Soạn văn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Soạn văn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Hướng dẫn

Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, đồng thời qua đó tố cáo tội ác của quân cướp nước và thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập non trẻ. Soạn văn Tuyên ngôn độc lập sẽ cung cấp những thông tin bài học thú vị cho quá trình tìm hiểu văn bản của người học. Các bạn hãy cùng tham khảo để hỗ trợ tích cực nhất cho quá trình học tập của mình nhé!

I. Tìm hiểu về tác phẩm Tuyên ngôn độc lập

Câu 1. Nêu bố cục của bản “Tuyên ngôn Độc lập”

Trả lời:

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” bao gồm ba phần:

– Phần 1: Từ đầu đến “không ai có thể chối cãi được”: Nêu ra nguyên lí cơ sở làm lí luận và tư tưởng cho bản tuyên ngôn.

– Phần hai: Tiếp theo đến “phải được độc lập”: Tố cáo tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra.

– Phần ba: phần còn lại: khẳng định lời tuyên bố độc lập của dân tộc.

Câu 2. Việc trích dẫn “Tuyên ngôn độc lập” (1776) của nước Mĩ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (1791) của Cách mạng Pháp trong phần mở đầu có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Trong phần mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn: “Tuyên ngôn độc lập” (1776) của nước Mĩ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (1791) của Cách mạng Pháp. Việc trích dẫn này có ý nghĩa:

– Đề cao những giá trị tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo bởi vì hai bản tuyên ngôn được trích dẫn đều là những bản tuyên ngôn bất hủ.

– Hồ Chí Minh còn nhằm đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập, ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau. Đây chính là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

– Bản tuyên ngôn đã khóa miệng bọn thực dân, bọn phát xít đang nung nấu ý định quay trở lại xâm lược Việt Nam. Đồng thời nhắc nhở họ đừng phản bội lại tổ tiên mình, đừng vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của cuộc cách mạng Mĩ và Pháp. Đây chính là chiến thuật “Gậy ông đập lưng ông”.

Câu 3.Trong phần thứ hai của bản tuyên ngôn, tác giả đã lập luận như thế nào để khẳng định quyền độc lập tự do của nước Việt Nam ta?

Trả lời:

Trong phần thứ hai của bản tuyên ngôn, tác giả đã lập luận vô cùng chặt chẽ để khẳng định quyền độc lập tự do của nước Việt Nam ta, thể hiện:

– Pháp nhân danh “khai hóa thì bản tuyên ngôn vạch trần tội ác của chúng “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” trên 2 phương diện:

+Tội ác gây ra trên mọi mặt đời sống, khiến cho đất nước ta “xơ xác, tiêu điều”:

  • Về mặt chính trị: “Chúng tuyệt đối không cho…”, “chúng thi hành…”, “chúng lập ra nhà tù…”, “chúng ràng buộc…”, “chúng dùng thuốc phiện…”.
  • Về mặt kinh tế: “Chúng bóc lột…”, “chúng cướp…”, “chúng giữ…”.
  • Về mặt quân sự: “thẳng tay khủng bố Việt Minh…”, “tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể máu”, “nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị…”.

+ Chúng gây tội ác cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp: từ dân cày, dân buôn, tư sản đến công nhân, học sinh…khiến cho cuộc sống của nhân dân ta “nghèo nàn, thiếu thốn”

– Pháp nhân danh “bảo hộ” thì bản tuyên ngôn đanh thép bác bỏ: chúng không những không bảo hộ được mà “trong vòng 5 năm đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

+ Mùa thu năm 1940, Nhật xâm lược Đông Dương thì Pháp đầu hàng, “mở cửa nước ta rước Nhật”, khiến đất nước ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”.

+ “Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng” để nước ta rơi vào tay Nhật.

– Chúng luôn tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của chúng, vì thế khi Nhật thất bại, Pháp có quyền trở lại Đông Dương thì bản tuyên ngôn vạch rõ khi Pháp đầu hàng Nhật, Đông Dương đã trở thành thuộc địa của Nhật và nhân dân nước ta đứng lên giành lại quyền độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

Câu 4. “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà súc tích, đanh thép, sắc sảo. Hãy làm sáng tỏ điều đó?

Trả lời:

“Tuyên ngôn độc lập” thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận:

– Ngắn gọn, súc tích: bản tuyên ngôn nói về lịch sử dân tộc với những sự kiện quan trọng diễn ra trong thời gian gần một thế kỉ, nhưng tác giả đã cô đọng lại khiến nó gói gọn trong vài ba trang giấy. Điều này được tạo nên bởi cách diễn đạt ngắn gọn nhưng giàu ý tứ, kết hợp với việc sử dụng điệp cấu trúc câu.

– Sự trong sáng thể hiện ở:

+ việc dùng từ đặt câu hết sức linh hoạt nhưng luôn tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của tiếng Việt về ngữ pháp cũng như ngữ dụng.

+ về tư tưởng tình cảm: thể hiện rõ ràng thái độ, lập trường dứt khoát dựa trên quan điểm chính trị.

– Đanh thép, sắc sảo: thể hiện lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng cụ thể, xác đáng, tạo nên tính chiến đấu không khoan nhượng, thể hiện trí tuệ sắc bén.

Với những yếu tố trên, bản “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận. Đồng thời là áng thiên cổ hùng văn, có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử dân tộc.