Nghị luận về ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ của thành công

Nghị luận về ý nghĩa của câu tục ngữ Thất bại là mẹ của thành công bài văn của cô Ngọc Anh chuyên văn

Hướng dẫn

Để thực hiện được những giấc mơ, dự định nào đó dù trong công việc hay học tập đều không dễ dàng, trên con đường thực hiện ước mơ đó để chạm được thành công cuối cùng con người có thể trải qua muôn vàn thử thách, trong đó có thể là những thất bại cay đắng. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại chúng ta lại rút ra những bài học sâu sắc cho mình, đúng như câu nói “Thất bại là mẹ của thành công”. Anh chị hãy viết bài văn nghị luận về ý nghĩa của câu tục ngữ “Thất bại là mẹ của thành công”.

Dưới đây là hệ thống dàn ý chi tiết và bài văn mẫu tham khảo của cô Ngọc Anh chuyên văn. Các bạn hãy cùng tham khảo để có thêm nhiều thông tin thú vị cho bài viết của mình nhé!

I. Dàn ý chi tiết cho đề bài nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

1. Mở bài cho đề nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

Tất cả chúng ta, muốn đạt được thành công, sẽ không thể không nhớ câu tục ngữ bất hủ: “Thất bại là mẹ thành công”.

2. Thân bài cho đề nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

– Thành công là mục tiêu chúng ta đạt được mà trước đó đã đặt ra trong cuộc sống của mình.

– Thành công và thất bại, chúng đối lập nhau sâu sắc, tưởng chừng giữa chúng không có mối quan hệ nào. Nhưng kinh nghiệm của dân gian ta đã chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công.

– Thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra chỗ yếu chỗ yếu của mình để bổ sung cho ta hoàn thiện, để thêm cho ta sức mạnh. Nói theo cách khác: thất bại là nhân tố tạo ra thành công.

-Sau thất bại, người ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn thất bại nữa.

– Muốn đổi thất bại thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học cho mình, rút kinh nghiệm cho mình.

– Tuy nhiên để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã những lần tiếp theo.

– Để vượt qua được thất bại, đạt đến thành công, con đường ấy không hề dễ dàng.

– Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn cứ thất bại rồi đứng lên thì chắc chắn sẽ có thành công.

– Muốn thành công, bạn chỉ có thể rút ra thất bại và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân.

3. Kết bài cho đề nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

Mỗi người trong đời đều có lúc vấp ngã, khó khăn, nhưng bạn hãy tin rằng, mọi sự cố gắng đều có giá trị.

II. Bài tham khảo cho đề nghị luận về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

Tôi nhớ khi còn nhỏ, có hình ảnh làm tôi cứ ấn tượng mãi không thôi. Đó là khi thẫn thờ ngồi chơi một mình, đùa nghịch lũ kiến nhỏ, tôi chợt nhận ra một quy luật vận động của chúng, cho dù gặp bất cứ trở ngại nào, chúng cũng vẫn tìm cách để tiếp tục đi theo hướng tiến về phía trước. Sau này, mãi khi lớn lên, tôi mới tự nhủ lòng mình, liệu con người chúng ta có được thứ nghị lực ấy không – cái nghị lực không bao giờ nản chí, bỏ cuộc dù gặp khó khăn, thất bại như loài vật nhỏ bé? Có lẽ tất cả chúng ta, muốn đạt được thành công, sẽ không thể không nhớ câu tục ngữ bất hủ: “Thất bại là mẹ thành công”.

Thành công là gì? Đó là mục tiêu chúng ta đạt được mà trước đó đã đặt ra trong cuộc sống của mình. Bạn mong muốn năm nay bạn sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi, cuối năm bạn đã được điều đó. Vậy là bạn thành công rồi đấy! Ngược lại, thất bại là khi chúng ta không đạt được mục đích đã đề ra. Thành công và thất bại, chúng đối lập nhau sâu sắc, tưởng chừng giữa chúng không có mối quan hệ nào. Nhưng kinh nghiệm của dân gian ta đã chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Dân gian kết hợp vừa so sánh để khẳng định qua từ là, lại kết hợp nghệ thuật ẩn dụ: coi thất bại là người mẹ (của thành công). Khi nói đến mẹ trước hết gợi chúng ta nghĩ đến ơn sinh thành, bên cạnh đó nó còn gợi đến sự dạy bảo chí tình, chí nghĩa: ai chẳng biết mẹ mong mỏi những điều tốt từ các con, mẹ mong các con thành đạt. Vậy có gì vô lí khi thất bại của mỗi chúng ta lại được ví dụ như mẹ ta. Vì thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra chỗ yếu chỗ yếu của mình để bổ sung cho ta hoàn thiện, để thêm cho ta sức mạnh. Nghĩa là giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Nói theo cách khác: thất bại là nhân tố tạo ra thành công.

