Nhà ông ngoại ở bên ấy

Ông ngoại tôi – tên là Nguyễn Văn Chất, bà ngoại là Nguyễn Thị Chuân. Ông ngoại trong mắt tôi đẹp lão như Bác Hồ. Khuôn mặt dài xương xương và đôi mắt cười mang lại cảm giác ấm áp. Còn bà ngoại thì hiền lành phúc hậu lắm.

Ông là cựu chiến binh, có huân chương hẳn hoi đấy. Bà ngoại là một người phụ nữ nông thôn nghèo. Lúc ông ngoại ra tập kết ngoài Bắc theo Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954, ông đã gặp bà ở xứ Nghệ thanh bình ấy. Tôi cảm giác như chuyện ông bà còn lãng mạn hơn cả chuyện tình của mình.  Hai người đến với nhau mặc cho gia đình bà phản đối, lấy nhau rồi sinh con đẻ cái. Cứ gắn bó bên nhau như vậy cho tới hòa bình.

Sau ông bà chuyển vào Quy Nhơn sinh sống. Vì ông là cán bộ nên được chính quyền địa phương cấp cho cả một cái nhà rất to, dễ hơn trăm mét vuông ấy. Nhưng vì ba tôi bỏ ra ngoài Bắc sinh sống sau tai nạn điện giật, má cũng ẵm cả con đi theo. Ông tưởng má không trở lại đây nữa nên đành bán rẻ cho người khác. Tính ông ngoại cương trực, ngay thẳng, lại còn nóng tính. Mỗi khi giận điên lên ông có thể cầm lấy thứ gì gần đó mà phang. Bà ngoại lại đúng chuẩn một người phụ nữ Việt Nam điển hình. Chăm lo đảm đang tháo vát, và cam chịu.

Món ăn bà ngoại nấu không thể nào chê được. Nhất là những ngày rằm, bà ngoại làm hẳn cả một mâm chay thịnh soạn rồi kêu nhà tôi qua ăn. Món chay bà nấu ngon lắm, vị đậm đà mà màu sắc lại trong sáng, thanh thanh. Chẳng bù cho các món chay ngoài tiệm bây giờ, để nguội là nuốt không nổi, toàn đường với màu – ngán ngay. Chỉ tiếc là từ ngày bà nằm liệt một chỗ vì bị tai biến, chẳng ai được thưởng thức món ăn bà ngoại nấu nữa.

Nhà tôi ở sát bên nhà ông nhưng sau khi nhà được xây lại, có bức tường ngăn cách với nhà ngoại nên tôi phải vòng đi hướng khác. Nhưng cũng không thể làm mất đi tuổi thơ của tôi được. Từ nhỏ, tôi qua nhà ngoại như cơm bữa. Ăn, ngủ tại đấy. Cả anh chị tôi cũng thế. Đó là chốn thanh bình của đám con cháu chúng tôi.

Ông bà ngoại hiền từ, thương con thương cháu nên hễ có gì là nhà tôi cứ qua ngoại. Tôi bị anh trai mắng, má đánh – tôi qua nằm ì bên ngoại. Đói cũng mò qua với ngoại. Vui cũng qua. Buồn lại càng phải qua. Chị gái khi ôn thi lại Đại học cũng qua nấu cơm cho ngoại. Đôi lúc tôi chỉ thích ở hẳn bên nhà ngoại mà thôi.

Lúc nhỏ xíu đi mẫu giáo tôi không chịu đi học. Cứ đến lớp là sợ hãi và khóc. Cuối cùng mẹ đành để tôi ở nhà ngoại, nhờ ông bà trông nom. Mấy lần ba tôi với anh trai mâu thuẫn, thậm chí có lúc ba má muốn li dị thì lại xách nhau qua nhà ngoại phân xử.  Ông rất ghét ba tôi uống rượu, chửi mắng ba suốt. May là ba không dám ho he gì.

Thế nhưng ông ngoại lại rất khổ tâm vì cậu út. Cậu bị chứng tâm thần phân liệt. Tỉnh thì thôi, hễ lên cơn là đập phá đồ đạc trong nhà. Có lúc còn định giết cả ông ngoại nữa. Vậy mà cậu chẳng chịu tu chí làm ăn, tiền bạc kiếm từ việc chạy xe ôm ít ỏi có bao nhiêu đem vô đề đóm hết. Sau này ngoại mất, cái nhà cũng ra đi.

Tôi nhớ lúc bà ngoại bị tai biến, thấy bà ngoại tập tễnh chống gậy đi dạo chơi trong xóm, tôi khờ dại chỉ dám đứng trong cánh cửa nhìn theo. Lúc ông ngoại đau nặng gần sắp mất, tôi được má dẫn vô thăm ngoại một lần. Ngoại rất mệt, nói gì đó tôi nghe không rõ. Tôi cũng muốn nói chuyện với ngoại lắm nhưng chẳng biết nói gì, chỉ ngồi nhìn ngoại mà thôi. Cho đến hôm sau ngoại mất, tôi phụ các dì bóp chân, xoa bóp cơ thể ngoại cho ấm. Mắt ngoại nhắm, miệng hé mở. Đã trở thành một cơ thể không có linh hồn.

