Những bảo tàng tôi đã từng đi qua

Bài viết giới thiệu về 5 bảo tàng mà tôi đã có dịp ghé thăm và còn nhớ  – tất nhiên không phải là tôi chủ động tự đi gì cả. Một người trân trọng lịch sử nhưng lại ít đi bảo tàng ( phải tự kiểm điểm bản thân và che mặt ).

Bảo tàng Bình Định ( hay còn gọi là Bảo tàng Tổng hợp Bình Định )

Ảnh bảo tàng Bình Định
Tôi đến bảo tàng này cũng lâu lâu lắm lắm rồi – well, thật sự không còn nhớ rõ năm nào nữa ( có thể khi tôi học lớp 10 ). Thực ra hơi buồn khi mà bảo tàng có một dáng vẻ rất khép kín, không hoành tráng, cũng không có gì gây chú ý cho người đến tham quan. Nó lại còn nằm bên cạnh một quán café – nếu không chú ý hay nhờ cái xe tăng ngoài sân thì chắc chẳng ai nghĩ nó là một bảo tàng.

Được thành lập từ năm 1980 – là nơi trưng bày của hơn 1000 hiện vật, tài liệu… giới thiệu về tỉnh Bình Định. Vậy chắc chắn là phải trình bày từ lúc vùng đất còn sơ khai, thuộc về ai, vương quốc nào. Cho đến những năm tháng chiến tranh và phát triển sau này… Lẽ dĩ nhiên, không thể thiếu dấu ấn của nền văn hóa Champa, phải có sự nhắc đến ba anh em nhà Tây Sơn, và không thể thiếu những danh nhân nổi tiếng của đất Bình Định.

Vậy nên tôi rất mong mọi người ghé thăm bảo tàng nhiều nhiều vào nhé.

Bảo tàng Hồ Chí Minh ( quận 4 – TP Hồ Chí Minh )

Ảnh bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng
Tôi đến bảo tàng này từ học kỳ 2 năm thứ nhất Đại học. Đặt tại Bến Nhà Rồng – nơi đây chính là nơi Bác bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước.

Và chắc chắn toàn bộ bảo tàng chính là giới thiệu về Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Hồi đó chúng tôi tự đi tham quan, không người hướng dẫn. Tư liệu, hiện vật về Bác được lưu giữ, trưng bày và công bố cũng rất nhiều.

Nói về Bác thì hầu như ai cũng biết, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không một lần đặt chân đến bảo tàng đây. Vì đó là nơi diễn ra sự kiện quan trọng của đất nước – hơn hết là của chính cuộc đời Bác mà, phải không ? 🙂

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Ảnh bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Ở trên là những dòng văn buồn man mác thì đến đây có lẽ nỗi buồn sẽ còn nhân lên gấp bội. Không phải vì bảo tàng có vấn đề. Mà là khi đặt chân bước vào đây, bạn phải xác định có một đầu óc tỉnh táo, một trái tim vững chãi, một nghị lực kiềm nén lắm mới không phải rơi nước mắt.

Đó là vô vàn những hình ảnh máu me, chết chóc – nó rất trực diện ( không che đậy nhé ). Người dân với gương mặt ngơ ngác buồn thảm, tàn tạ rách rưới bị lính Mỹ đàn áp. Những chiến sĩ bộ đội hy sinh vì bom đạn – ảnh chụp thật, tan xác thật. Thậm chí tôi nhớ có hình ảnh lính Mỹ cầm một chiếc đầu một chiến sĩ quân ta cười thỏa mãn.

Đây là một bảo tàng nổi tiếng. Không chỉ người Việt, mà bất cứ người dân nào trên thế giới muốn tìm hiểu về lịch sử chiến tranh Việt Nam, muốn ôn lại quá khứ, muốn đối diện sự thật. Thì đều đến đây cả. Hầu như tôi không thấy người ta đến đây với một tâm thế đi cho vui, cho biết. Mà tôi thấy hầu như ai ai cũng chăm chú, cũng hết sức lắng nghe, nhìn nhận.

( Tôi đánh giá cao các cô chú anh chị làm công việc thuyết minh ở bảo tàng. Họ nói rất hay, dứt khoát, giọng nói to rõ và tròn câu rõ chữ để mọi người đều nghe những câu chuyện về lịch sử. Dĩ nhiên – họ chắc chắn phải nói tốt cả tiếng Anh hoặc một vài thứ tiếng khác để thuyết minh cho khách nước ngoài )

Nếu đến Việt Nam, đến TP Hồ Chí Minh thì nhất định phải ghé thăm bảo tàng này nhé.

Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Ảnh bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh
Bảo tàng nằm ở quận 1, gần khu Bến Thành. Bên ngoài tòa nhà là con đường với hàng cây xanh cực kì mát rượi –tôi nghĩ là không thua kém gì hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng đã bị dẹp bỏ cách đây khá lâu rồi.

Nếu bạn thuộc kiểu người thích chụp hình, thích sống ảo khoe hình cá nhân mà không quan tâm lắm đến lĩnh vực Mỹ thuật – điêu khắc thì bạn có thể ghé thăm. Nhưng đừng làm ồn. Đừng làm lố. Vì dù sao nó cũng là bảo tàng – không phải studio hay phim trường để diễn. Nơi nghiêm túc thì cũng cần nên nghiêm túc. Tôn trọng những giá trị xung quanh chính là một cách tôn trọng bản thân mình.

