Phân tích lời đề từ của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo

Phân tích lời đề từ của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo

Hướng dẫn

Đàn ghi ta của Lorca là bài thơ điển hình cho bút pháp siêu thực tượng trưng của nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ đã tể hiện sự đồng cảm của nhà thơ đối cuộc đời ngắn ngủi của người nghệ sĩ, hiệp sĩ Lorca đồng thời khẳng định sức mạnh của những sáng tạo nghệ thuật mà người nghệ sĩ ấy tạo ra. Anh chị hãy phân tích lời đề từ của bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”của nhà thơ Thanh Thảo.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích lời đề từ của Đàn ghi ta của Lorca

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Đàn ghi ta của Lorca là một trong những bài thơ điển hình cho phong cách siêu thực tượng trưng, là một cách tân độc đáo trong việc biểu đạt.

2. Thân bài

– Lời đề từ của bài thơ “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn” không chỉ có vai trò dẫn dắt độc giả đến với nội dung của bài thơ mà còn thể hiện được những tình cảm sâu kín của nhà thơ Thanh Thảo với Lorca

– “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” được nhà thơ Thanh Thảo trích từ tập “Thơ Thơ” vốn được coi là di chúc sống của nhà thơ Lorca.

+ Câu thơ như lời di nguyện của người nghệ sĩ, hiệp sĩ vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha muốn được chôn cất cùng với chiếc đàn ghi ta.

+ Đàn ghi ta chính là vật dụng gắn liền với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, người bạn đồng hành cùng Lorca trong suốt chặng đường tìm kiếm, đấu tranh cho những cách tân nghệ thuật đơn độc của Lorca.

+ Muốn được mang theo cây đàn ghi ta vào cõi chết gợi cho độc giả liên tưởng rằng Lorca muốn tiếp tục hành trình đấu tranh cho những cách tân, sáng tạo nghệ thuật ngay cả trong cõi chết.

–> Khát vọng thành thực ấy thật cao đẹp, đáng trân trọng của người nghệ sĩ, hiệp sĩ đã dùng cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật, cho dân chủ nhân dân.

=> ý nguyện của Lorca muốn mang theo những sáng tạo tinh thần của bản thân để những thế hệ nối tiếp có thể tìm đến những cách tân mới mẻ hơn, tiến bộ hơn.

3. Kết bài

Lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” không chỉ đơn giản là lời trích dẫn của Thanh Thảo về ý nguyện của Lorca mà còn là cách để nhà thơ khẳng định giá trị của những sản phẩm nghệ thuật của Lorca cùng thái độ trân trọng, đồng cảm của nhà thơ với Lorca.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích lời đề từ của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca

Thanh Thảo là cây bút tài năng của nền văn học Việt Nam. Trong những sáng tác thơ văn của mình, Thanh là nhà thơ nhiều suy tư, trăn trởvề những vấn đề xã hội và cuộc sống của con người. Ông khước từ lối biểu đạt dễ dãi theo khuôn mẫu mà luôn hướng đến những cách tân, sáng tạo. Đàn ghi ta của Lorca là một trong những bài thơ điển hình cho phong cách siêu thực tượng trưng, là một cách tân độc đáo trong việc biểu đạt.

Lời đề từ của bài thơ “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn” không chỉ có vai trò dẫn dắt độc giả đến với nội dung của bài thơ mà còn thể hiện được những tình cảm sâu kín của nhà thơ Thanh Thảo với Lorca – người được mệnh danh là chim họa mi của đất nước Tây Ban Nha.

“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” được nhà thơ Thanh Thảo trích từ tập “Thơ Thơ” vốn được coi là di chúc sống của nhà thơ Lorca. Câu thơ như lời di nguyện của người nghệ sĩ, hiệp sĩ vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha muốn được chôn cất cùng với chiếc đàn ghi ta. Đàn ghi ta là nhạc cụ nổi tiếng của đất nước Tây Ban Nha, nó gắn liền với những giai điệu tự do mà phóng khoáng, gắn liền với vũ điệu Flameco rực lửa. Đặt trong tương quan với cuộc đời của Lorca thì đàn ghi ta chính là vật dụng gắn liền với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, người bạn đồng hành cùng Lorca trong suốt chặng đường tìm kiếm, đấu tranh cho những cách tân nghệ thuật đơn độc của Lorca.

Muốn được mang theo cây đàn ghi ta vào cõi chết gợi cho độc giả liên tưởng rằng Lorca muốn tiếp tục hành trình đấu tranh cho những cách tân, sáng tạo nghệ thuật, tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhân dân ngay cả trong cõi chết. Khát vọng thành thực ấy thật cao đẹp, đáng trân trọng của người nghệ sĩ, hiệp sĩ đã dùng cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật, cho dân chủ nhân dân.

Lorca là người nghệ sĩ suốt đời đấu tranh cho những cách tân nghệ thuật nên cũng có thể hiểu câu thơ ‘Khi tôi chết hay chôn tôi với cây đàn” là ý nguyện của Lorca muốn mang theo những sáng tạo tinh thần của bản thân để những thế hệ nối tiếp có thể tìm đến những cách tân mới mẻ hơn, tiến bộ hơn, có lẽ Lorca không muốn những sáng tạo của mình trở thành thứ cản trở đối với hoạt động sáng tạo, cách tân.

Lorca người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 37 nhưng những giá trị mà người nghệ sĩ ấy đã sáng tạo ra thì vẫn sống mãi cùng với cuộc đời. Bởi cây đàn có thể chôn theo Lorca nhưng những sản phẩm tinh thần của Lorca tạo ra không ai muốn, cũng không ai có thể chôn vùi. Lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” không chỉ đơn giản là lời trích dẫn của Thanh Thảo về ý nguyện của Lorca mà còn là cách để nhà thơ khẳng định giá trị của những sản phẩm nghệ thuật của Lorca cùng thái độ trân trọng, đồng cảm của nhà thơ với Lorca.