Thuyết minh về con thỏ, bài văn mẫu về con thỏ lớp 9

Chắc hẳn tuổi thơ mỗi người đều đã được lắng nghe câu chuyện ngụ ngôn “rùa và thỏ”. Qua câu chuyện, ta thấy hình ảnh của một chú thỏ nhanh nhẹn nhưng lại mải chơi, là hình ảnh ẩn dụ cho những người có năng lực mà không chăm chỉ gìn giữ và phát huy. Hay trong dân gian thì ông cha ta lại thường ví “nhanh như thỏ”. Trong đời sống thì con thỏ cũng trở nên hết sức quen thuộc. Trước hết đó là phương tiện làm kinh tế cho các hộ trang trại, nuôi thỏ không quá khó nhưng lợi nhuận lại cao. Cuộc sống ngày càng hiện đại, thỏ còn trở thành một con vật cưng với vẻ bề ngoài dễ thương và đáng yêu của nó. Ở chương trình Ngữ văn lớp 9, chúng ta sẽ bắt gặp đề bài thuyết minh về con thỏ. Khi làm bài các bạn cần bảo đảm được các ý như nguồn gốc, phân loại, đặc điểm sinh học và giá trị trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Sau đây là hai bài văn mẫu như một hướng dẫn để các bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ CON THỎ

Thế giới xung quanh ta thật đa dạng và phong phú với rất nhiều chủng loại. Theo thời gian, con người dần càng gắn bó với các con vật, coi chúng như những người bạn gần gũi và thân thiện. Một số con vật khác được thuần háo còn trở thành thú cưng của con người. Trong số đó phải kể đến những chú thỏ vô cùng đáng yêu- loài vật mà em yêu quý nhất.

Các giống thỏ nhà trên thế giới hiện nay đều có nguồn gốc từ thỏ rừng (Orytolaguc cuniculus). Thỏ rừng ở châu Âu được phát hiện bởi những nhà ngữ âm học khi họ đến bờ biển Tây Ban Nha vào năm 1000 trước công nguyên. Từ đầu thế kỉ 19 việc nuôi thỏ đã phát triển khắp Tây Âu và được người châu Âu đưa thỏ đi du nhập ở tất cả các nước trên thế giới. Cuối thế kỉ 19 và nhất là đầu thế kỉ 20 các giống thỏ đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt đã được chọn lọc và thay đổi dần về ngoại hình, sinh lý thích nghi với hoàn cảnh cụ thể và khả năng sản xuất phù hợp. Ở Việt Nam, thỏ được nhập vào cách đây hơn một trăm năm và được nuôi khá phổ biến, rải rác trên mọi vùng miền.

Thỏ là loài gia súc tương đối yếu, khá nhạy cảm và dễ có phản ứng cơ thể với những điều kiện thay đổi của môi trường bên ngoài như nắng, mưa, ẩm độ, nhiệt độ, thức ăn, nước uống, tiếng ồn và các ô nhiễm môi trường khác. Loài thỏ khá đặc biệt với một số tập tính như đào hang làm nơi trú ẩn và sinh sản, sống thành bầy và thông thường số cái nhiều hơn đực, thỏ cái thường dùng các vật liệu kết hợp với lông ở bụng để làm ổ trước khi đẻ, thỏ ăn và uống bất kỳ thời gian nào trong 24 giờ, chúng không ăn thức ăn đã dơ bẩn, đã rơi xuống đất,…

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đối với thỏ. Khi nhiệt độ thấp hơn 10 độ C thỏ cuộn mình để giảm diện tích chống lạnh, nhưng khi nhiệt độ từ 25- 30 độ C thì chúng sẽ nằm dài soải thân thể ra để thoát nhiệt. Thỏ rất thích điều kiện thông thoáng, gió sự lưu chuyển trong không khí vào khoảng 0.3m/giây là thích hợp nhất. Tuy nhiên nếu gió thổi trực tiếp vào cơ thể thỏ thì chúng có thể bị bệnh viêm mũi và cảm lạnh.

Cơ quan khứu giác của thỏ rất phát triển, nó có thể ngửi mùi mà phân biệt được con của nó hay con của con khác. Xoang mũi thỏ có nhiều vách ngăn chi chít có thể ngăn chặn được các tạp chất bẩn trong không khí bụi hoặc từ thức ăn. Nổi bật trên bộ lông trắng muốt là chiếc mũi phớt hồng lúc nào cũng ươn ướt như người bị cảm cúm. Cơ quan thính giác thỏ rất tốt. Thỏ rất nhạy cảm với tiếng động dù là rất nhẹ. Khi nghe thấy tiếng động, thỏ rất dễ sợ hãi, do vậy trong chăn nuôi tránh tiếng động ồn ào cho thỏ. Trong đêm tối, đôi mắt tròn xoe sáng lên như hai chiếc đèn pha nên vẫn nhìn thấy mọi vật, do vậy thỏ vẫn có thể ăn uống ban đêm cũng như là ban ngày.

Thỏ là loại động vật đẻ con, mỗi lần sinh đẻ, thỏ cái có thể đẻ từ một đến hai con. Tuổi thọ của một con thỏ có thể lên tới 10 năm hoặc hơn nữa tùy vào điều kiện sinh sống. Thỏ rất ưa những nơi thoáng đãng và khí hậu mát mẻ nên khi chăn nuôi, các hộ trang trại cần chú ý đến yếu tố này.  Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp thì ta cần đảm bảo việc giữ ấm cho thỏ để chúng phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.

