Viết về Trần Thủ Độ

Trước tôi không thích nhân vật này lắm, vì một hành động khá thiếu tình người : bắt ép vợ của An Sinh Vương Trần Liễu đã có mang ba tháng về làm vợ vua Trần Cảnh – Trần Thái Tông. Nói như thời buổi ngày nay thì đó khác nào là hành động tàn nhẫn, phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác. Mà cay đắng hơn Trần Liễu lại chính là anh trai ruột của Trần Cảnh. Nhường vợ cho em mình – thử hỏi đàn ông mấy ai chấp nhận được.

Huống chi Trần Thủ Độ cũng nặng tình với Trần Thị Dung – chị họ của mình đến mức hận cả Thái tử Lý Sảm. Sau khi Lý Sảm lên ngôi liền tìm cách hạ Trần Thị Dung đang từ ngôi vị vương phi xuống làm Thiên Cực công chúa – chỉ để dễ bề gả cho mình.

An Sinh Vương Trần Liễu nổi dậy cũng là lẽ dĩ nhiên. Nhưng rồi chính ông cũng biết mình thân cô thế cô, không thể làm gì khác. Em trai ông là vua – lại không thể vượt qua được Trần Thủ Độ. Có lẽ Trần Liễu thấy rất hận – hận trời, hận người, hận cả bản thân bất lực.

Trần Thủ Độ có thể làm chuyện trái với luân thường đạo lý như thế – theo nhiều quan điểm là vì ông đã có một thời gian sinh sống ở vùng Mông Cổ xa xôi, cái tư tưởng “ vợ của anh thì cũng có thể là vợ của em ” đã ăn sâu vào máu. Đạo đức truyền thống có thể áp dụng với một số lãnh thổ, chứ không có tác dụng gì ở Mông Cổ kia.

Do vậy tôi tin là Trần Thủ Độ ý thức rất rõ việc mình đang làm, nhưng tình thế chẳng đặng – Lý Chiêu Hoàng không thể mang thai sau khi đứa con bị chết yểu. Hậu duệ nhà Trần không thể chỉ vì vừa mới lên ngôi mà sớm bị đứt đoạn. Nếu lấy một đứa trẻ vào ngôi Thái tử thì con anh trai vua cũng xứng đáng lắm ấy chứ. Đều là anh em một nhà với nhau cả. Còn tốt hơn con của một người đàn bà  xa lạ, mai này có nguy cơ tạo ra một ngoại thích – thay đổi nhà Trần.

Nhưng bản thân Trần Thủ Độ cũng rất hay – dù mặc định tư tưởng theo chế độ hôn nhân gia đình ở Mông Cổ, nhưng lại có tinh thần tận với nước, trung với vua. Trần Liễu nổi dậy, ông cho là kẻ phản loạn liền định tuốt gươm ra chém. Trần Cảnh xin tha, Trần Thủ Độ quát : “ Ta chỉ là con chó săn thôi, biết anh em các ngươi thuận nghịch thế nào? ” .Một câu nói vừa thể hiện sự chừng mực biết giữ đạo làm quân thần với vua “ ta chỉ là con chó săn” thôi,  vừa thể hiện cái tức giận, một chút ra oai của người chú đối với hai đứa cháu họ.

Trước đó, Trần Cảnh bất mãn vì quyết định của Trần Thủ Độ mà bỏ lên núi định xuất gia. Nếu nhlà một người có lòng tham ngôi báu, có lẽ Trần Thủ Độ không việc gì phải đến tận nơi năn nỉ, quỳ lạy cầu xin hết mực trong nhiều ngày liền. Ngược lại, Trần Thủ Độ còn quyết luôn : “ Nhà vua ở đâu, triều đình ở đó ” và cho người dựng lều, bày biện nơi ở sắp đặt các thứ… khiến cho trụ trì kinh hãi sợ mang tội với nhà Trần mà thúc giục Trần Thái Tông quay về.

Nhưng chính vì sợ Trần Liễu sẽ phản loạn một lần nữa, mạng chủ thì có thể tha nhưng mạng tôi tớ lính lác thì không thể. Trần Thủ Độ cho giết hết tất cả binh lính theo Trần Liễu phản loạn – một phần vì để trừng phạt làm gương cho mọi người, một phần vì muốn cảnh cáo dằn mặt Trần Liễu để ông ấy không còn muốn phản loạn. Bởi nếu một lần phản loạn mà mất bao nhiêu sinh mạng như thế – Trần Liễu hay Trần Cảnh sao nỡ đành.

