Phân tích vẻ đẹp của người dân Nam Bộ trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi

Nguyễn Thi là nhà văn có vốn sống, vốn hiểu biết sâu rộng về tính cách và đời sống của con người Nam Bộ. Trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình, tác giả Nguyễn Thi đã xây dựng được những nhân vật mang đậm màu sắc của con người Nam Bộ. Anh chị hãy phân tích vẻ đẹp của người dân Nam Bộ trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích vẻ đẹp người dân Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, qua những nhân vật cụ thể là Chiến, Việt, chú Năm Nguyễn Thi đã gợi cho người đọc những cảm nhận chân thực về chân dung tính cách, tinh thần chiến đấu của những con người Nam Bộ trong cuộc đấu tranh chung trên toàn miền Nam.

2. Thân bài

– Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật trung tâm là Chiến và Việt, hai chị em cùng có chung tinh thần yêu nước và ý thức sâu sắc với mối thù gia đình, về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đất nước.

– Mỗi nhân vật lại là một điển hình về tính cách, chính điều này đã góp phần tái hiện những nét đẹp tâm hồn, những phẩm chất đáng quý của con người miền Nam:

+ Chiến là đại diện tiêu biểu cho những cô gái miền Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà.

–> Chiến không chỉ đảm đang tháo vát có thể lo chu toàn mọi công việc nhà mà còn là người nữ chiến sĩ giải phóng kiên cường với bản lĩnh hơn người.

+ Việt là người chiến sĩ giải phóng quân kiên cường, quả cảm, sự trưởng thành của Việt cũng là sự trưởng thành của cách mạng qua từng giai đoạn đấu tranh.

+ Chú Năm lại là đại diện tiêu biểu của con người Nam Bộ, ở chú Năm hội tụ được đầy đủ những nét tính cách bộc trực,chất phác, giàu yêu thương của con người Nam Bộ.

–> Bản thân chú Năm cũng như một người lưu giữ truyền thống gia đình, chú đã nuôi dưỡng ở những đứa cháu tình yêu đất nước, ý thức nối dài truyền thống của gia đình

3. Kết bài

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” đã mang đến những cảm nhận đầy chân thực về vùng đất Nam Bộ anh hùng, về những người con Nam Bộ kiên cường, anh dũng.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích vẻ đẹp người dân Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi đã tái hiện đầy sống động không khí chiến đấu sôi sục của cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam. Thông qua câu chuyện của một gia đình, tác giả đã mở ra câu chuyện về một đất nước, qua những nhân vật cụ thể là Chiến, Việt, chú Năm Nguyễn Thi đã gợi cho người đọc những cảm nhận chân thực về chân dung tính cách, tinh thần chiến đấu của những con người Nam Bộ trong cuộc đấu tranh chung trên toàn miền Nam.

Những đứa con trong gia đình là dòng hồi ức đan xen giữa quá khứ, hiện tại của nhân vật Việt – người chiến sĩ giải phóng quân kiên cường, dũng cảm, người con anh hùng trong gia đình giàu truyền thống các mạng. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật trung tâm là Chiến và Việt, hai chị em cùng có chung tinh thần yêu nước và ý thức sâu sắc với mối thù gia đình, về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đất nước. Tuy mang những nét chung về tính cách, ý thức trách nhiệm nhưng mỗi nhân vật lại là một điển hình về tính cách, chính điều này đã góp phần tái hiện những nét đẹp tâm hồn, những phẩm chất đáng quý của con người miền Nam: yêu nước, căm thù giặc, giàu tình yêu thương đoàn kết.

Chiến là đại diện tiêu biểu cho những cô gái miền Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chiến không chỉ đảm đang tháo vát có thể lo chu toàn mọi công việc nhà mà còn là người nữ chiến sĩ giải phóng kiên cường với bản lĩnh hơn người. Nói về lòng căm thù giặc, quyết tâm ra đi, Chiến đã từng khẳng định “…Tao chỉ nói một câu, nếu giặc còn thì tao mất”. Hình ảnh của Chiến gợi cho người đọc liên tưởng đến những nữ tướng hào hùng một thời như: Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu…

Việt là người chiến sĩ giải phóng quân kiên cường, quả cảm, sự trưởng thành của Việt cũng là sự trưởng thành của cách mạng qua từng giai đoạn đấu tranh. Từng lăn xả vào thằng Mĩ mà đấm đá khi chúng liệng đầu ba xuống đất khi còn nhỏ, khi đã trưởng thành đi bộ đội, tinh thần chiến đấu của Việt được bộc lộ trực tiếp qua những cuộc chiến đấu giáp lá cà với quân địch. Và dù bị thương khiến toàn thân đau nhức, dù chỉ còn một ngón tay có thể cử động được thì ngón tay ấy vẫn luôn đặt trên cò súng, sẵn sàng nhả đạn khi gặp kẻ thù. Tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của địch còn thể hiện ở suy nghĩ tìm địch mà đánh của Việt “Trong rừng này chỉ có tao với mày, mày bắn được tao thì tao cũng bắn được mày, mày chỉ giỏi giết bố mẹ tao, còn với tao mày là thằng chạy”.

Chú Năm lại là đại diện tiêu biểu của con người Nam Bộ, ở chú Năm hội tụ được đầy đủ những nét tính cách bộc trực,chất phác, giàu yêu thương của con người Nam Bộ. Chú Năm là thượng nguồn của dòng sông truyền thống, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các cháu. Chú từng là một người lính, từng cầm súng chiến đấu nên chú là người hiểu hơn ai hết cái dữ dội, khốc liệt của chiến tranh. Để động viên tinh thần cho các cháu, chú Năm cũng có cách thể hiện đầy mộc mạo, thẳng thắn, có phần dữ dội “thù ba má chưa trả mà về là chú chặt đầu”.

Bản thân chú Năm cũng như một người lưu giữ truyền thống gia đình, chú đã nuôi dưỡng ở những đứa cháu tình yêu đất nước, ý thức nối dài truyền thống của gia đình, đất nước cho hai chị em Chiến và Việt “chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để tồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”.

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” đã mang đến những cảm nhận đầy chân thực về vùng đất Nam Bộ anh hùng, về những người con Nam Bộ kiên cường, anh dũng. Hình ảnh của Việt, Chiến, chú Năm, má Việt đều là đại diện tiêu biểu cho từng thế hệ con người miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ giải phóng dân tộc.

TẢI VỀ PDF