Nhan đề Đời thừa có ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm

Nhan đề Đời thừa có ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm

Hướng dẫn

Đời thừa là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao viết về đề tài người trí thức nghèo trong xã hội phong kiến xưa. Ngay phần nhan đề tác giả đã hé lộ được bi kịch mà người trí thức phải đương đầu. Nhan đề “Đời thừa”có ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Đời thừa là truyện ngắn tiêu biểu viết về đề tài người trí thức. Tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ được thể hiện ngay trong cách đặt nhan đề cho tác phẩm, bởi với nhan đề “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã thể hiện được những nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm mà không chỉ dừng lại ở một mệnh đề, một tên gọi cho tác phẩm.

2. Thân bài

– “Đời thừa” hiểu theo nghĩa bề mặt, đó là cuộc đời thừa thãi, vô ích, không có ý nghĩa, sống nhưng cũng vô nghĩa như không tồn tại.

– Nam Cao đã thể hiện được tấn bi kịch tinh thần khủng khiếp của nhân vật Hộ hay cũng là bi kịch chung của rất nhiều trí thức nghèo trong xã hội xưa: đó là trạng thái sống mòn.

–> kịch khốn khổ của nhà văn tài hoa, giàu khát vọng, tài năng, hoài bão nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất, buộc phải sống trái với lí tưởng, mong muốn của bản thân, tự đẩy mình vào cuộc sống vô ích, thừa thãi.

– Nhân vật trung tâm của truyện ngắn Đời thừa là Hộ, một nhà văn, người trí thức nghèo nhưng có niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt với nghệ thuật.

+ Hộ viết văn không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận mà để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, viết bằng ca tấm lòng chân thành, tâm huyết nhất của một nhà văn.

+ Gánh nặng mưu sinh đã buộc Hộ tạm quên đi khát khao sáng tạo cao cả để sáng tác những thứ văn chương tầm thường, cẩu thả, lê thê để kiếm tiền.

–> Nhận thức được về tình trạng của chính mình khiến hộ đau khổ, day dứt lương tâm để mỗi khi đọc lại Hộ đều đỏ mặt, run rẩy, vò nát sách.

3. Kết bài

“Đời thừa” không chỉ tái hiện nội dung tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, khái quát hiện tượng đã tồn tại trong xã hội mà còn chỉ bi kịch tinh thần của những người trí thức trong xã hội xưa.

II. Bài tham khảo cho đề phân tích bi kịch đời thừa

Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc bậc nhất của nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng tháng Tám, ngòi bút Nam Cao hướng đến miêu tả cuộc sống khổ cực của người nông dân cùng bi kịch khủng khiếp của người trí thức trong xã hội xưa. Đời thừa là truyện ngắn tiêu biểu viết về đề tài người trí thức. Tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ được thể hiện ngay trong cách đặt nhan đề cho tác phẩm, bởi với nhan đề “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã thể hiện được những nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm mà không chỉ dừng lại ở một mệnh đề, một tên gọi cho tác phẩm.

“Đời thừa” hiểu theo nghĩa bề mặt, đó là cuộc đời thừa thãi, vô ích, không có ý nghĩa, sống nhưng cũng vô nghĩa như không tồn tại. Từ nhan đề này, tác giả Nam Cao đã thể hiện được tấn bi kịch tinh thần khủng khiếp của nhân vật Hộ hay cũng là bi kịch chung của rất nhiều trí thức nghèo trong xã hội xưa. Đó là trạng thái sống mòn, là nỗi đau tột cùng của người trí thức, là bi kịch khốn khổ của nhà văn tài hoa, giàu khát vọng, tài năng, hoài bão nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất, buộc phải sống trái với lí tưởng, mong muốn của bản thân, tự đẩy mình vào cuộc sống vô ích, thừa thãi.

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn Đời thừa là Hộ, một nhà văn, người trí thức nghèo nhưng có niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt với nghệ thuật. Hộ khát khao cái đẹp, hướng đến sự hoàn mĩ trong cuộc sống, mong muốn sáng tác ra những tác phẩm cao cả. Trong thực tế cuộc sống, Hộ là người trung thực, giàu tình thương khi không ngại gánh nặng gia đình, điều tiếng của xã hội mà cưu mang mẹ con Từ – người đàn bà bất hạnh bị tên tình nhân đê tiện bỏ rơi, ruồng bỏ trách nhiệm.

Hộ viết văn không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận mà để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, viết bằng ca tấm lòng chân thành, tâm huyết nhất của một nhà văn. Có thể nói Hộ luôn nghiêm túc với công việc viết lách của mình, cũng bởi vậy mà khi buộc phải viết những thứ văn chương tầm thường để kiếm tiền mưu sinh cho gia đình, Hộ đã rơi vào đáy sâu của đau khổ, bi kịch.

Có khát vọng sáng tạo cao đẹp nhưng trong thực tế, cuộc sống đói nghèo nặng gánh mưu sinh, Hộ không đủ tiền lo cho vợ con, làm việc quần quật cả ngày cũng không đủ tiền mua gạo, mua thuốc cho những đứa con nhỏ yếu. Hộ là một người trí thức có hiểu biết lại có tình thương, trách nhiệm với gia đình nên Hộ đã buộc tạm quên đi khát khao sáng tạo cao cả để sáng tác những thứ văn chương tầm thường, cẩu thả, lê thê để kiếm tiền. Nhận thức được về tình trạng của chính mình khiến hộ đau khổ, day dứt lương tâm để mỗi khi đọc lại Hộ đều đỏ mặt, run rẩy, vò nát sách.

Hộ là nhà văn chân chính với những khát khao cao cả, sáng tạo nghệ thuật bằng tất cả sự nghiêm túc, trung thực và nhiệt huyết nhưng hoàn cảnh khốn cùng đã đẩy Hộ vào bi kịch sống mòn, sống cuộc đời thừa thãi, đau khổ. Như vậy nhan đề “Đời thừa” không chỉ tái hiện nội dung tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, khái quát hiện tượng đã tồn tại trong xã hội mà còn chỉ bi kịch tinh thần của những người trí thức trong xã hội xưa.