Phân tích tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa

Phân tích tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa

Hướng dẫn

Đời thừa được coi là truyện ngắn đặc sắc bởi không chỉ bởi nội dung hấp dẫn mà còn bởi tác phẩm chứa đựng được những tuyên ngôn sâu sắc của Nam Cao về nghệ thuật. Anh chị hãy phân tích tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích tuyên ngôn nghệ thuật trong Đời thừa

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Giá trị của Đời thừa không chỉ nằm ở nội dung sâu sắc, tinh thần nhân đạo cao cả mà còn nằm ở những tư tưởng giá trị cùng quan niệm nghệ thuật sâu sắc và đúng đắn mà nhà văn Nam Cao truyền tải trong tác phẩm.

2. Thân bài

– Đời thừa là truyện ngắn đặc sắc, một trong những tác phẩm thể hiện được tuyên ngôn về nghệ thuật của Nam Cao.

– Nam Cao một lần nữa phê phán thứ văn chương chỉ miêu tả cái bên ngoài mà chưa thấy được bản chất bên trong, đó là thứ văn chương hời hợt, không giá trị.

– Nhà văn, người cầm bút nếu không có cái tâm cũng chỉ là những kẻ “đê tiện”

– Nam Cao cho rằng văn chương là nghề cao quý có sức lay động đến nhiều đối tượng nên nhà văn cần có lương tâm và trách nhiệm.

– Nam Cao đã có những khái quát về quan niệm mang tính triết lí, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải thể hiện được những rung động của đời.

–> Quan niệm này được bắt nguồn từ chính những trải nghiệm, am hiểu và từ chính sự nghiệp cầm bút của Nam Cao nên nó chân thực và mang tính đúng đắn, phù hợp với bản chất của hoạt động sáng tác.

– Nam Cao cho rằng nghề văn là nghề đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi không ngừng của người nghệ sĩ để tạo ra những điều mới mẻ, có ý nghĩa.

– Văn chương là hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo nên chỉ có thể dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, sáng tạo. Nhà văn đồng phải biết đi sâu vào đời sống để phát hiện ra bản chất ở về sâu không chỉ ở hiện tượng bên ngoài.

3. Kết bài

Đời thừa không chỉ là truyện ngắn đặc sắc mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao. Qua tác phẩm, Nam Cao đã thể hiện được nhiều quan niệm, đánh giá về đời sống, về trách nhiệm của nhà văn cũng như mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích tuyên ngôn trong truyện ngắn Đời thừa

Đời thừa của nhà văn Nam Cao không thể hiện bi kịch của người trí thức có hoài bão, lí tưởng nhưng bị đè gánh nặng cuộc sống đè nén, đẩy đến bước đường cùng của sự bế tắc, tuyệt vọng. Tuy nhiên giá trị của Đời thừa không chỉ nằm ở nội dung sâu sắc, tinh thần nhân đạo cao cả mà còn nằm ở những tư tưởng giá trị cùng quan niệm nghệ thuật sâu sắc và đúng đắn mà nhà văn Nam Cao truyền tải trong tác phẩm.

Trong những tác phẩm văn chương của mình, Nam Cao không chỉ đơn thuần thể hiện một câu chuyện, trình bày một hiện tượng nổi bật của hiện thực cuộc sống mà còn gửi gắm được những quan điểm nghệ thuật sâu sắc. Đời thừa là truyện ngắn đặc sắc, một trong những tác phẩm thể hiện được tuyên ngôn về nghệ thuật của Nam Cao.

Trước Đời thừa, trong truyện ngắn “Trăng sáng”, Nam Cao đã từng phê phán thứ nghệ thuật thoát li với cuộc đời, nghệ thuật không bắt nguồn từ cuộc sống, không được thoát ra từ những kiếp lầm than, đau khổ mà lung linh, huyền ảo không thực thì dù đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ là thứ ánh trăng lừa dối. Đến Đời thừa, Nam Cao một lần nữa phê phán thứ văn chương chỉ miêu tả cái bên ngoài mà chưa thấy được bản chất bên trong, đó là thứ văn chương hời hợt, không giá trị. Nhà văn, người cầm bút nếu không có cái tâm cũng chỉ là những kẻ “đê tiện” “sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là bất lương, sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện”. Nam Cao cho rằng văn chương là nghề cao quý có sức lay động đến nhiều đối tượng nên nhà văn cần có lương tâm và trách nhiệm. Nhân vật Hộ trong tác phẩm đã vô cùng đau đớn, day dứt khi buộc phải viết những bài văn cẩu thả, không giá trị, thứ văn mà đọc một lần người ta có thể quên ngay cũng do ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với sản phẩm mà mình sáng tạo ra.

Từ những quan niệm về sợi dây liên kết giữa cuộc đời và nghệ thuật, Nam Cao đã có những khái quát về quan niệm mang tính triết lí, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải thể hiện được những rung động của đời, đó là những tác phẩm “vượt lên trên tất cả mọi bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi… Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công binh -Và làm cho người gần người hơn”. Quan niệm này được bắt nguồn từ chính những trải nghiệm, am hiểu và từ chính sự nghiệp cầm bút của Nam Cao nên nó chân thực và mang tính đúng đắn, phù hợp với bản chất của hoạt động sáng tác.

Nam Cao cho rằng nghề văn là nghề đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi không ngừng của người nghệ sĩ để tạo ra những điều mới mẻ, có ý nghĩa “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo ra những gì chưa có”. Những người thợ khéo tay là những người thợ có tay nghề, có sự tinh tế với nghề nghiệp nhưng chỉ biết làm theo một cái khuôn có sẵn. Văn chương là hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo nên chỉ có thể dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, sáng tạo. Nhà văn đồng phải biết đi sâu vào đời sống để phát hiện ra bản chất ở về sâu không chỉ ở hiện tượng bên ngoài.

Có thể nói Đời thừa không chỉ là truyện ngắn đặc sắc mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao. Qua tác phẩm, Nam Cao đã thể hiện được nhiều quan niệm, đánh giá về đời sống, về trách nhiệm của nhà văn cũng như mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.