Phân tích ý nghĩa hình ảnh con tàu và địa danh Tây Bắc trong Tiếng hát con tàu

Phân tích ý nghĩa hình ảnh con tàu và địa danh Tây Bắc trong Tiếng hát con tàu

Hướng dẫn

Hình ảnh con tàu và địa danh Tây Bắc được xuất hiện nhiều lần trong bài thơ Tiếng hát con tàu. Anh chị hãy nêu ý nghĩa hình ảnh “con tàu” và địa danh Tây Bắc trong bài thơ Tiếng hát con tàucủa Chế Lan Viên.

Bài tham khảo

“Tiếng hát con tàu” là một trong những bài thơ đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên, bài thơ được viết nhằm mục đích cổ vũ cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, qua đó thể hiện được tình yêu đất nước, niềm hi vọng tươi sáng của người thi sĩ đối với sự phát triển của đất nước. Để truyền tải những tư tưởng sâu sắc, nhà thơ Chế Lan Viên đã xây dựng thành công nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, tiêu biểu nhất có thể kể đến là hình ảnh “con tàu” và địa danh “Tây Bắc”.

“Tiếng hát con tàu” được nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là thời điểm mà miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi Đảng và Nhà nước đang vận động đồng bào, nhân dân miền xuôi lên Tây Bắc để xây dựng kinh tế. Bài thơ được rút ra từ tập “ánh sáng và phù sa” 0 tập thơ đã thể hiện rõ nét sự trưởng thành của Chế Lan Viên trên hành trình thơ cách mạng.

Hình ảnh con tàu và địa danh Tây Bắc được gợi nhắc nhiều lần trong bài thơ không chỉ nhằm mục đích phát triển mạch thơ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình ảnh “Con tàu” gợi ra liên tưởng về một chuyến đi xa. Tuy nhiên, đặt hình ảnh con tàu trong hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, khi chưa có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc thì có thể thấy “con tàu” được gợi nhắc ở đây không phải hình ảnh tả thực mà trở thành hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.

Con tàu trở thành ẩn dụ cho những khát vọng lớn lao, khát vọng lên đường thực hiện mục tiêu lớn của đất nước. Con tàu cũng là biểu tượng cho khát vọng muốn được hòa nhập của nhà thơ đối với cuộc sống rộng lớn của đất nước, của nhân dân. Vì vậy có thể nói con tàu trong bài thơ chính là con tàu tâm tưởng, con tàu của những khát vọng khám phá và sáng tạo.

Địa danh Tây Bắc xuất hiện trong bài thơ trước hết là hình ảnh tả thực, đó là một địa danh có thực ở vùng cao phía Tây của Việt Nam. Tây Bắc cũng là nơi hướng đến của bao đồng bào trong công cuộc xây dựng kinh tế miền núi trong những năm 1958 – 1960. Con tàu tâm tưởng của Chế Lan Viên cũng như bao người dân Việt Nam yêu nước khác đều hướng về Tây Bắc, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đặt địa danh Tây Bắc trong bối cảnh rộng ta lại thấy bên ngoài nghĩa cụ thể là vùng đất thì Tây Bắc còn là biểu tượng cho những vùng đất xa xôi, nơi đời sống của người dân còn nghèo khó, nơi cần được chung tay để gây dựng, phát triển.

Như vậy, thông qua hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng “con tàu” và địa danh “Tây Bắc”, nhà thơ Chế Lan Viên đã thể hiện được tình yêu đất nước, khát khao cống hiên và sự tự hào đối với công cuộc xây đựng đất nước của đồng bào, nhân dân.