Thuyết minh về cây dừa lớp 9, bài văn mẫu về cây dừa quê em

Trong thiên nhiên rộng lớn, có biết bao nhiêu loài cây, loài hoa, mỗi loại lại mang trong mình những vẻ đẹp và giá trị riêng. Mỗi cây cối lại có những tác dụng riêng, cây thì làm đẹp như hoa hồng, mai, đào…cây thì làm vị thuốc chữa bệnh như cây bỏng, cây nha đam… cây thì làm đồ dùng, làm gỗ như cây xà cừ,.. Và không thể không nhắc đến cây dừa là loại cây chứa tất cả những tác dụng đó. Dừa cũng đi vào thơ ca nhạc họa rất tự nhiên, dừa xuất hiện ở rất nhiều nơi trên mảnh đất quê hương. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, ta bắt gặp đề bài thuyết minh về cây dừa. Để làm tốt bài này các bạn cần chú ý đi vào giới thiệu đặc điểm, cấu tạo, phân loại, công dụng và qua đó thấy được ý nghĩa của cây dừa với đời sống con người. Dưới đây là những bài viết mẫu hay nhất các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ CÂY DỪA LỚP

  • “ Cây dừa xanh toả nhiều tàu
  • Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
  • Thân dừa bạc phếch tháng năm
  • Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao”.

Hình ảnh cây dừa đã đi vào thơ ca nhạc họa một cách rất tự nhiên. Dừa là hình ảnh rất gần gũi và hết sức quen thuộc thân thương và trìu mến, gắn liền với tuổi thơ của mỗi chúng ta.

Nguồn gốc của loài thực vật này là chủ đề gây tranh cãi, trong đó một số học giả cho rằng nó có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Châu Á trong khi những người khác cho rằng nó có nguồn gốc ở miền Tây bắc Nam Mỹ. Đến nay dừa đã được trồng phổ biến và xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước. Trên thế giới, dừa thường phân bố ở vùng châu Á, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, dừa thường tập trung từ Quãng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre “Khi yêu yêu lắm dừa ơi/ Cả trời cả đất cả người Bến Tre”. Dừa có rất nhiều loại như dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa, dừa dâu, dừa sáp. Nhưng nhìn chung các loại dừa đều cơ bản giống nhau và có những lợi ích riêng giúp ích cho cuộc sống con người.

Hầu như loại dừa nào cũng có đặc điểm và cấu tạo như nhau. Thân dừa có hình trụ với những nốt vằn trên thân, cao khỏe, có màu nâu sậm, cao khoảng 20- 30 cm, đường kính rộng khoảng 45 cm. Đối với loại dừa dùng để làm cảnh thì thân thường là màu xanh có nhiều đốt với những tán lá xòe rộng như một cái ô khổng lồ. Lá dừa xanh, dài tán lá rộng có nhiều tàu lá. Khi già thì lá chuyển mình thành màu vàng rồi héo dần và rụng. Phải quan sát tỉ mỉ thì ta mới nhìn thấy những bông hoa trắng, nhỏ li ti kết thành từng chùm trông thật thích mắt. Cây ra hoa rồi kết thành trái. Quả dừa tròn, nằm trên những tàu lá, kết thành từng chùm như đàn lợn con nằm trên cao. Cây dừa có rất nhiều quả, quả của chúng kết thành buồng, mỗi cây có rất nhiều buồng và mỗi buồng dừa có nhiều quả, trung bình mỗi buồng từ 5 đến 10 trái dừa, có loại trên 20 trái. Quả dừa gồm hai phần là phần vỏ và phần nước ở bên trong được ngăn cách nhau bởi lớp cùi trắng. Để lấy nước của quả dừa thì đây là một công đoạn cũng rất khó cần loại bỏ lớp vỏ ngoài và lớp xơ dừa sau đó dùng đũa/que chọc vào mắt lớn nhất của quả rồi đặt ống hút vào. Người ta có thể lấy nước bằng cách chặt bỏ một phần vỏ ở phần đối diện với cuống dừa để phần vỏ cứng bên trong phơi ra vật chứa.

