Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Hướng dẫn

Chiều tối là bài thơ mang đậm phong vị cổ điển với những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca kim cổ. Anh chị hãy phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong Chiều tối

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: “Chiều tối” là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất được rút ra từ tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Bài thơ đã phác họa đầy sống động bức tranh thiên nhiên rộng lớn, vắng lặng khi chiều tà, đồng thời qua đó bộc lộ được tinh thần lạc quan, tấm lòng giàu yêu thương của Bác.

2. Thân bài

– Chiều tối được sáng tác khi Bác đang trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

– Bài thơ thể hiện cái gian lao, vất vả của đường đi đồng thời cũng thể hiện được tâm hồn đầy tinh tế, tinh thần lạc quan cùng phong thái ung dung, kiên cường của người chiến sĩ các mạng.

– Mở đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà được Hồ Chí Minh điểm xuyết bằng hình ảnh của cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn:

+ Hình ảnh cánh chim và đám mây là những hình ảnh đặc trưng của thi ca cổ điển thường được sử dụng để diễn tả sự cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời.

+ Cánh chim mỏi mệt cũng từng xuất hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan để diễn tả nỗi cô đơn của người lữ khách “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”.

–> Đám mây cô đơn trong thơ Bác cũng không nhẹ nhàng, thoát tục như trong thơ Lí Bạch mà chất chồng những suy tư, đó là nỗi lo lắng, suy tư của một người chiến sĩ luôn hết lòng vì dân, vì nước, vì vận mệnh của cả dân tộc.

– Bác đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để phác họa lên bức tranh thiên nhiên đầy độc đáo, mang phong vị riêng thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Người

– Có thể thấy hình ảnh cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn có sự hô ứng, kết nối đặc biệt với trạng thái, tình cảm của người tù trên đường chuyển lao.

3. Kết bài

Sử dụng bút phạm cổ điển, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đầy sống động, đó là những cảm nhận đầy tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên, về sự sống của một con người yêu đời tha thiết.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển của bài thơ Chiều tối

“Chiều tối” là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất được rút ra từ tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Bài thơ đã phác họa đầy sống động bức tranh thiên nhiên rộng lớn, vắng lặng khi chiều tà, đồng thời qua đó bộc lộ được tinh thần lạc quan, tấm lòng giàu yêu thương, niềm tin mãnh liệt vào sự sống của Bác – người chiến sĩ cộng sản hết lòng vì dân, vì nước.

Chiều tối được sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi Bác đang trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Bài thơ thể hiện cái gian lao, vất vả của đường đi đồng thời cũng thể hiện được tâm hồn đầy tinh tế, tinh thần lạc quan cùng phong thái ung dung, kiên cường của người chiến sĩ các mạng.

Mở đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà được Hồ Chí Minh điểm xuyết bằng hình ảnh của cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chìm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Hình ảnh cánh chim và đám mây là những hình ảnh đặc trưng của thi ca cổ điển thường được sử dụng để diễn tả sự cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Cánh chim mỏi mệt cũng từng xuất hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan để diễn tả nỗi cô đơn của người lữ khách “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Hai câu thơ của Bác cũng có sự gặp gỡ thú vị với nhà thơ Lí Bạch của Trung Quốc khi đều xuất hiện hai hình ảnh đám mây, cánh chim:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vận độc khứ nhàn”

Dịch:

Bầy chim cao nhất loạt bay cao

Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình

Tuy có sự tương đồng về hình ảnh thơ nhưng cảm xúc giữa hai bài thơ lại có sự khác biệt rõ nét, nếu như cánh chim trong thơ Lí Bạch “cao phi tận” là cánh chim ánh đời, thoát tục mà bay vào cõi hư vô thì cánh chim mỏi mệt trong thơ Bác lại bay về rừng, hướng về cuộc sống ở cõi thường. Đám mây cô đơn trong thơ Bác cũng không nhẹ nhàng, thoát tục như trong thơ Lí Bạch mà chất chồng những suy tư, đó là nỗi lo lắng, suy tư của một người chiến sĩ luôn hết lòng vì dân, vì nước, vì vận mệnh của cả dân tộc.

Bác đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để phác họa lên bức tranh thiên nhiên đầy độc đáo, mang phong vị riêng thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Người, đồng thời qua bức tranh ấy độc giả có thể cảm nhận được bức chân dung tâm hồn của Người. Bác trân trọng từng dấu hiệu của sự sống, nếu đặt hai câu thơ trong tương quan với hoàn cảnh sáng tác ta có thể cảm nhận được bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ, xiềng xích chỉ có thể giam giữ về tự do nhưng tinh thần của người hoàn toàn được giải phóng bởi nếu không tự do về tinh thần thì khó có thể phát hiện ra những cảnh sắc thiên nhiên độc đáo đến vậy.

Có thể thấy hình ảnh cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn có sự hô ứng, kết nối đặc biệt với trạng thái, tình cảm của người tù trên đường chuyển lao, đó là bước chân xiềng xích đầy mỏi mệt trên hành trình dài, là tâm trạng cô đơn, tâm tư chất chồng của người chiến sĩ yêu nước.

Sử dụng bút phạm cổ điển, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đầy sống động, đó là những cảm nhận đầy tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên, về sự sống của một con người yêu đời tha thiết.

TẢI VỀ PDF