Tập làm văn lớp 3: Tuần 26: Luyện tập viết đoạn văn miêu tả ngày hội

Tập làm văn lớp 3: Tuần 26: Luyện tập viết đoạn văn miêu tả ngày hội

Hướng dẫn

TUẦN 26: LUYỆN TẬP LÀM VĂN LỚP 3

1. Kể về một ngày hội mà em biết:

(Gợi ý:

– Muốn kế đúng và hay thì em cần hiểu biết về lễ hội qua việc xem trực tiếp hoặc xem qua truyền hình, đọc sách, báo,… Hoặc em kể về lễ hội ở địa phương, các hội làng gần gũi với em,…

– Cần chú ý các chi tiết:

+ Lễ hội tên là gì? Được tổ chức ở đâu? Vào thời gian nào?

+ Mục đích của lễ hội là gì? (Cầu mong điều gì hoặc tưởng nhớ, tôn vinh ca ngợi ai?…)

+ Hội bắt đầu bằng hoạt động gì? Nghi lễ như thế nào? Có những trò chơi gì? Có nhiều người tham gia không?

+ Người đi xem đông vui, phấn khởi thế nào?

+ Tâm trạng, cảm xúc của em về ngày hội ra sao?)

2. Dựa vào những điều vừa kể, viết một đoạn văn (khoảng 5 câu) ngắn gọn, mạch lạc về một lễ hội mà em biết:

3. Bài tham khảo:

Lễ hội Chử Đổng Tử hằng năm diễn ra trong ba ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch tại đền Đa Hoà và đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, cách Hà Nội hơn 20km. Vào ngày hội, những dòng người khăn áo đủ màu sắc, nườm nượp theo đê hoặc bơi thuyền từ bên kia sông Hồng tấp nập dồn về nơi có lá cờ đại tung bay trước gió, nô nức đến trẩy hội tình yêu. Mở đường cho đoàn rước là con rồng dài trên 20m được ba chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng.

Kiệu rước Đức thánh Chử Đổng Tử mang đến cho người dân sự phồn vinh hạnh phúc.

Trên sông, cờ xí rợp trời, rồng vàng uốn lượn, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống rộn ràng thúc giục. Một bô lão cao tuổi trong làng thận trọng múc từng gáo nước đổ vào choé. Đoàn thuyền lấy nước trên sông Hồng trở vể đền Hoá tế Thánh. Đi đầu đoàn rước là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ hội đã làm sống lại thiên tình sử bất hủ, thắp sáng lên khát vọng sống trong tình yêu và an bình, ước mơ một cuộc sống đích thực, vượt lên cường quyền áp bức, chia lìa, đói nghèo và bệnh tật.