Phân tích tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki – Bài văn đặc sắc của cô giáo Thu Hà chuyên văn

Tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki của nhà văn Xte-phan Xvai-gơ đã xây dựng thành công bức chân dung của một nhà văn tài giỏi nhưng có số phận đầy khốn khổ với tư tưởng tự do, dân chủ cho nhân dân. Anh chị hãy phân tích tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki để thấy rõ nét bức chân dung này.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Xte-phan Xvai-gơ, tác phẩm và nhà văn Đô-xtoi-ép-xki: Trong số đó có bức chân dung của Đô-xtoi-ép-xki, bức phác thảo cho ta hiểu rõ về số phận của một nhà văn đầy khốn khổ

2. Thân bài

  • Cuộc sống cùng quẫn và đau khổ của nhà văn Đô-xtoi-ép-xki: Vì có những tư tưởng tự do, dân chủ mà ông đã từng bị Nga hoàng kết án tử hình, sau đó buộc phải sống lưu vong
  • Những thành công đạt đến sự tột đỉnh vinh quang của Đô-xtoi-ép-xki: Quá trình lao động kiên trì và mãnh liệt ấy đã mang lại một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ của thế kỉ XIX
  • Lễ tang của Đô-xtoi-ép-xki cà sự đoàn kết dân tộc: Sau đám tang của Đô-xtoi-ép-xki, cách mạng nổ ra, chế độ phong kiến đã đến lúc phải bị xóa bỏ

3. Kết bài

Ý nghĩa của tác phẩm và của hình tượng nhà văn Đô-xtoi-ép-xki: Qua bài văn của Xvai-gơ chúng ta có cái nhìn sâu sắc và trọn vẹn hơn về một nhà văn vĩ đại.

Bài liên quan đến tác phẩm Đô-xtoi-ép-xki:

>>Giới thiệu về nhà văn Xte-phan-Xvai-gơ – Tác giả của đoạn trích Đô- xtôi- ép-xti

>>Giới thiệu về tác phẩm Đô-xtôi-ép-xki của nhà văn Xte-phan-Xvai-gơ

II. Bài tham khảo

Nhà văn người Áo Xte-phan Xvai-gơ, ngoài những tác phẩm văn học, ông còn có những phác thảo chân dung các nhà văn bậc thầy của thế giới. Qua bản phác thảo của ông, chân dung và phong cách của các nhà văn này hiện lên trong lòng người đọc một cách rõ ràng và gần gũi. Trong số đó có bức chân dung của Đô-xtoi-ép-xki, bức phác thảo cho ta hiểu rõ về số phận của một nhà văn đầy khốn khổ nhưng cũng đầy vinh quang của nước Nga.

Nhắc đến Đô-xtoi-ép-xki, là nhắc đến một thiên tài tâm lí, một nhà nhân văn sâu sắc và là một nghệ sĩ lớn. Ông để lại cho nhân loại những tác phẩm được coi là di sản văn hóa, với câu nói nổi tiếng của ông “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” ông đã khẳng định giá trị của nghệ thuật trên con đường nhân đạo hóa đời sống con người. Bài viết của Xvai-gơ phác họa rõ nét chân dung Đô-xtoi-ép-xki và những chấn động lớn lao ông đem lại trong thời đại của mình.

