Nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong giáo dục học tập và thi cử văn lớp 9

Xã hội ngày càng phát triển, con người càng cố gắng nỗ lực không ngừng để cải thiện cuộc sống và khẳng định bản thân. Những bằng khen, giấy chứng nhận, huy chương, danh hiệu, chức tước,… là hiện thân của những thành quả mà họ đạt được. Nhưng thực trạng lại cho thấy, có nhiều nguwofi coi đó là cái đích để vươn đến mà theo đuổi, tạo ra một suy nghĩ lệch lạc, là tiền đề tạo nên một căn bệnh trong xã hội, đó là bệnh thành tích. Trong kiểu bài nghị luận về một hiên tượng đời sống xã hội trong chương trinh Ngữ văn lớp 9, chúng ta sẽ gặp đề bài yêu cầu nghị luận về bệnh thành tích. Trong bài viết này, chúng ta cần giải thích được bệnh thành tích là gì, nguyên nhân, thực trạng, hậu quả và cách khắc phục. Dưới đây là hai bài làm mẫu hy vọng có thể giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ BỆNH THÀNH TÍCH

Bệnh thành tích là một trong những vấn đề gây nhức nhối của xã hội hiện nay.

Vậy bệnh thành tích là gì? Bệnh là danh từ chỉ trạng thái cơ thể, hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường. Nghĩa phát sinh của nó chỉ thói xấu, khuyết điểm về tư tưởng gây ra những hành động đáng chê trách hoặc gây tác hại. Đã là bệnh thì có bệnh nhẹ, có bệnh nặng, có bệnh hiểm nghèo, mỗi loại bệnh phải có phác đồ điều trị khác nhau. Thành tích là một danh từ chr một thành quả đạt được, được xã hội và người khác công nhận. Bệnh thành tích là một danh từ ghép nêu lên một căn bệnh phổ biến trong xã hội hiên nay.

Hiểu một cách đơn giản, bênh thành tích là một căn bệnh xuất phát từ ý muốn cầu toàn của con người, trong mọi trường hợp, nhiệm vụ hay công việc được giao, họ cũng bị ám ảnh bởi hai chữ “thành tích”, tức là bắt buộc phải đạt được thành tích. Bệnh thành tích xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, từ học sinh, sinh viên đến những người đang làm việc. Bệnh thành tích ban đầu sẽ là những ý muốn, khát khao đạt được những thành quả và được người khác công nhận, nhưng lâu dần sẽ trở thành một đường mòn suy nghĩ, tạo cho con người cảm giác nhất định phải đạt được, thúc giục họ làm tất cả để đạt được những thành tích.

Nếu chỉ dừng lại  ở mức độ thứ nhất là tạo ra những ý muốn, khao khát mãnh liệt về những điều bản thân cần đạt được thì bênh thành tích không phải là một căn bệnh tiêu cực. Ở mức độ này, nó sẽ giúp cho chúng ta có mục đích rõ ràng hơn, tạo ra động lực và ý chí để không ngừng cố gắng và làm việc hiệu quả hơn. Nhưng hầu hết, bệnh thành tích lại cư trú trong những cá nhân lười nhác nhưng lại muốn được người khác công nhận. Bởi thế nó trở thành một căn bệnh ác tính. Ở đối tượng này, bệnh thành tích xuất phát từ ham muốn được người khác công nhận, được tán dương. Trong bài viết về căn bênh này, Nhà báo Đăng Dương có nhận định: “Bệnh thành tích, trong một góc nhìn không thuận chiều, suy cho cùng phải gọi đó là bệnh giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng”.

Bệnh thành tích thường xuất hiện ở những người không  có thực tài à giấu dốt, háo danh. Người mắc bệnh thành tích cũng giống như người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế về thành tích. Đó là một căn bệnh đầy nguy hại. Trong xã hội ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, bệnh thành tích ngày một lan rộng với tốc độ chóng mắt. Sự giả dối xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trường học cho đến những công ty, cơ quan, xí nghiệp, thậm chí cả những cơ quan của bộ máy Nhà nước.

Trong giáo dục, bệnh thành tích khiến mở ra những lớp học thêm, thầy cô giáo dạy thêm ngoài giờ, cho học sinh làm bài trước để kiểm tra trên lớp được điểm cao. Bệnh thành tích khiến học sinh có tư tưởng không trung thực khi làm bài kiểm tra, quay cóp trong những kì thi cử. Không chỉ thế, bệnh thành tích còn đục khoét,ăn sâu vào tất cả các ngành nghề, từ kinh tế cho đến nông nghiệp, công tác xã hội,… tạo nên những hậu quả khôn lường.

Điều đáng nói nhất là tác hại và hậu quả nguy hại của căn bệnh này. Bệnh thành tích tạo nên những bằng cấp giả dối, những sơ yếu lí lịch đẹp nhưng lại thiếu đi năng lực thực sự cho học sinh, sinh viên. Trong kinh tế, bệnh thành tích tạo ra những thành tựu giả tạo, kém chất lượng,…Tất cả tạo ra một xã hội đầy lọc lừa và xảo trá, kém chất lượng. Cuộc sống cũng vì thế mà dần ngày càng trở nên tồi tệ.

