Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Văn mẫu lớp 12 đặc sắc nhất

Sóng là bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh, bằng tấm lòng trắc ẩn, nữ tính của phụ nữ, Xuân Quỳnh đã mang vào thơ hơi thở đầy mới mẻ khi thể hiện được những cung bậc cảm xúc đầy phức tạp của người con gái khi yêu. Anh chị hãy phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnhđể thấy được những trạng thái đối lập mà thống nhất ấy.

I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ: mượn hình ảnh của sóng, Xuân Quỳnh đã mang đến hình ảnh ẩn dụ đầy đặc sắc về tâm hồn, tình cảm người phụ nữ khi yêu, có lúc trầm lắng, suy tư lại có lúc sôi nổi nồng nhiệt.

2. Thân bài

– “Sóng” là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh, điển hình cho phong cách thơ Xuân Quỳnh trong giai đoạn đầu.

– Mở đầu bài thơ, nữ sĩ đã tái hiện lại những trạng thái tâm lí đặc biệt nhưng cũng quen thuộc của người con gái đang yêu.

– Mượn hình ảnh của con sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã tái hiện đầy chân thực những trạng thái đối cực trong tình cảm của người con gái đang yêu.

– Tình cảm của “em” cũng giống như những trạng thái của sóng, nó là nhiều trạng thái đối cực “dữ dội-dịu êm”; “ồn ào- lặng lẽ”.

– Nếu như con sóng tìm ra bể thì trái tim người con gái cũng sẽ không chấp nhận cái nhỏ bé tầm thường mà hướng đến thế giới tình yêu rộng lớn, cao cả.

– Tình yêu luôn là thứ tình cảm rạo rực, là khát khao muôn đời của con người, của tuổi trẻ và dù trải qua bao nhiêu thời gian đi nữa thì đó vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng, bất biến.

– Trong cảm nhận của em – người con gái đang yêu thì tình yêu như một thế giới đầy bí ẩn, nơi chứa đựng những bí mật mà ngay cả những người trong cuộc cũng không thể giải đáp.

– Nhà thơ Xuân Quỳnh đã giãi bày nỗi băn khoăn của cô gái đang yêu bằng những lời thơ thật hồn nhiên, nữ tính.

– Nỗi nhớ trong tình yêu được nhà thơ Xuân Quỳnh diễn tả đầy chân thực, đó là nỗi nhớ da diết, thường trực không chỉ khi thức mà ngay khi chìm vào thế giới của vô thức thì trái tim của em vẫn hướng đến anh

– Qua hình tượng của sóng và chủ thể trữ tình “em” ta có thể nhận thấy khao khát mãnh liệt trong tình yêu của mình, đây là một điều hiếm thấy trong văn học.

– Để có thể sống hết mình cho tình yêu, nhà thơ đã khát khao dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, mong muốn hòa tình yêu nhỏ của mình vào cuộc đời rộng lớn

3. Kết bài

Sóng là bài thơ tình đặc sắc đã tái hiện đầy chân thành, sinh động tâm hồn người con gái khi yêu, đó là cô gái vừa duyên dáng, mạnh mẽ nhưng không kém phần sôi nổi, đắm say.

Bài liên quan đến bài thơ Sóng:

>>Bình giảng khổ thơ cuối của bài thơ Sóng để thấy được tâm hồn nữ tính đầy trăn trở, khát khao yêu thương

>>Phân tích nét đẹp hiện đại và truyền thống được thể hiện qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

>>Phân tích khát vọng tình yêu bồi hồi trong ngực trẻ thông qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

>>Phân tích hình tượng sóng trong bài Thơ Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu

>>Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh

II. Bài tham khảo cho đề phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách và tư tưởng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, mượn hình ảnh của sóng, Xuân Quỳnh đã mang đến hình ảnh ẩn dụ đầy đặc sắc về tâm hồn, tình cảm người phụ nữ khi yêu, có lúc trầm lắng, suy tư lại có lúc sôi nổi nồng nhiệt.