Người ta tìm đế với dừa có rất nhiều những công dụng khác nhau. Mỗi bộ phận của dừa hầu như đều chứa đựng những lợi ích khác nhau. Chúng ta không chỉ biết công dụng của dừa dùng để ăn mà biết đến với rất nhiều công dụng khác. Thân dừa dùng để làm cột chống, hay lá dừa khi già héo và rụng thì người ta phơi khô dùng để đun và cháy rất bén. Bên cạnh đó, thân dừa có thể dùng làm đồ mỹ nghệ hoặc làm vật liệu cho một số công trình xây dựng. Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ và nó còn được dùng để đánh răng. Tán lá dừa rộng, xòe to nên có thể dùng để che nắng, che mưa. Xơ dừa dùng làm dây thừng, hoa dừa dùng để trang trí. Phần có tác dụng to lớn là nằm ở quả dừa. Nước dừa thơm ngon, béo ngậy có thể dùng để uống giúp đẹp da hay dùng để nấu cơm, thổi xôi thêm cùi dừa nạo mỏng thì ta sẽ được đĩa xôi ngon miệng, béo ngậy, giàu chất dinh dưỡng. Người ta còn biết dùng nước dừa đun lại để làm dầu dừa dưỡng da, dưỡng tóc. Cùi dừa dùng để kho thịt, thạch dừa hay dùng để làm kem dừa khi trời nóng nắng oi bức hay dùng là mứt vào mỗi dịp tết. Khi dùng xong bên trong, họ còn dùng gáo dừa để làm vật dụng trong gia đình hay dùng để nấu ăn…

Cây dừa có rất nhiều tác dụng to lớn đối với cuộc sống của con người. Cây dừa đã từ lâu cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam bởi sự kiên cường bất khuất, dám đối mặt với mọi gian nan để vươn cao, vươn xa hơn.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ CÂY DỪA

  •                   “Bến Tre dừa ngọt sông dài”
  •                   “Bến Tre dừa xanh bát ngát”

Nhắc đến Bến Tre là ta không thể không nhắc đến dừa- một loại cây quen thuộc với người dân Việt ta. Đi dọc dải đất miền Tây nắng gió ta nhất định sẽ bắt gặp những rặng dừa rủ bóng xanh mát. Cây dừa không chỉ làm đẹp cho cảnh sắc làng quê mà nó còn có nhiều công dụng hữu ích cho con người.

Dừa là loại cây dễ trồng, nó có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là đất pha cát và có khả năng chịu mặn tốt nên ở Việt Nam dừa được trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dừa được chia ra làm nhiều loại trong đó có hai loại phổ biến phải kể đến là dừa xiêm và dừa khô. Các giống dừa xiêm sẽ cho ra nước để uống còn các giống dừa khô sẽ dùng để lấy tinh dầu dừa nguyên chất. Ngoài ra còn có một số giống dừa đặc biệt khác như dừa sọc, dừa sáp, dừa dứa.

Mặc dù được chia ra nhiều giống khác biệt nhưng phần lớn cấu tạo của các cây dừa là giống nhau. Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, cao tầm 20m đến 25m. Thân dừa là đặc điểm để đánh giá sự sinh trưởng của cây bởi thân dừa cao chỉ phát triển mạnh sau từ 4 đến 5 năm. Lá dừa xanh, dài, chia thành nhiều tàu rủ xuống giống như lá chuối nhưng chúng không liền một dải như chuối mà mỗi lá chia thành nhiều nhánh. Một cây dừa sẽ có khoảng 30 đến 35 tàu lá và vào thời kì trưởng thành mỗi tàu lá sẽ dài từ 5m-6m. Rễ dừa được sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân, không có rễ cọc. Rễ không có lông hút mà chỉ có rễ dinh dưỡng. Khi cây dừa 5 năm tuổi nó có 548 chiếc rễ và đến năm 13 tuổi chúng sẽ đạt số lượng lên tới 5200 rễ.

Hoa dừa có màu trắng và nhỏ, thuộc loại đơn tính, hoa đực và hoa cái riêng lẻ vì vậy hoa dừa được thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng. Quả dừa được sinh ra từ hoa. Quả dừa tròn quây quanh thân dừa kết thành từng buồng. Mỗi buồng gồm từ 5 đến 10 trái. Vỏ dừa cứng, độ cứng của cùi và độ ngọt của nước dừa bên trong sẽ phụ thuộc vào độ “già” của trái dừa. Khi thu hoạch dừa người ta phải trèo lên cây dừa để vặn, xoay, cắt cho trái dừa rơi xuống đất hoặc có thể đứng dưới đất dùng sào tre để cắt trái dừa rụng xuống.

