Soạn bài Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại lớp 9 hay đầy đủ nhất

Trong chương trình ngữ văn lớp 9, chúng ta sẽ được làm quen và tiếp cận với nhiều các tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, có hai thể loại chính là thơ và truyện. Trong khi thơ nghiêng về phương thức trữ tình, thường là những tình cảm, cảm xúc của tác giả thì truyện có nhiều yếu tố tự sự, kể về các nhân vật, sự kiện nào đó. Để cảm thụ tốt các tác phẩm có trong chương trình, trước tiên chúng ta cần nắm vững các đặc điểm của hai thể loại này. Qua bài Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại, chúng ta sẽ củng cố và ôn tập lại về các tác phẩm thơ và truyện hiện đại có trong chương trình. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn soạn bài Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại lớp 9 hay đầy đủ nhất

SOẠN BÀI KIỂM TRA VỀ THƠ VÀ TRUYỆN HIỆN ĐẠI LỚP 9

I- Chuẩn bị ở nhà

II- Làm bài kiểm tra trên lớp

Câu 1 trang 203 SGK văn 9 tập 1:

STT Tên tác phẩm Tác giả Năm sáng tác Thể loại Nội dung chính
1 Đồng chí Chính Hữu 1948 Thơ Ca ngợi tình đồng chí gắn bó, bền chặt dựa trên cơ sở có chung xuất thân, lí tưởng
2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính Phạm Tiến Duật 1969 Thơ Ca ngợi tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, lạc quan, yêu đời của những người lính lái xe
3 Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận 1958 Thơ Cảm xúc vui tươi về thiên nhiên và con người lao động trong cuộc sống mới
4 Bếp lửa Bằng Việt 1963 Thơ Tình bà cháu cảm động, thắm thiết. Lòng kính yêu và biết ơn của cháu đối với bà cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước
5 Ánh trăng Nguyễn Duy 1978 Thơ Là lời nhắc nhở về những năm tháng đã qua của cuộc đời người lính, gợi nhắc lối sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ
6 Làng Kim Lân 1948 Truyện ngắn Tình yêu làng gắn bó với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến
7 Lặng lẽ Sa Pa Nguyễn Thành Long 1970 Truyện ngắn Ca ngợi những con người lao động thầm lặng đang cống hiến hết mình cho đất nước
8 Chiếc lược ngà Nguyễn Quang Sáng 1966 Truyện ngắn Ca ngợi tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh chiến tranh

Câu 2 trang 203 SGK văn 9 tập 1:

Tóm tắt truyện ngắn Làng:

Ông Hai là một nông dân nghèo quê ở làng Chợ Dầu. Vì hoàn cảnh, ông phải rời làng đi tản cư. Ở nơi ở mới, ông Hai nhớ làng của mình vô cùng. Một hôm, ông nhận được tin làng theo giặc. Vô cùng xấu hổ, nhục nhã, ông không dám ra khỏi nhà và tâm sự với thằng con út cho vơi đi nỗi lòng. Khi nghe tin làng được cải chính, ông Hai sung sướng đi khoe với tất cả mọi người. Ông kể về trận đánh của làng mình như chính ông được chứng kiến vậy

Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa

Trên chuyến xe đi Lào Cai, ông họa sĩ và cô kĩ sư được bác lái xe giới thiệu cho gặp anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn. Anh mời họ lên nhà chơi và kể về công việc gian khổ nhưng không kém phần hạnh phúc của mình. Khâm phục trước tinh thần cống hiến của anh, ông họa sĩ định vẽ chân dung anh nhưng anh nói rằng mình không xứng và giới thiệu những người khác xứng đáng hơn. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chỉ có 30 phút nhưng đã để lại những dư vị ngọt ngào trong lòng mỗi người.

