Trình bày suy nghĩ về giá trị sống qua câu chuyện về Chiếc bình nứt

Trình bày suy nghĩ về giá trị sống qua câu chuyện về Chiếc bình nứt

Hướng dẫn

Đề bài: Câu chuyện về chiếc bình nứt

Một người có hai chiếc bình lớn để chuyển nước.Một trong hai chiếc bình bị nứt nên khi gánh từ giếng về, nước trong bình chỉ còn một nửa.chiếc bình lành rất hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc bình nứt luôn dằn vặt, cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một hôm chiếc bình nứt nói với ông chủ: “ Tôi thực sự thấy xấu hổ về mình … Tôi muốn xin lỗi ông… Chỉ vì tôi bị nứt mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức mà ông bỏ ra.” “ Không đâu – ông chủ trả lời – khi đi về ngươi có chú ý tới những luống hoa bên đường không? Ngươi không thấy hoa chỉ mọc bên này đường phía đường của nhà ngươi sao? Ta đã biết được vết nứt của nhà ngươi nên đã gieo hạt giống hoa bên ấy. Trong những năm qua, ta đã vun xới cho chúng và hái chúng về để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nhà ta có ấm cúng và duyên dáng như thế này không?”.
Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như chiếc bình nứt.
Anh( Chị) có đồng ý với câu kết của văn bản trên không?

Trình bày suy nghĩ về giá trị sống thông qua câu chuyện về chiếc bình nứt

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Dẫn dắt vấn đề: Chúng ta cần có niềm tin và tự hào về những giá trị sống tốt đẹp mà mình có. Câu chuyện về chiếc bình nứt đã mang đến cho chúng ta hiểu sâu sắc về giá trị sống ở trong mỗi con người.

2. Thân bài

– “Vết nứt” là hình ảnh biểu tượng cho những khiếm khuyết, nhược điểm, hạn chế trong bản thân mỗi con người.

+ Trong câu chuyện, chiếc bình nứt đã vô cùng đau khổ, dằn vặt vì vết nứt trên thân mình.

+ Chiếc bình cho rằng mình đã không thể chứa đựng được nước, không thể trở thành vật trang trí khiến chủ có thể hãnh diện.

–> Trạng thái tâm lí thiếu tự tin, mặc cảm của chiếc bình nứt cũng gợi liên tưởng đến rất nhiều người ngoài xã hội rộng lớn kia.

– Việc tự trách không hề xấu, bởi nó là biểu hiện cao nhất của sự ý thức, khi nhận thức được những thiếu xót, con người sẽ biết điểm yếu của mình là ở đâu để từ đó khắp phục và trở nên tiến bộ hơn.

– Nếu luôn mặc cảm, chìm đắm trong sự mặc cảm ấy con người sẽ không thể vượt thoát ra khỏi cái bóng ám ảnh của chính mình, càng không thể nhận thức được những giá trị, thế mạnh của bản thân.

+ Chiếc bình kia không mang những tâm sự của mình nói với ông chủ, nó cũng sẽ không bao giờ nhận ra giá trị của mình đã mang đến sự sống tươi tốt cho bao bông hoa ngoài kia.

+ Trong cuộc sống cũng vậy, trước những thất bại, con người không nên bi quan, mặc cảm mà cần vững vàng đứng lên từ những thiếu sót.

– Trên đời không có ai hoàn hảo một cách tuyệt đối, vì vậy nếu có những thiếu xót, hạn chế nào đấy thì bạn cũng không nên quá buồn mà mặc cảm về bản thân mình.

–> Điều đáng quý nhất là chúng ta biết mình yếu kém ở đâu để phấn đấu cải thiện

– Không thể vì những vết nứt, những hạn chế của mình mà cho rằng mình vô dụng, không thể tạo ra thành quả, khi cố gắng hết sức chúng ta sẽ tạo ra được những thành quả

– Hãy nhìn nhận công bằng với những thành quả mà mình đã tạo ra, bởi đôi khi nó không hiện hình giống chiếc bình trong câu chuyện trên kia.

3. Kết bài

Hãy sống tự tin, chủ động và không ngừng cố gắng để làm phong phú hơn cho giá trị sống của bản thân các bạn nhé.