Cây dừa đã dốc hết sức lực của mình để phục vụ cho đời sống con người. Có thể nói chúng ta tận dụng được hết những bộ phận của dừa vì chúng vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị sử dụng. Thân dừa to khỏe được đục đẽo làm thành những chiếc xuồng giúp người dân miền Tây đi lại trong những ngày lũ lụt hay những ngày xuôi mái chèo qua rừng ngập mặn. Gỗ dừa còn dùng làm đồ mĩ nghệ tinh xảo. Lá dừa phơi khô có thể làm chất đốt trong gian bếp làng quê, làm mái che, đan làm giỏ đựng và ta cũng có thể dùng lá dừa sáng tạo ra chiếc chổi dừa độc đáo. Đến rễ dừa có thể tận dụng để làm thuốc nhuộm…

Và phần giá trị nhất có lẽ là quả dừa. Nước dừa có vị thanh ngọt dùng để giải khát trong những ngày nắng nóng thì không gì sánh được. Cùi dừa dùng để kho thịt, làm mứt hay kẹo dừa- những món ăn quen thuộc với người dân Việt. Xơ dừa được tách ra và được bện thành những sợi dây thừng vững chắc, nó cũng là một nguyên liệu cần thiết để sản xuất than củi. Dừa còn là một phương pháp làm đẹp hữu hiệu với chị em phụ nữ. Dầu dừa có công dụng làm đẹp da, chống nứt nẻ và dưỡng tóc óng mượt. Người xưa còn ca ngợi dầu dừa bằng câu ca dao:

  •   “Không chồng, son phấn qua loa,
  • Có chồng, em trang điểm nước hoa dầu dừa.”

Quả thật, cây dừa đã gắn bó với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Dừa tỏa bóng mát làm dịu tâm hồn con người, dừa lại tạo giá trị kinh tế giúp con người kiếm thêm thu nhập. Cây dừa còn đi vào thơ ca, tạo nên một nét riêng giản dị đặc trưng của tâm hồn Việt. Vì thế dừa xứng đáng là một loài cây được yêu quý và trân trọng.

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 THUYẾT MINH VỀ CÂY DỪA

  • “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
  • Mà lá tươi xanh mãi đến giờ”

Đi vào trong những vần thơ, trong lời ru câu hát, từ lâu, cây dừa đã trở thành một người bạn của người dân Việt Nam. Dừa đã gắn bó với quê hương, với những bờ cát trắng và nắng gió của tổ quốc từ ngàn đời nay với màu lá xanh tươi như thế.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp các châu lục, dừa là một loài cây quen thuộc. Các nghiên cứu khoa học vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chính xác cho nơi bắt đầu của dừa nhưng qua nhiều năm phát triển, dừa giờ đây trở nên rất phổ biến, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới như châu Á và vùng ven Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, dừa thường tập trung ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng nhất là ở Bến Tre và Bình Định.

Dừa là một loại thuộc họ cau. Thân dừa rất cao, một số cây có thể cao đến ba mươi mét. Dừa còn sở hữu một thân hình khỏe khoắn với khuôn hình trụ kiên cố, có những nốt vằn trên thân vết sẹo để lại sau khi những bẹ lá già và rụng xuống đất để lại. Dừa càng già thì màu thân càng bạc đi theo năm tháng.

  • “Cây dừa xanh toả nhiều tàu,
  • Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.”
  • ( “Cây dừa”-Trần Đăng Khoa )

Đúng như nhà thơ đã miêu tả, cây dừa có tán rộng với những lá dài, xanh mướt và nhiều tàu. Thân hình cao lớn, tán lá xanh dày nên những hôm trời nắng, cây dừa đứng sừng sững như một chiếc ô khổng lồ, dang rộng những cánh lá xanh dài của mình đê che bớt đi cái chọi lọi, gay gắt của nắng, đem lại những bóng râm mát cho người dân nghỉ ngơi. Lá dừa có hình dạng như lông chim với một gân chính dài, cứng, từ gân đâm ra những lá đơn. Mỗi lần làn gió thổi qua là những lá đơn lẻ ấy lại va chạm vào nhau, tạo nên những âm thanh xào xạc rất vui tai. Ấy cũng là thú vui của những du khách đi biển, nằm dài trên bờ cát trắng dưới bóng mát của tán dừa, lắng tai nghe bản hòa tấu của tiếng sóng vỗ rì rầm và lá rì rào như đang hát.

