Suy nghĩ nghị luận về đức tính giản dị trong cuộc sống từ bài “Phong cách Hồ Chí Minh”

Giản dị là một đức tính cao quý của con người mà không phải ai cũng có được. Đây là kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề rút ra từ một tác phẩm văn học. Để làm được bài này, các em cần nắm rõ nội dung của tác phẩm “Phong cách hồ Chí Minh”, khái quát sơ lược về nội dung tác phẩm. Từ phong cách sống giản dị, thanh bạch của Hồ chủ tịch, có thể thấy đó là một đức tính, một lối sống đáng quý, đáng học tập. Sau khi giải thích khái niệm giản dị, ở phần bàn luận, các em cần nêu lên lí do vì sao giản dị lại cần thiết với cuộc sống con người, từ đó phê phán những người sống xa hoa, kiểu cách, màu mè, lãng phí. Để làm sâu sắc hơn cho bài viết, các em cần biết rằng giản dị không đồng nghĩa với lối sống khắc khổ, tự làm khổ mình, tuềnh toàng, sơ khoáng. Cuối cùng, các em khẳng định lại vấn đề và chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là một tấm gương sáng về đức tính giản dị, khiêm nhường.

Dưới đây là bài văn mẫu Từ bài “Phong cách Hồ Chí Minh”, bàn về đức tính giản dị trong cuộc sống các em có thể tham khảo:

BÀI VĂN MẪU TỪ BÀI “PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH”, BÀN VỀ ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ TRONG CUỘC SỐNG

Mỗi người có cho mình một tiêu chuẩn các nhau về cái đẹp. Có người thích cái đẹp kì vì, kiêu sa, có người cái thích nét đẹp mộc mạc, chân chất. Với cá nhân tôi, tôi cho rằng cái đẹp luôn đi liền với cái giản dị, tự nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu cho lối sống giản dị, thanh bạch mà đẹp đẽ ấy. Qua tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà, ta có thể phần nào thấy được vẻ đẹp giản dị trong con người vĩ đại ấy, từ đó cho ta những suy nghĩ về đức tính giản dị trong cuộc sống.

Trong tác phẩm của mình, Lê Anh Trà đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc sảo, những dẫn chứng xác thức, đầy thuyết phục để làm nổi bật luận điểm then chốt: “Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính nhân loại, truyền thống và hiện đại, giữa vĩ đại và giản dị”. Qua bài viết, ta có thể thấy, dù là một con người vĩ đại với vốn văn hóa, vốn kiến thức sâu rộng, Bác vẫn luôn giữ được cho mình đức tính giản dị, cần, kiệm, liêm, chính. Nhờ vậy, hình ảnh Bác càng trở nên thanh cao, gần gũi, đẹp đẽ hơn trong trái tim dân tộc. Qua lối sống của Người, ta hiểu rằng đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý mà chúng ta cần rèn luyện cho mình.

Đức tính giản dị là sự đơn giản, không cầu kì, phô trương, sống sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân. Ai đó đã từng nói: “Trong tất cả mọi thứ: trong tính cách, trong cung cách, trong phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị”. Đúng vậy, giản dị là một phong cách sống đơn giản mà tinh tế. Người sống giản dị sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên êm đềm, tĩnh tại, dễ chịu hơn; họ không cần phải quá chú trọng vào việc chăm chút cho vẻ bề ngoài cầu kì, không cần phô trương, không gây áp lực: Tính giản dị giúp người ta được thanh thản, nhẹ nhàng, xóa bỏ được những ưu tư, phiền muộn” (Khuyết danh). Giản dị cũng giúp thanh lọc tâm hồn, khiến hồn người ngày càng trở nên thanh cao, trong sáng và điềm tĩnh hơn; cái giản dị luôn đi cùng với nhiều phẩm chất thẩm mĩ khác như khiêm tốn, thẳng thắn,… mà theo như cách nói của X. Batle: “Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: đẹp nhất là lồng trong chiếc khung giản dị”. Nói đến giới siêu giàu với khối tài sản khổng lồ trị giá hàng triệu USD, người ta có thể sẽ nghĩ ngay đến những ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những siêu xe đắt tiền,… Thế nhưng, vẫn có những tỉ phú, triệu phú có một cuộc sống giản dị đến khó tin, khiến hình ảnh của họ trong mắt công chúng càng trở nên đáng trân trọng hơn. Có thể kể đến như Tim Cook, CEO của hãng công nghệ Apple. Tim Cook thẳng thắn phản đối lối sống xa hoa, coi bình dị là nguyên tắc làm việc, là đạo đức nghề nghiệp của mình và coi đó là động lực để tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn nữa.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng, bóng bẩy mà xem nhẹ giá trị thực chất, mải mê chạy theo, học đòi những thói cầu kì, kiểu cách, kể cả những thú vui xa xỉ mà kinh tế gia đình chưa đáp ứng được, luôn muốn thể hiện mình,… Họ không biết rằng, vẻ đẹp tâm hồn mới chính là thứ làm nên giá trị của con người, và cái đẹp phải là cái phù hợp với hoàn cảnh, môi trường. Không phải lúc nào những thứ chói sáng, rực rỡ mới là đẹp. Trong một số trường hợp, đó còn có thể trở thành thứ lố bịch, kệch cỡm.

Cũng cần phân biệt rõ ràng rằng, giản dị không có nghĩa là tuềnh toàng, dễ dãi, sơ khoáng, càng không phải là lối sống khắc khổ, tự làm khổ mình. Chỉ cần nó phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đạo đức xã hội, bạn hoàn toàn có thể giản dị một cách lộng lẫy, giản dị mà vẫn sang trọng.

Không cần màu mè, vẽ vời, vẻ đẹp từ chính bên trong tâm hồn bạn sẽ khiến bạn tỏa sáng. Cứ giản dị và bình tâm, cuộc đời bạn sẽ thanh thản biết bao nhiêu.