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ ca, nếu ta bắt gặp cái nồng nhiệt, đắm say trong tình yêu của Xuân Diệu, nhẹ nhàng, tình yêu bình dị mang hơi thở đồng nội của Nguyễn Bính thì đến Xuân Quỳnh ta lại cảm nhận được một tâm hồn đầy nữ tính với tình yêu vừa tha thiết, rạo rực, vừa phong phú lại quá đỗi phức tạp. “Sóng” là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh, điển hình cho phong cách thơ Xuân Quỳnh trong giai đoạn đầu.

Mở đầu bài thơ, nữ sĩ đã tái hiện lại những trạng thái tâm lí đặc biệt nhưng cũng quen thuộc của người con gái đang yêu:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Mượn hình ảnh của con sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã tái hiện đầy chân thực những trạng thái đối cực trong tình cảm của người con gái đang yêu. Trong cảm nhận của nhà thơ, tình cảm của “em” cũng giống như những trạng thái của sóng, nó là nhiều trạng thái đối cực “dữ dội-dịu êm”; “ồn ào- lặng lẽ”. Và nếu như con sóng tìm ra bể thì trái tim người con gái cũng sẽ không chấp nhận cái nhỏ bé tầm thường mà hướng đến thế giới tình yêu rộng lớn, cao cả.

Tình yêu luôn là thứ tình cảm rạo rực, là khát khao muôn đời của con người, của tuổi trẻ và dù trải qua bao nhiêu thời gian đi nữa thì đó vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng, bất biến.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày nay vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Mang tâm hồn đầy nhạy cảm của người con gái khi yêu, Xuân Quỳnh cũng mang tâm lí muốn tìm hiểu, khám phá về tình yêu ấy. Trong cảm nhận của em – người con gái đang yêu thì tình yêu như một thế giới đầy bí ẩn, nơi chứa đựng những bí mật mà ngay cả những người trong cuộc cũng không thể giải đáp. Đó là những băn khoăn về ngọn nguồn của tình yêu, nơi tình yêu bắt đầu. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã giãi bày nỗi băn khoăn của cô gái đang yêu bằng những lời thơ thật hồn nhiên, nữ tính:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Tình yêu không chỉ gắn với những tình cảm nồng nhiệt, đắm say mà còn là nỗi nhớ khi xa cách, khi bị cách trở với người mình yêu bởi không gian địa lí. Nỗi nhớ trong tình yêu được nhà thơ Xuân Quỳnh diễn tả đầy chân thực, đó là nỗi nhớ da diết, thường trực không chỉ khi thức mà ngay khi chìm vào thế giới của vô thức thì trái tim của em vẫn hướng đến anh, cũng giống như sóng hướng đến bờ:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Xuyên suốt bài thơ là sự song hành giữa sóng và em, dường như sóng và em đã hòa nhập làm một để diễn tả sâu hơn, sinh động hơn về tình yêu, về nỗi nhớ, niềm mong chờ, khắc khoải của những trạng thái cảm xúc khi yêu. Qua hình tượng của sóng và chủ thể trữ tình “em” ta có thể nhận thấy khao khát mãnh liệt trong tình yêu của mình, đây là một điều hiếm thấy trong văn học. Khát khao tình yêu của Xuân Quỳnh được thể hiện trực tiếp qua khổ thơ:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Để có thể sống hết mình cho tình yêu, nhà thơ đã khát khao dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, mong muốn hòa tình yêu nhỏ của mình vào cuộc đời rộng lớn, vượt qua mọi giới hạn nhỏ bé, chật hẹp của những toan tính để ngập tràn trong biển lớn tình yêu.

Sóng là bài thơ tình đặc sắc đã tái hiện đầy chân thành, sinh động tâm hồn người con gái khi yêu, đó là cô gái vừa duyên dáng, mạnh mẽ nhưng không kém phần sôi nổi, đắm say.

TẢI VỀ PDF