Có ai đã nghe đến hoa dừa chưa? Chắc ít người biết lắm, nếu như bạn không phải dân miền biển hay là một nhà thực vật học đam mê khám phá. Dừa cũng có hoa, nhưng trái với thân hình to khỏe, hoa dừa lại nhỏ, có màu trắng thanh khiết như hoa cau. Vì kích thước quá nhỏ, lại nằm ở trên cao nên ít khí người ta nói đến hoa dừa, nhưng đây cũng là một bộ phận không thể thiếu của cây. Từ những bông hoa nhỏ ấy, ta mới có những trái dưa thơm nức mùi hương. Quả dừa phát triển từ hoa, lớp vỏ bên ngoài màu xanh, cứng, nhẵn và có ba đường gờ lên rất rõ ràng. Vì thế mà quả dừa không tròn như quả nhãn, quả cam, không có hình bầu dục như xoài mà có một dạng rất riêng và đặc trưng. Dừa là quả hạch có xơ, vỏ dừa được cấu thành từ nhiều lớp xơ dừa chồng lên nhau, khá cứng nên người ta thường gọi là sọ dừa hoặc gáo dừa. Bên trong những lớp xơ đã hóa gỗ ấy là cùi dừa và nước dừa- nguyên liệu nấu ăn quen thuộc của người dân. Với dừa non thì cùi thường mỏng và mềm, nên thường được hái để lấy nước. Với những quả già, lớp ngoài chuyển thành màu nâu thì cùi dừa dày, chắc nên được sử dụng để lấy cùi. Để lấy dừa non thì cần phải hái nhưng với dừa già, ta chỉ cần đợi nó rụng xuống và thu hoạch là được. Trái dừa cũng được chia ra nhiều loại như dừa xiêm với trái nhỏ, nước rất ngọt; dừa bị với trái to; dừa lửa với vỏ màu vàng hồng như ánh lửa, …

Dừa không chỉ đem lại bóng mát cho người dân vào những ngày hè nóng nực mà còn được mang nhiều giá trị sử dụng khác. Gần như tất cả các bộ phận trên cây dừa đều có thể sử dụng và làm nguyên liệu cho đời sống sinh hoạt. Nước dừa ngoài là một thức uống giải khát thì có thể sử dụng làm các món ăn như cá kho, nước chấm, … Cùi dừa vừa có thể ăn trực tiếp lại vừa có thể thêm vào các món như thịt kho dừa, các loại chè để tăng thêm hương vị. Là một người dân Việt Nam, không ai là không biết đến dừa Bến Tre, đặc biệt là kẹo dừa Bến Tre với sắc ngọt lịm và mùi thơm thanh thanh dễ chịu của hương dừa. Với sự sáng tạo thì người dân còn làm ra dầu dừa. Cho đến nay thì dầu dừa đã trỏ thành một sản phẩm có giá trị sử dụng rất cao, được biến đến như một loại mỹ phẩm thiên nhiên hữu hiệu cho các chị em. Sọ dừa thì có thể làm gáo nước, rễ dừa được sử dụng như một loại thuốc, thân dừa là một cây cầu chắc chắn, …

Không chỉ hiện hữu trong đời sống thường nhật, dừa còn đi vào trong ca dao như một hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam:

  • “Cây dừa xanh toả nhiều tàu,
  • Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.”

Lê Anh Xuân, một nhà thơ hiện đại cũng có những vần thơ về cây dừa với bài thơ như tiếng gọi thân thương Dừa ơi. Dừa còn đi vào trong âm nhạc, trở thành biểu tượng cho một vùng miền của tổ quốc trong “Dáng đứng Bến Tre”.

  • “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
  • Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
  • Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
  • Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?””

Dừa đã gắn bó với tuổi thơ của bao người dân Việt Nam, lớn lên cùng với những lũ trẻ da sạm đi vì nắng gió, che mát cho tâm hồn bao đời người dân đất Việt.

Nguồn Internet