết thật sự ý nghĩa. Chính những con người đó đã làm nên đất nước, bởi nếu không có nhân dân thì sẽ không thể có đất nước này. Nhân dân đã có công gìn giữ, bảo vệ và truyền lại cho con cháu đời sau những giá trị vật chất:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
…Họ đắp đập be bờ cho đời sau trồng cây hái trái”
Không chỉ truyền lại những giá trị vật chất, nhân dân cũng giữu gòn và truyền lại cho đời sau mọi giá trị tinh thần và những phong tục tập quán quen thuộc:
“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân”
Giọng nói hay tên xã, tên làng đều mang những bản sắc riêng của quê hương, là niềm tự hào gắn với mỗi vùng quê xứ sở. Nó là gốc rễ, là cội nguồn không ai được phép quên nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân:
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Cũng chính nhân dân đã để lại cho đời sau ý chí và tinh thần đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ cho đất nước. Nhưng kẻ thù không phải chỉ là giặc xâm lăng từ bên ngoài mà còn kẻ thù lớn hơn, khó đấu tranh hơn chính là nội thù. Đó là những kẻ xấu làm ảnh hưởng đến quốc gia, đến mỗi cá nhân. Vì vậy đời nào cũng cần phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tóm lại, đất nước được hình thành, phát triển và trường tồn chính là nhờ có nhân dân. Vì vậy, nhà thơ đã đi đến một kết luận mang ý nghĩa khái quát nhất, đỉnh cao của cảm xúc, đồng thời thâu tóm được toàn bộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm:
“Để đất nước là đất nước của nhân dân
Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”
Từ tư tưởng đất nước của nhân dân đó, nhà thơ đã tập trung ca ngợi những phẩm chất, những đức tính tốt đẹp nhất của nhân dân:
“Dạy anh biết yêu em
… trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
Vẫn với hình thức nghệ thuật quen thuộc mà tác giả đã sử dụng trong suốt cả đoạn thơ: những chất liệu văn học dân gian được vận dụng triệt để để tạo nên những tứ thơ quen mà lạ, Nguyễn Khoa Điềm đã ca ngợi tình yêu say đắm thủy chung trong đời sống tinh thần của nhân dân qua câu thơ:
“Dạy anh biết yêu em từ thưở trong nôi”
Câu thơ này được lấy ý từ bài ca dao:
“Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc anh ngồi anh ru”
Nhân dân ta cũng có một truyền thống vô cùng đáng quý: đề cao công sức lao động hơn của cải vật chất qua bài ca dao:
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi chẳng tiếc, tiếc công cầm vàng”
Từ đó tác giả đã hình thành nên tứ thơ: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”.
Còn câu thơ:
“Biết trồng tre mà đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
lại ca ngợi truyền thống kiên cường, bền bỉ trong chiến đấu của nhân dân ta từ bao đời nay, được lấy từ ý của bài ca dao:
“Thù này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què”
Đoạn thơ cuối đã khép lại bằng những câu thơ tràn đầy chất nhạc, họa, chất tạo hình và biểu cảm:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
… trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
Ở đoạn thơ cuối này, ta bắt gặp vẻ đẹp bình dị mà vĩ đại của con người lao động Việt Nam, đồng thời cũng là lời ca ngợi vẻ đẹp của những dòng sông Việt Nam, đặc biệt là ca ngợi tinh thần lạc quan yêu đời, say mê lao động của nhân dân.
“Đất nước” là một chương của bản trường ca nhưng bản thân nó đã trở thành một chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, qua đoạn cuối của “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ra một tư tưởng lớn của thời đại: đó là tư tưởng “Đất nước của nhân dân” vừa toàn diện vừa sâu sắc.