Mà nói vậy chứ đã đến đây thì sao không tìm hiểu luôn nhỉ. Tôi biết có một số người đầu tư nhiều thứ ( trang phục, ekip ) để chụp hình – thậm chí là hình cưới. Ok có thể vì bối cảnh đẹp, mà Bảo tàng cũng dễ chịu không khắt khe quản lý khách tham quan. Nhưng thiết nghĩ là – tăng thêm hiểu biết của mình, mở mang đầu óc chỉ có lợi mà không có hại gì đúng không ?

Vì là bảo tàng Mỹ thuật nên sẽ chỉ trưng bày những tác phẩm, hiện vật, kiến thức có liên quan đến Mỹ thuật – điêu khắc, hội họa… thôi nhé. Lĩnh vực này rất ít người ở Việt Nam quan tâm – cùng chung một nỗi buồn ngang nhau như Lịch sử. Phần đông người đến đây muốn tìm hiểu về lĩnh vực Mỹ thuật thì ít, mà chụp hình sống ảo là nhiều.

Ảnh trên là quang cảnh chính diện bảo tàng. Một tòa nhà màu vàng với lối kiến trúc đặc trưng của phương Tây. Rất Ấn tượng phải không ?

5. Bảo tàng Tây Sơn ( còn gọi là bảo tàng Quang Trung )

Quang cảnh bảo tàng Tây Sơn

Well well well, đến Bình Định thì không thể không ghé thăm bảo tàng nổi tiếng này rồi. Tôi thấy bảo tàng này được đầu tư còn hơn bảo tàng Bình Định buồn bã ẩn dật giữa lòng thành phố luôn ấy. Mặc dù đường lên Tây Sơn khá xa – nhưng rất dễ tìm. Bạn chỉ cần đội nắng, phóng xe thẳng một mạch và theo biển chỉ dẫn là tới ngay bảo tàng.

Bảo tàng rất rộng . Đẹp, sạch sẽ cực kỳ và được đầu tư thiết kế cũng khá công phu. Nơi đây có giếng nước của gia đình thân sinh ba anh em nhà Nguyễn Huệ – nghe nói là uống nước giếng này linh thiêng, cầu được ước nấy ( tôi với bạn tôi đều uống cả rồi – cứ tưởng không được uống nhưng người ta để sẵn gầu múc nước và cả gáo nước bên cạnh đấy, cũng không có ai nhắc nhở. Vậy là uống được :)) ) Nước trong và mát – tựa hồ như nước giếng ở nhà nội Nghệ An của tôi vậy :).

Đến đây thì tất nhiên phải tham quan chính điện – khu trưng bày giới thiệu về lịch sử của nhà Tây Sơn. Chú thuyết minh nói hơi nhanh, giọng nhỏ, pha chút âm điệu tiếng địa phương nên có phần khó nghe đối với những ai không quen thuộc với giọng Bình Định. Vậy nên, bạn cần đứng gần chú để nghe chú nói. Hoặc không, bạn có thể tự tham quan các gian phòng cũng được. Vì các hiện vật, các tư liệu giới thiệu cũng khá chi tiết rồi.

( Các gian phòng trưng bày được thông suốt với nhau rất hay nhé. Không bị gò bó, nhỏ hẹp ngăn cách như một số bảo tàng khác. Mà là những gian phòng rộng rãi cực kì, có lối đi dẫn sang khu khác một cách tự nhiên – khiến bạn có cảm giác như đi trong một hang động hoặc một tòa nhà to lớn, cổ kính vậy )

Tham quan xong bạn có thể xem chương trình biểu diễn võ Tây Sơn cùng các điệu múa của người dân tộc J’Rai, Bana, Ê đê ( đây là những dân tộc sinh sống ở Bình Định lâu đời và rất tích cực tham gia phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa )

Thực ra nhìn nhận lịch sử Việt Nam nói chung thì phải kể đến sự đóng góp của những dân tộc anh em với người Kinh rất nhiều luôn ấy. Mặc dù bị cản trở bởi tiếng nói – ngôn ngữ, nhưng bản tính họ rất hào phóng, trung thành và khảng khái. Một khi thuyết phục được họ đồng lòng đi theo, thì họ sống mái tới cùng với giặc. Hiếm khi có chuyện phản bội trở mặt như người Kinh chiếm đại đa số đã từng làm trong lịch sử đâu nha * cười thầm *

Và dĩ nhiên là chương trình xem biểu diễn văn nghệ có tính phí riêng ( không chung với giá vé tham quan nếu bạn đi tự túc. Còn đoàn tour thì họ tính trong tiền tour cả rồi. Thú vị là chị bán vé vào xem biểu diễn võ cũng kiêm luôn diễn viên múa nhạc dân tộc cổ truyền trong đội biểu diễn :)) ). Chị ấy múa không đẹp lắm, không thể hiện được khí chất của người con gái dân tộc vùng núi rừng cao nguyên. Cơ mà vì chị ấy xinh – dễ thương nên thôi không sao :)) )

Tổng quan về các bảo tàng là như vậy.

Chỉ cần thử ghé thăm bảo tàng vài lần thôi thì tôi tin là bảo tàng sẽ trở thành một cơ sở nền tảng rất vững chắc trong việc cải thiện hiểu biết lịch sử của người Việt.

PHƯƠNG THỤ