Lanh lợi tài trí, quyết đoán và gần như là nhẫn tâm – đó là cách mà Trần Thủ Độ đã vươn lên trở thành một nhân vật quan trọng không thể thiếu trong cơ đồ nhà Trần. Nhưng hơn hết, sự trung thành với vua, tận tụy với đất nước mới là điểm được ca ngợi nhiều nhất ở ông. Ông không tham ngôi báu, lại còn hết lòng giúp đỡ Trần Cảnh trị nước, trọng dụng người tài.

Trần Quốc Tuấn – chính là Hưng Đạo Vương nổi tiếng mà con dân Việt Nam chúng ta ai cũng rất tự hào là một ví dụ điển hình như thế. Trần Hưng Đạo là con trai sau này của Trần Liễu với người vợ mới. Nếu Trần Thủ Độ e dè trước mối nguy hiểm khôn lường này  ( mà cũng đúng thật, vì Trần Liễu quả là không cam lòng trước mối hận với Trần Thủ Độ ) thì vị Thái sư chúng ta đã có thể hãm hại hay bỏ mặc Trần Quốc Tuấn không sử dụng tài năng của ông.

Nhưng vì đất nước đang bị nhòm ngó, bị bao phen xâm lược, vì Trần Quốc Tuấn thật sự thông minh tài giỏi, thật sự có lòng trung với đất nước mà Trần Thủ Độ bỏ qua hiềm khích cá nhân để đưa Trần Quốc Tuấn vào đóng góp trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông.

Đó không những là thắng lợi của đất nước. Mà còn là thắng lợi trong mối bất hòa đã được giải vây.

Một điều nữa là, dù quê cha đất tổ của Thủ Độ ở Thái Bình ( dòng họ Trần đã chuyển đến đây khá lâu ), nhưng dù sao Mông Cổ – xét về mặt thực tế cũng là quê hương của ông ( Nhiều sử sách đã ghi nhận Trần Thủ Độ được sinh ra tại nước Kim ( sau thuộc về Mông Cổ, sống ở đó trong 7 năm đầu đời ). Ấy vậy mà người Mông Nguyên sang xâm lược nước ta, ông không vì hoài niệm quá khứ mà bỏ qua điều này.

Khác với cha ông – Trần Thủ Huy, vì bất mãn với triều Lý mà không trở về quê nhà nữa, Trần Thủ Độ vẫn luôn cho rằng mình là một người con của đất nước Đại Việt – dù ông không sinh ra tại chính quê hương mình. Dòng máu chảy trong ông vẫn là dòng máu con Rồng cháu Tiên. Cha có thể lựa chọn ở lại, nhưng ông vẫn lựa chọn theo mẹ trở về quê nhà, và sau này là lựa chọn chiến đấu chống lại cái nơi đã sinh ra ông – để bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ nguồn cội của bản thân mình.

Ông ngoan cố, bảo thủ, độc đoán và thẳng thừng làm những gì mình cho là đúng – nhưng đừng quên sự công tư phân minh ở Trần Thủ Độ. Trần Thị Dung muốn giới thiệu một người quen nhờ cậy xin ông cho chức câu đương. Đến khi gặp, ông bảo câu đương được vợ ông giới thiệu phải bị chặt một ngón chân để phân biệt với các câu đương khác. Người ấy sợ mất mật không dám xin xỏ gì nữa.

Một lần kiệu bà Dung bị lính chặn ở trạm để tra xét, bà về khóc lại với ông. Ông hỏi người lính ấy rõ ràng rồi còn tặng thêm vàng lụa thưởng cho cậu ấy. Một lần có người ngầm tố cáo ông chuyên quyền với vua Trần Cảnh, ông không những giận mà còn bảo đúng như thế và còn ban thưởng cho người ấy.

Trần Thủ Độ tưởng chừng như chỉ biết làm những gì trái đạo lý thông thường, tưởng chừng như chỉ biết lợi ích cho nhà Trần và cho bản thân, lại thực ra ngay thẳng, biết đúng biết sai như thế.

Trần Thủ Độ có thể nhẫn tâm với bất cứ ai, nhưng tuyệt đối không bao giờ nhẫn tâm với ba điều này : Đại Việt – nhà Trần – và Trần Thị Dung.

Xét về mặt tính cách, ông có thể không giỏi xã giao thu phục lòng người. Nhưng xét về bộ óc, bản lĩnh và lòng tận trung của ông – không thể không phủ nhận.

Chúng ta hướng đến những con người đã góp phần xây dựng quê hương đất nước – nhất là trong thời kì kháng chiến và đổi mới ; chúng ta hướng đến những vùng đất cần cù chịu khó , nói ít làm nhiều. Nhưng chúng ta cũng đừng quên lịch sử xa xưa. Thái Bình vẫn có Trần Thủ Độ tiếng tăm, lừng lẫy – là người khởi đầu một giai đoạn mới đầy hào hùng và đặc sắc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Phương Thụ