II. Bài tham khảo

Trong cuộc đời, mỗi người đều gắn với những sứ mạng của mình, họ có thể khác nhau về vị trí, năng lực, trong đó những người có tài năng, tâm huyết có thể trở thành những vĩ nhân được cả thế giới biết như: Các- Mác, Edison, Anh-xtanh, …Nhưng không vì sự xuất hiện của những vĩ nhân mà những người còn lại của thế giới trở nên tầm thường bởi sinh ra trên đời, mỗi người đều sở hữu những năng lực, giá trị riêng. Những giá trị ấy có thể không được nhiều người biết đến, ca ngợi nhưng nó lại có ý nghĩa với chính bản thân người sở hữu nó, thậm chí có khả năng tác động tích cực đến những người xung quanh. Vì vậy mà chúng ta cần có niềm tin và tự hào về những giá trị sống tốt đẹp mà mình có. Câu chuyện về chiếc bình nứt đã mang đến cho chúng ta hiểu sâu sắc về giá trị sống ở trong mỗi con người.

“Vết nứt” là hình ảnh biểu tượng cho những khiếm khuyết, nhược điểm, hạn chế trong bản thân mỗi con người. Trong câu chuyện, chiếc bình nứt đã vô cùng đau khổ, dằn vặt vì vết nứt trên thân mình, chiếc bình cho rằng mình đã không thể chứa đựng được nước, không thể trở thành vật trang trí khiến chủ có thể hãnh diện. Trạng thái tâm lí thiếu tự tin, mặc cảm của chiếc bình nứt cũng gợi liên tưởng đến rất nhiều người ngoài xã hội rộng lớn kia. Dù có tài giỏi đến mấy con người cũng từng trải qua thất bại, từng tự trách bản thân vì những hạn chế, thiếu sót. Việc tự trách không hề xấu, bởi nó là biểu hiện cao nhất của sự ý thức, khi nhận thức được những thiếu xót, con người sẽ biết điểm yếu của mình là ở đâu để từ đó khắp phục và trở nên tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, nếu luôn mặc cảm, chìm đắm trong sự mặc cảm ấy con người sẽ không thể vượt thoát ra khỏi cái bóng ám ảnh của chính mình, càng không thể nhận thức được những giá trị, thế mạnh của bản thân. Nếu như chiếc bình kia không mang những tâm sự của mình nói với ông chủ, nó cũng sẽ không bao giờ nhận ra giá trị của mình đã mang đến sự sống tươi tốt cho bao bông hoa ngoài kia. Trong cuộc sống cũng vậy, trước những thất bại, con người không nên bi quan, mặc cảm mà cần vững vàng đứng lên từ những thiếu xót, cho dù cố gắng nhưng chúng ta vẫn không đạt được những thành quả như ý muốn thì cũng không cần quá buồn vì chúng ta đã cố gắng hết sức, và khi ấy chúng ta hãy nhìn lại phía sau. Bởi sau những cố gắng mà chúng ta bỏ ra, tuy không đạt được thành quả cao nhất nhưng chúng ta đã thành công rồi đấy, bởi chúng ta đã biết cách vượt qua chính mình, đã có thêm những bài học quý báu. Đó chẳng phải những thành quả đáng quý nhất sao.

Trên đời không có ai hoàn hảo một cách tuyệt đối, vì vậy nếu có những thiếu xót, hạn chế nào đấy thì bạn cũng không nên quá buồn mà mặc cảm về bản thân mình. Điều đáng quý nhất là chúng ta biết mình yếu kém ở đâu để phấn đấu cải thiện, vì quá mặc cảm về bản thân mà đôi khi chúng ta bỏ quên những giá trị đáng quý mà mình sở hữu như chiếc bình kia vậy. Chẳng phải nhà khoa học vĩ đại Edison cũng phải trải qua hàng trăm nghìn cuộc thí nghiệm mới nghiên cứu thành công bóng đèn hay sao. Sự thấy bại ấy đâu phải do năng lực của Edison không đủ đúng không? Tài năng của Edison là không thể bàn cãi nhưng vì chưa thực hiện đúng cách thức nên chưa thể thành công. Đó không thể coi là sự thất bại mà là bàn đạp cho thành công sau này. Chúng ta cũng vậy, không thể vì những vết nứt, những hạn chế của mình mà cho rằng mình vô dụng, không thể tạo ra thành quả, khi cố gắng hết sức chúng ta sẽ tạo ra được những thành quả, và cuối cùng hãy nhìn nhận công bằng với những thành quả mà mình đã tạo ra, bởi đôi khi nó không hiện hình giống chiếc bình trong câu chuyện trên kia.

Hãy sống tự tin, chủ động và không ngừng cố gắng để làm phong phú hơn cho giá trị sống của bản thân các bạn nhé.