Nói không với bệnh thành tích là một cách để bảo vệ của chính chúng ta, bảo vệ sự thật. Xây dựng cuộc sống bằng chính năng lực thực sự của mình để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội mà con người thật sự được hạnh phúc chứ không phải là một xã hội hào nhoáng vẻ bên ngoài nhưng chất chứa biết bao đau khổ, giả dối và bất công đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ BỆNH THÀNH TÍCH

Xã hội phát triển là khi tất cả các cá nhân, tập thể luôn có ý thức, nỗ lực, phấn đấu thi đua đạt thành tích tốt nhất. Phần thưởng cho những nỗ lực ấy là những tấm huy chương, những tấm bằng khen,… có giá trị công nhận kết quả của một quá trình, công nhận sự cố gắng của con người. Đó là một trong những thước đo thể hiện sự thành công của con người trong cuộc sống. Thế nhưng, hiện nay có không ít người coi những tấm bằng, những giải thưởng,… là cái đích duy nhất để hướng tới, tìm mọi cách để đạt được nó nhằm có được sự ngưỡng mộ của xã hội, tạo nên một căn bệnh, thậm chí có thể gọi là trọng bệnh trong cuộc sống hiện đại: Bệnh thành tích!

Bệnh vốn là một danh từ chỉ trạng thái cơ thể hoạt động không bình thường, gây hại cho sức khỏe con người, trong khi thành tích lại là một khái niệm tích cực chỉ những kết quả tốt đẹp mà con người đạt được. Ấy vậy mà hai danh từ ấy lại có thể đi liền với nhau. Phải chăng, quá đề cao thành tích đã trở thành một loại bệnh. Bệnh thành tích là một tư tưởng xấu, cổ hủ, bảo thủ, quá coi trọng thành tích, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn giả dối để có được sự công nhận từ bên ngoài mà không quan tâm đến chất lượng bên trong. Bệnh thành tích đã và đang trở thành một vấn nạn của xã hội nước ta, trong mọi ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Đối với sự phát triển toàn diện của con người, bệnh thành tích sẽ chỉ làm đẹp bộ mặt bên ngoài mà không giúp phát triển tinh thần bên trong, gây ra một thái độ sống giả dối, chạy theo thành tích, làm lệch lạc nhân cách con người. Đối với sự phát triển của xã hội, bệnh thành tích tạo ra những sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, sự phát triển không bền vững bởi những thành tích được tạo ra từ căn bệnh này thường được tạo nên từ sự lừa lọc, dối trá, là kết quả nhất thời mà không có giá trị cốt lõi, từ đó có thể gây ra ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của cả một quốc gia.

Do đâu mà bệnh thành tích lại có thể “hoành hành” như hiện nay? Trước hết, bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan, cơ chế đánh giá, khen thưởng của Nhà nước ta vẫn còn nặng về thành tích, đánh giá chủ yếu dựa trên các báo cáo thành tích bề nổi mà chưa đi sâu vào tìm hiểu, phân tích chất lượng thực sự, cùng với tâm lí xã hội cũng thường chỉ chú ý đến vị trí mà người nào đó đang đứng, không coi trọng phương pháp, quá trình. Xét về góc độ chủ quan, sự thiếu nhận thức, thiếu chủ kiến có thể khiến con người dễ bị cám dỗ bởi những hào nhoáng bên ngoài mà xem nhẹ giá trị thực chất bên trong, luôn muốn được mọi người trầm trồ, thán phục, do sự thiếu trách nhiệm, ham lợi lộc mà luôn tìm cách, kể cả giả dối để nâng cao thành tích của mình lên, bỏ qua các bước xây dựng nền tảng, gốc rễ để có một bản thông tin đẹp nhằm che mắt dư luận, trục lợi cho sự ích kỉ của bản thân,… Bởi lẽ đó, không quá khi nói rằng bệnh thành tích cũng chính là bệnh giả dối, lừa lọc, bệnh ích kỉ!

Ngay lúc này đây, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực nhằm “chạy chữa” cho căn bệnh này. Trước hết, Đảng và Nhà nước cần có một chính sách quản lí phù hợp, khắt khe hơn trong việc công nhận thành tích, đề ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thế để gọi tên thành tích, thường xuyên xét duyệt, kiểm tra để loại bỏ những thành tích ảo do gian dối mà có, đồng thời cần có sự công nhận toàn diện giữa thành tích và quá trình đạt được nó,…; bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần tự mình ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với xây dựng đất nước để làm việc đường hoàng, đứng đắn, nhận thưởng đúng với thành tích của bản thân, nâng cao năng lực, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tạo ra những thành tích lớn hơn và có giá trị thực sự, theo đuổi ước mơ, công việc chứ không theo đuổi tấm bằng, phần thưởng.

Bệnh tật về mặt thể chất có thể hủy hoại cơ thể của một cá nhân, nhưng những căn bệnh xã hội như bệnh thành tích có thể hủy hoại cả một cộng đồng, xã hội thậm chí là một quốc gia. Hãy cùng nhau chung tay loại bỏ căn bệnh nguy hiểm này bạn nhé.