Phân tích tình huống mang tính nghịch lí trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Đề bài: Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được một tình huống mang tính nghịch lí. Anh chị hãy chỉ ra và phân tích tình huống mang tính nghịch lí trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Từ đó hãy nêu ý nghĩa của nó trong việc xây dựng nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích tình huống nghịch lí

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Minh Châu, trong truyện tác giả đã xây dựng được tình huống mang tính nghịch lí, từ đó truyền tải được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc.

2. Thân bài

– Định nghĩa về tình huống truyện: Tình huống truyện hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là hoàn cảnh riêng mà tác giả tạo dựng để cho nhân vật của mình bộc lộ những suy nghĩ, hành động.

– Nghịch lí: trong không gian đẹp đẽ, tuyệt bích của cảnh biển buổi sáng lại là nơi diễn tồn tại những bất công, đau khổ cho người đàn bà hàng chài.

– Sau nhiều ngày chụp ảnh trên bãi biển để thực hiện bộ ảnh Tết, nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho

–> Phát hiện ấy làm cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên bay bổng, sung sướng hạnh phúc, tâm hồn như được gột rửa trở lên trong trẻo, tinh khôi.

– Từ trong chiếc thuyền bước ra một người đàn bà xấu xí, theo sau chị ta là một người đàn ông cao lớn, thô kệch, người đàn ông ấy liên tục dùng thắt lưng đánh vào người vợ, miệng chửi những lời cay độc, tàn nhẫn.

–> sự thật tàn nhẫn, hóa ra đằng sau khung cảnh đầy thơ mộng của chiếc thuyền ngoài xa lại là hiện thực đầy đắng cay, trần trụi trong cuộc sống của con người.

– Tình huống nghịch lí còn được thể hiện thông qua phiên tòa tại tòa án huyện.

-Người đàn bà van xin để chị ta được sống với người chồng vũ phu.

– Câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã giúp Phùng nhận thức sâu sắc về những éo le, phức tạp của cuộc đời.

=> Thông qua tình huống mang tính nghịch lí, tác giả Nguyễn Minh Châu đã khéo léo thể hiện thông điệp của bản thân về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và cuộc sống.

=> huống nghịch lí ta cũng thấy được sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với số phận đau khổ, éo le của con người.

3. Kết bài

Xây dựng tình huống truyện mang tính nghịch lí là một trong những thành công lớn nhất của Nguyễn Minh Châu khi viết Chiếc thuyền ngoài xa.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích tình huống nghịch lí

Nguyễn Minh Châu là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới. Với sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, ngòi bút của NGuyễn Minh Châu chuyển dần từ cảm hứng lãng mạn sử thi sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, nhà văn đã đi sâu khám phá đời sống và bản chất của con người trong quá trình mưu sinh kiếm sống. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Minh Châu, trong truyện tác giả đã xây dựng được tình huống mang tính nghịch lí, từ đó truyền tải được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Tình huống truyện hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là hoàn cảnh riêng mà tác giả tạo dựng để cho nhân vật của mình bộc lộ những suy nghĩ, hành động, từ đó thể hiện được ý tưởng, truyền tải được những quan niệm của tác giả về cuộc sống, con người.

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tình huống nghịch lí được tác giả Nguyễn Minh Châu xây dựng thông qua phát hiện của nhiếp ảnh gia Phùng sau nhiều ngày chụp ảnh trên bãi biển. Đó là cái nghịch lí trong chính cuộc sống của con người, trong không gian đẹp đẽ, tuyệt bích của cảnh biển buổi sáng lại là nơi diễn tồn tại những bất công, đau khổ cho người đàn bà hàng chài.

Sau nhiều ngày chụp ảnh trên bãi biển để thực hiện bộ ảnh Tết, nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho, đó chính là khung cảnh của biển trong sương mờ với vẻ đẹp như bức tranh mực tàu. Trước cảnh sắc trời cho ấy anh Phùng đã bấm máy liên tục để lưu lại những khoảnh khắc hoàn hảo, tuyệt bích không dễ có thể thấy được. Phát hiện ấy làm cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên bay bổng, sung sướng hạnh phúc, tâm hồn như được gột rửa trở lên trong trẻo, tinh khôi.

Tuy nhiên, ngay trong khung cảnh trời cho ấy, nghệ sĩ Phùng lại phát hiện ra một tình huống đầy nghịch lí. Từ trong chiếc thuyền bước ra một người đàn bà xấu xí, theo sau chị ta là một người đàn ông cao lớn, thô kệch, người đàn ông ấy liên tục dùng thắt lưng đánh vào người vợ, miệng chửi những lời cay độc, tàn nhẫn. Từ tình huống mang tính nghịch lí này đã giúp anh Phùng cay đắng nhận ra một sự thật tàn nhẫn, hóa ra đằng sau khung cảnh đầy thơ mộng của chiếc thuyền ngoài xa lại là hiện thực đầy đắng cay, trần trụi trong cuộc sống của con người.

Tình huống nghịch lí còn được thể hiện thông qua phiên tòa tại tòa án huyện. Sau khi đã chụp xong bộ ảnh Tết, nghệ sĩ Phùng đã không trở về ngay như dự định mà đã quyết định ở thêm vài ngày với mục đích giúp đỡ người đàn bà hàng chài bỏ chồng. Tuy nhiên, trái ngược với những gì Phùng và Đẩu suy nghĩ, người đàn bà không hề cảm thấy vui vẻ khi có người giúp đỡ mình bỏ chồng mà lại van xin để chị ta được sống với người chồng vũ phu. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã giúp Phùng nhận thức sâu sắc về những éo le, phức tạp của cuộc đời.

Thông qua tình huống mang tính nghịch lí, tác giả Nguyễn Minh Châu đã khéo léo thể hiện thông điệp của bản thân về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và cuộc sống của người dân. Nghệ thuật cần phản ánh được chiều sâu bản chất của cuộc sống, nếu không thì tác phẩm ấy tuy đẹp nhưng lại không có giá trị, cũng như “chiếc thuyền ngoài xa”. Bên cạnh đó, qua tình huống nghịch lí ta cũng thấy được sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với số phận đau khổ, éo le của con người.

Xây dựng tình huống truyện mang tính nghịch lí là một trong những thành công lớn nhất của Nguyễn Minh Châu khi viết Chiếc thuyền ngoài xa. Qua nghịch lí này, nhà văn đã mang đến cho người đọc cái nhìn đầy mới mẻ về cuộc sống và con người trong xã hội mới.

TẢI VỀ PDF