Nhìn hình ảnh đó tôi không hề sợ hãi vì tôi đã khóc mất rồi. Má và các dì, tất cả đều khóc lên khóc xuống. Bà ngoại khi ấy phải được đưa lên nhà dì ở vì không ai muốn bà biết sự thật. Sau đó đầy tuần, bà được hai cậu ở trong Bình Thuận đưa vào nuôi. Mọi người mới dám để bà bái lạy ông lần cuối. Bà ngồi trên xe lăn, thấy di ảnh ông ngoại mới biết là ông đã đi rồi. Bà khóc toáng lên như một đứa trẻ, tay run run cầm nén nhang mà mếu máo.  Giờ viết lại nước mắt tôi không thể nào ngăn được …

Sau đó tôi vào Đại học trong Sài Gòn, có ra Bình Thuận thăm bà được một lần. Nghe vợ cậu Hai kể lại biết tin tôi với má đến thăm, bà mừng lắm. Bà dậy từ lúc sáng sớm, nhờ mợ Hai mặc cho quần áo đẹp, để bà ngồi trước sân ngóng chờ.

Mãi cho tới trưa, tôi và má mới đến được nhà cậu Hai. Bà cười ấm áp, xúc động vô cùng. Giọng nói bà chậm rãi run run, bàn tay bà đã nhăn nheo nhiều quá, đặt lên tay tôi như vỗ về muốn hỏi. Hai má con tôi chỉ ở được có ba ngày rồi tạm biệt bà. Vậy mà sau đó, tôi nghe tin bà mất. Trước khi mất, bà đã sống rất khổ sở.

Thì ra hồi tôi và má đến thăm, mợ Hai diễn kịch ra vẻ là một người con dâu vô cùng hiếu thảo, thương yêu mẹ chồng. Mợ nói huyên thuyên về việc mợ đã chăm sóc bà ra sao, lo lắng cho bà thế nào. Ai dè mợ ngược đãi tới mức dằn chén cơm trước mặt ngoại, nạt một tiếng  “ ĂN ĐI !!! ”. Ngoại xúc không được, cơm rơi vãi ra ngoài thì mợ giật cái chén đút thẳng luôn cho ngoại, vừa đút vừa tát. Ngoại khóc, bảo mợ đừng đánh ngoại nữa, ngoại đòi về Quy Nhơn ở với dì, với má.

Tôi cảm thấy bản thân mình vô tâm không làm tròn bổn phận của một đứa cháu đã là một tội lớn rồi, vậy mà giờ lại còn có người táng tận lương tâm hơn, nỡ đối xử với ngoại tôi như vậy. Bà ngoại mất ở trong đó, hài cốt không kịp đem về đoàn tụ với ông ngoại. Tính đến nay cũng đã được sáu năm .

Tôi đau lòng. Nhớ ông bà ngoại, thương ông bà ngoại vì những người con, người cháu đều không hiếu thảo với bậc sinh thành. Chỉ tiếc nhà tôi chật chội, lại hay xảy ra cãi vã nên chẳng thể đón ngoại về. Nhưng ít ra, má tôi cũng đã kịp làm tròn bổn phận của một người con trước khi ngoại mất. Má chạy đi chạy lại chăm lo cho ông ngoại những ngày ông nằm viện khi cuối đời. Má thăm bà ngoại, thay mợ hai trong ba ngày liền tắm rửa, dọn dẹp, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho bà. Nhưng thật ra, dù có làm gì đi chăng nữa cũng không sao báo ơn cho đủ công sinh thành, dưỡng dục cưu mang của ông bà ngoại.

Trên căn gác nhỏ nóng nực ở nhà ngoại năm ấy, tôi ngồi cạnh ông ngoại đang nằm trên chiếc giường xếp nhỏ cũ kĩ, bật đài Radio lắng nghe tin buồn của cả nước[1]. Tôi để ý gương mặt ngoại khi ấy – suy tư, buồn bã như ngoại đang đau đớn trong lòng. Mắt ngoại đỏ hoe, tay ngoại chống lên trán. Năm ấy, tôi còn nhỏ chẳng cảm nhận được gì nhiều. Sau này lớn, lúc xem lại tư liệu Bác Hồ mất, tôi mới hiểu ra nỗi đau xót mất mát không gì có thể bù đắp được. Có lẽ khi ấy, ông ngoại đã đau buồn như vậy.

Đôi lúc tôi vẫn như thấy hiện ra trong trí nhớ của tôi, hình ảnh ông cụt một tay, chiếc áo sơ mi dài che phủ điều ấy, tay còn lại cầm đũa chiên xào. Bà ngoại cũng chỉ dùng được một tay mà nhặt từng bó rau cọng cỏ. Tôi còn nhớ tôi rất thích nghịch chiếc tay bị cụt của ông.  Mỗi lần tôi nghịch – đưa phần tay gần bả vai còn lại đó nâng lên rồi hạ xuống, ông chỉ cười xòa. Tôi muốn chọc ông cười, nhưng không thể nào hiểu được nỗi đau của ông khi mất đi một phần cơ thể. Giờ ngẫm lại mới thấy mình ấu trĩ con nít thật nhiều .

Ngày ông ngoại và bà ngoại ra đi, tôi chẳng mấy khi qua bên đó nữa. Căn nhà bị bán, tu sửa lại rồi trao lại cho người khác.Tôi không nhìn. Vì nơi đó đã là nơi lạ lẫm, chẳng còn hình bóng ông bà ngoại khi xưa.


[1] Năm 2000, thủ tướng Phạm Văn Đồng mất

PHƯƠNG THỤ