Trình bày những đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Một người Hà Nội
Hướng dẫn
Đề bài: Anh chị hãy trình bày những nét đặc sắc nhất về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải.
Bài tham khảo
Nguyễn Khải là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại Việt Nam trước và sau đổi mới (1975). Phong cách sáng tác của Nguyễn Khải có sự thay đổi theo những vận động của lịch sử, xã hội. Nếu trước năm 1978, Nguyễn Khải tập trung khai thác những xung đột, mâu thuẫn cũ-mới, ta-địch, tốt xấu thì sau năm 1978 những sáng tác của Nguyễn Khải lại thấm đượm những trăn trở, chiêm nghiệm về hiện thực cuộc sống xô bồ, nhiều đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc khi đi sâu tìm khám phá cuộc sống ở mặt bản chất nhất. Truyện ngắn Một người Hà Nội tiêu biểu được sáng tác sau 1978, thành công của truyện ngắn này không chỉ đến từ nội dung mới mẻ, đặc sắc mà còn được đóng góp bởi nghệ thuật xây dựng truyện đặc sắc.
Thông qua việc xây dựng nhân vật bà Hiền, nhà văn Nguyễn Khải đã thể hiện cái nhìn, quan niệm về con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử và những biến đổi của dân tộc qua từng giai đoạn phát triển, với quan hệ gia đình và các thế hệ nối tiếp. Qua đó thể hiện sự trân trọng,, ngợi ca đối với những giá trị nhân văn cao đẹp trong con người và trong cuộc sống xưa – nay.
Truyện ngắn “Một người Hà Nội” cũng đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa của con người và vùng đất Hà Nội, qua đó thắp lên tình yêu, sự tự hào và ý thức nối tiếp những giá trị truyền thống đẹp đẽ.
Ngôn ngữ kể chuyện giản dị nhưng đặc sắc, có tính cá thể hóa rõ nét. Đối với mỗi nhân vật, NGuyễn Khải lại sử dụng ngôn ngữ kể khác nhau, nếu cô Hiền được khắc họa với những câu nói ngắn gọn, logic, rõ ràng thì nhân vật Dũng lại có những câu nói giàu trải nghiệm, những lời nói xót xa.
Truyện ngắn được trần thuật bằng giọng điệu đa thanh, phức điệu, vừa trải đời vừa tự nhiên, vừa dân dã, vừa trĩu nặng những tâm sự, suy tư. Giọng kể có khi tự tin, có khi hoàn lẫn những hoài nghi, tự hào xem lẫn tự trào mang đến nhiều cung bậc màu sắc cho tác phẩm, đồng thời làm tăng tính phong phú cho cảm nhận của người đọc.