Ngày nay việc nuôi thỏ để lấy thịt hay phục vụ một số nhu cầu khc đã đem lại một nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ. Trong đời sống tinh thần, thỏ cũng có vị trí khá quan trọng. Thỏ là biểu tượng của Tây Ban Nha vào thời kỳ La Mã. Trong câu chuyện truyền thuyết Chị Hằng- Chú Cuội, chú thỏ ngọc chính là người bạn thân thiết với chị Hằng nơi cung trăng. Thỏ thường được biết đến trìu mến là con vật cưng của nhiều gia đình.

Như vậy những chú thỏ nhỏ xinh không chỉ đáng yêu, ngoan ngoãn mà còn rất hữu ích trong cuộc sống. Bởi vậy chúng ta hãy luôn yêu quý và chăm sóc thật tốt cho loài vật này nhé.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ CON THỎ

Những câu chuyện cổ tích thần tiên có nàng công chúa xinh đẹp, ông bụt bà tiên, những phép màu kì ảo và cũng không thể thiếu hình ảnh những chú thỏ đáng yêu. Những chú thỏ xinh xắn, ấm áp ấy luôn là niềm mơ ước của rất nhiều những người.

Bên cạnh chó và mèo, thỏ cũng là một người bạn đồng hành gần gũi đối với rất nhiều mái nhà. Không to con và ham chơi như chó, cũng chẳng tinh nghịch như mèo, nhưng những chú thỏ ấy vẫn có sức hấp dẫn thật kì lạ. Chỉ nhìn lướt qua thôi cũng thật khó có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của chú. Nhắc đến loài thỏ thì có lẽ bộ lông luôn được mọi người yêu thích nhất. Lông thỏ có rất nhiều màu xám, đen,… nhưng màu trắng muốt vẫn luôn có sức quyến rũ kì lạ. Từng sợi lông trắng muốt mềm mại đan cài vào nhau một cách khéo léo khoác lên thân hình chú thỏ một chiếc áo tuyệt đẹp. Bộ lông dày, mượt đôi khi biến chú ta tựa như một quả bóng lông lười nhác lúc nào cũng muốn được ôm ấp. Khẽ chạm tay, nhẹ nhàng vuốt lên bộ lông ấy, dường như có lạnh có rét đến đâu đi chăng nữa cũng đều bị xua tan bởi cảm giác ấm áp, dịu êm. Đâu chỉ có bộ lông mềm mại, mỗi chú thỏ lại mang một đôi mắt quyến rũ đặc biệt. Đôi mắt to tròn có chú thì đen láy, long lanh như hai giọt nước, có chú lại như được gắn hai viên ngọc bích đỏ hồng, xinh xắn.Những đôi mắt ấy không chỉ đẹp thôi đâu mà nó còn rất tinh anh nữa đấy. Thỏ quan sát rất tinh tường thậm chí nhìn được mọi vật, sinh hoạt bình thường trong màn đêm tối tăm. Hơn thế nữa, mỗi khi nhìn vào đôi mắt ấy ta cũng phần nào cảm nhận được những cảm xúc, tình cảm yêu thương đong đầy trong chú. Liệu có ai là không yêu thích đôi tai dài dễ thương của những chú thỏ không nhỉ? Thỏ có đôi tai rất dài, thường hay dỏng lên nghe ngóng. Vì tính các chú thỏ có đôi chút nhút nhát nên chỉ tiếng động rất nhỏ thôi cũng đủ làm đôi tai hồng hồng xinh xắn cử động vẫy liên hồi, có khi lại chạy biến núp đâu mất. Không chỉ có đôi tai tinh nhạy mà chiếc mũi của những chú thỏ cũng rất thính. Chiếc mũi hồng hồng ươn ướt chỉ rung rung một tẹo thôi cũng đủ giúp cho chú ta tìm đến ghé thăm ngay lập tức củ cà rốt thân thương hay đôi ba món ăn vặt hấp dẫn.

Quả thật so với các loài vật nuôi khác, các chú thỏ không hề dễ để chăm sóc chút nào. Vì cơ thể có phần nhỏ, hơi yếu nên các chú thỏ luôn cần được quan tâm, chăm sóc. Các chú vì thế mà chẳng mấy khi di chuyển, chỉ thích nằm ườn trên những chiếc đệm bông mềm mại, sà vào lòng mọi người mà say giấc. Nhưng cũng đừng vì thế mà coi thường các chú thỏ đấy nhé. Những chú thỏ nhà ấy tuy đã không còn quen với cuộc sống hoang dã hiểm nguy, nhưng đôi chân nhanh nhạy vẫn còn đó. Chỉ khi nào cần là đôi chân ấy sẽ bật thật cao thật xa khiến mọi người ai cũng phải bật cười bất ngờ thích thú. Chú thỏ mong manh, đang yêu đến vậy ai mà nỡ xa lánh cho được. Chú luôn là người bạn sẻ chia từng phút giây với mọi người, ôm chú vào lòng dường như mọi mệt nhọc đều có thể tan biến biến đi nhanh chóng. Chú thỏ xinh xắn ấy còn đi vào trong những câu chuyện cổ tích, giấc mơ diệu kì của trẻ thơ. Đó là chú thỏ ngọc trên tay chị Hằng Nga xinh đẹp duyên dáng, là anh chàng láu cá, nhanh nhẹn trong cuộc đua rùa và thỏ. Và được ôm một chú thỏ vào lòng thôi cũng là giấc mộng của bao đứa trẻ thơ. Hình ảnh đáng yêu của chú gắn liền với tuổi thơ gợi nhắc về những khát khao, kỉ niệm ngây thơ, hồn nhiên rất đỗi đơn thuần.Thế mới thấy những chú thỏ ấy thật đáng yêu, xinh xắn. Mỗi chú thỏ tựa như một người bạn thân thiện luôn sẵn sàng đồng hành gắn bó ở bên sẻ chia với cuộc sống của mỗi chúng ta.

Nguồn Internet