Mở đầu là hình ảnh về cuộc sống cùng quẫn, đói nghèo của Đô-xtoi-ép-xki khi ông sống lưu vong ở nước ngoài. Vì có những tư tưởng tự do, dân chủ mà ông đã từng bị Nga hoàng kết án tử hình, sau đó buộc phải sống lưu vong. Cuộc sống của ông khi đó là một cuộc sống leo lét, cô độc và đầy tủi nhục, ông sống như người vô danh, không ai biết đến, không một ai trò chuyện. Cuộc sống của ông tuyệt vọng vì thiếu thốn: ngày ngày chờ đợi ở ngân hàng tờ séc một trăm rúp, trở thành người khách chuyên cần của hiệu cầm đồ. Ông sống trong sự chế nhạo và giễu cợt khi các nhân viên ngân hàng ra mặt chế giễu lão điên nghèo là ông, trong sự chờ đợi vĩnh viễn của ông. Khó thể nghĩ đó là một cuộc sống bởi vì làm sống tại sao lại khổ đến thế, sống mà luôn phải cúi mình nhịn nhục, van xin và than thở “tiếng tuyệt vọng kêu xé ruột”, hơn nữa cuộc sống ấy lại luôn trong tình thế bất an, đầy trắc ẩn khi hoàn cảnh vợ con nheo nhóc, ốm đau và bệnh tật triền miên. Đây đích thực là kiếp đày đọa chứ không phải cuộc sống, sự đày đọa ở xứ sở xa lạ, giữa giống người chấy rận, cuộc sống của Đô-xtoi-ép-xki ngột thở và cùng quẫn như ở trong lao ngục.

Thành quả của sự chịu đựng đớn đau và tuyệt vọng của ông đã mang lại tột đỉnh của vinh quang, mà cội nguồn của vinh quang ấy lại chính là tình yêu tổ quốc. Xvai-gơ đã khẳng định về Đô-xtoi-ép-xki rằng: “Trái tim ông chỉ đập vì nước Nga”, nước Nga chính là tiếng gọi vĩnh cửu của niềm tuyệt vọng của ông, ông luôn luôn cố gắng và mong mỏi có được ngày trở về đất nước. Ông làm việc suốt đêm trong khi phòng bên cạnh vợ ông đang rên rỉ đau đẻ, lúc bấy giờ, lao động đối với ông chính là sự giải thoát về cả vật chất và tinh thần, giải thoát khỏi số phận lưu đày và tìm đường quay trở về tổ quốc. Lao động đã đem lại niềm vui và sự vui sướng, mê say cho cuộc đời ông, là rượu ngọt làm ông ngây ngất, niềm hân hoan, khoái lạc nhất của ông. Quá trình lao động kiên trì và mãnh liệt ấy đã mang lại một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ của thế kỉ XIX, theo đánh giá của Xvai-gơ, các tác phẩm đó là: Tội ác và trừng phạt, Lũ quỷ người ám, Nhật kí của một nhà văn, Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp – một cuốn sách nghệ thuật hoàn hảo nhất. Cuối cùng Đô-xtoi-ép-xki được trở về nước Nga khi ông 52 tuổi, sự nghiệp và giá trị các tác phẩm của ông được toàn nước Nga công nhận, ông đã vươn lên và rực sáng ngời ngời.

Tuy nhiên thời khắc Đô-xtoi-ép-xki đón nhận vinh quang qua đi rất nhanh bởi ông cũng nhanh chóng đi về cõi vĩnh hằng. Trên khắp nước Nga, người người đề tiếc thương cho ông, phút đau đớn câm lặng lan tỏa thành một làn sóng yêu thương cuồng nhiệt, mọi người lấy đi hết những bông hoa trong lễ tang ông để làm kỉ niệm. Sau đám tang của Đô-xtoi-ép-xki, cách mạng nổ ra, chế độ phong kiến đã đến lúc phải bị xóa bỏ, phải chăng tư tưởng tự do dân chủ và đoàn kết của Đô-xtoi-ép-xki cũng góp phần vào trong cuộc cách mạng ấy.

Qua bài văn của Xvai-gơ chúng ta có cái nhìn sâu sắc và trọn vẹn hơn về một nhà văn vĩ đại, đó là con người không vì những đau khổ mà quên đi tổ quốc của mình, một người mang trong mình trái tim luôn đập vì tổ quốc và vì số phận con người. Tác phẩm và tư tưởng của nhà văn vĩ đại đã đụng chạm tới những vấn đề của con người, của nhân loại và những vấn đề chung mà ai cũng có thể đồng cảm, chia sẻ.