Tóm tắt truyện Chiếc lược ngà

Ông Sáu là một cán bộ kháng chiến đã xa nhà nhiều năm. Khi được nghỉ phép, ông về thăm nhà nhưng bé Thu- con gái của ông không nhận ông là cha. Đến khi ông Sáu sắp phải đi xa, tình cha con trỗi dậy mãnh liệt, bé Thu dặn ông mua cho nó một chiếc lược ngà. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình yêu và nỗi nhớ để làm chiếc lược ngà cho con. Chưa kịp trao cho con thì ông đã hi sinh, chỉ kịp trao lại chiếc lược cho người đồng đội

Câu 3 trang 203 SGK văn 9 tập 1:

Nét nổi bật trong tính cách nhân vật ông Hai:

  • Ông Hai là người yêu làng, gắn bó với làng, thường xuyên khoe về làng của mình
  • Khi nghe tin làng đi theo giặc, ông vô cùng nhục nhã, xấu hổ. Sau khi đấu tranh dữ dội, ông quyết định bỏ làng để đi theo cách mạng và kháng chiến
  • Nghe tin làng được cải chính, ông vô cùng sung sướng và đi khoe với tất cả mọi người về việc nhà mình bị Tây đốt
  • Ở ông Hai, tình yêu làng hòa quyện với tình yêu nước, tinh thần kháng chiến

Câu 4 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Vẻ đẹp trong cách sống, trong tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật anh thanh niên một mình trên trạm khí tượng giữa núi cao trong truyện Lặng lẽ Sa Pa:

  • Yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm với công việc
  • Niềm hạnh phúc của anh là được gắn kết với mọi người, phục vụ cho nhân dân và đất nước
  • Anh có tấm lòng nhân hậu, tinh thần cầu tiến, khiêm tốn, biết quan tâm tới mọi người

Câu 5 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Cảm nghĩ về nhân vật bé Thu và tình cha con trong chiến tranh ở truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng:

  • Bé Thu hồn nhiên, trong sáng, ương bướng và có tình yêu cha tha thiết, mãnh liệt
  • Không nhận bố vì trên mặt bố có vết sẹo
  • Cuống quýt khi nhận ra bố, không cho bố đi, đòi bố mua cho cây lược
  • Tình cha con được thể hiện vô cùng sâu sắc, cảm động trong đoạn trích, qua đó tác giả lên tiếng tố cáo chiến tranh đã phá hoại hạnh phúc của con người

Câu 6 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí:

  • Người lính có xuất thân là nông dân, có chung mục đích, lí tưởng chiến đấu
  • Họ sẵn sàng bỏ lại tất cả những gì thân thuộc, gần gũi nhất để ra đi vì nghĩa lớn
  • Người lính gắn bó keo sơn với nhau trong những giờ phút khó khăn nhất, có tâm hồn lãng mạn vượt lên hiện thực khắc nghiệt

Hình ảnh người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

  • Họ có tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp hiểm nguy
  • Người lính còn có tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, ngang tàn rất lính, tinh thần lạc quan yêu đời và ý chí chiến đấu mãnh liệt để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Câu 7 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Tình yêu con và lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ Tà ôi biểu hiện trong những lời ru của bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ:

  • Tình thương con của người mẹ gắn với tình thương bộ đội, tình thương buôn làng, quê hương gian khó. Cho nên mẹ ước mong có hạt gạo, hạt bắp và mong con nhanh chóng lớn khôn để thành chàng trai cường tráng tham gia lao động sản xuất
  • Tình yêu con của mẹ còn gắn với tình yêu nước đang vất vả, gian lao trong công cuộc kháng chiến. Bởi vậy, mẹ mong con sau này trở thành người lính kiên cường, chiến đấu vì sự độc lập, tự do của dân tộc

Câu 8 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài thơ Đồng chí (Chính Hữu), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Ánh trăng (Nguyễn Duy):

  • Đồng chí: hình ảnh chân thực, ngôn ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm
  • Đoàn thuyền đánh cá: hình ảnh so sánh đặc sắc, giọng thơ sôi nổi, say mê, phơi phới niềm vui vào cuộc sống mới
  • Ánh trăng: sử dụng hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giọng thơ tâm tình, tha thiết, trĩu nặng suy tư

Câu 9 trang 204 SGK văn 9 tập 1:

Phân tích những hình ảnh biểu tượng: đầu súng trăng treo (Đồng chí), trăng (Ánh trăng:

  • Đầu súng trăng treo: thể hiện tâm hồn lãng mạn của người lính, là sự kết hợp giữa gần- xa, hiện thực- lãng mạn, chiến tranh- hòa bình…
  • Trăng: là biểu tượng của thiên nhiên vĩnh hằng, quá khứ tròn đầy, viên mãn, gợi nhắc người đọc về lối sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ

Nguồn Internet