Vì sao lại nói “Thất bại là mẹ thành công”? Đối với người nản chí thì không đúng như vậy, nhưng đối với những người bền chí, kiên trì thì quả là đúng. Vì sau thất bại, người ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện ý chí vươn lên cho mỗi người. đã bao lần bạn vấp ngã mà có thể bạn không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị vấp ngã. Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không?…Bất cứ một kết quả nào cũng có những nguyên nhân, lí do riêng do đó thất bại cũng có lí do riêng. Muốn đổi thất bại thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học cho mình, rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã những lần tiếp theo.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội : Nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức

Bất cứ ai trong đời cũng phải ít nhất một lần trải qua thất bại. Bạn sẽ không biết đi xe đạp, nếu trong lúc tập xe bạn chưa từng ngã. Bạn sẽ không thể thành công nếu trong đời chưa một lần bị điểm kém. Đến cả người sáng lập ra bóng đèn – nhà bác học Thomas Edison, trước khi tạo ra phát minh vĩ đại ấy, cũng đã từng trải qua mười nghìn lần thất bại.

Không ai có thể có một đời trọn vẹn mà không đối mặt với thất bại, khó khăn, đó là điều chắc chắn. Nhưng có một điều còn chắc chắn hơn thế, đó là phải đi qua được thất bại, con người mới có thể thành công. Thomas Edison từng nói: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”, và tất nhiên, 10.000 lần sáng chế ra những chiếc bóng đèn không hoạt động ấy đã giúp ông rút ra được những bài học kinh nghiệm, khắc phục những lỗi đã gặp phải, để cuối cùng ông chế tạo ra chiếc bóng đèn có thể hoạt động. Nguyễn Ngọc Kí để viết được bằng chân đâu phải chuyện một sớm một chiều, chắc chắn thầy cũng đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại, nhiều lần nản chí thì mới có được trái ngọt như hôm nay. Sau mỗi bài văn chúng ta bị điểm kém, qua lời phê của cô, qua những lần tự trải nghiệm lại bài, bạn chắc chắn sẽ có thể có được nhiều kinh nghiệm hơn, lối hành văn sẽ sáng rõ và sắc sảo hơn, chắc chắn, bạn sẽ tiến bộ hơn trong mỗi bài làm. Thất bại chính là bài học kinh nghiệm quý báu, giúp chúng ta có cho mình những hành trang mới, để tiến bộ hơn từng ngày.

Nhưng đâu phải ai cũng đủ mạnh mẽ để bước qua thất bại, đạt đến thành công? Điều đó rất dễ xảy ra nếu chúng ta không biết tự nhìn nhận, không đủ mạnh mẽ và không chịu tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại cho mình. Tôi tiếc thay cho nhiều bạn học sinh không vượt qua được những khó khăn trước mắt, không tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần điểm kém để vươn lên, họ rất dễ đầu hàng trước điểm số, trước thất bại, để rồi thậm chí, lỡ dở con đường học hành sáng láng đang đón chờ phía trước. Họ thậm chí, không đủ can đảm để thi lại lần hai, dừng chân ngay trước khi ngưỡng cửa cấp ba đang dần hé mở, chỉ cần một lần mạnh mẽ, nghị lực vươn lên. Tôi nhớ, chẳng tỉ phú nào là không từng có tuổi thơ hoặc sự nghiệp học hành “bê bết”, và nếu họ cũng như gia đình họ không đủ nghị lực, niềm tin, không chịu nhìn nhận và vượt qua thất bại thì chắc chắn, tên họ sẽ được thêm vào danh sách trợ cấp xã hội chứ không phải được cả thế giới ngưỡng mộ như ngày hôm nay.

Xem thêm:  Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Thiên trường vãn vọng

Đương nhiên, để vượt qua được thất bại, đạt đến thành công, con đường ấy không hề dễ dàng. Nỗi tủi hổ khi bị điểm kém, niềm tự ti khi nhìn bạn bè vươn trước mình trên bảng điểm, mọi điều ấy đều muốn cản trở bước đi phía trước của mỗi học trò. 10.000 lần thất bại của Edison cũng vậy, bạn đập quả bóng bay đến lần thứ năm không nổ, có lẽ đã muốn phát điên và bỏ cuộc, chứ không nói sáng chế khoa học thất bại đến lần thứ 10.000. Nhưng tất cả những điều đó đã trở thành bàn đạp vững chắc cho nhà khoa học, để ông tỏa sáng như ngày hôm nay. Và bóng đèn, đó mới chỉ là một trong số hơn một nghìn phát minh vĩ đại của ông mà thôi.

Tất nhiên, nói tất cả những điều đó không có nghĩa là bạn cứ thất bại rồi đứng lên thì chắc chắn sẽ có thành công. Vấn đề ở đây là bạn chọn con đường nào, ngã rẽ nào để đi đến thành công sau mỗi thất bại. Khi bạn không có năng khiếu âm nhạc, bạn có học, có thi đến cả nghìn lần và nghìn lần cố gắng nỗ lực, bạn cũng không thể trở thành ca sĩ, có chăng chỉ là bạn sẽ hát tốt hơn so với chính bạn lúc đầu, tất nhiên, đó cũng có thể coi là một cách thành công, nhưng thành công này cũng là bài học. Bài học đặt ra ở đây là: không nên cố gắng làm những điều không phù hợp với khả năng của chính bạn. Muốn thành công, bạn chỉ có thể rút ra thất bại và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân. “Cứ gõ, cửa sẽ mở” nhưng phải gõ cánh cửa mà mở ra để dành cho mình thì đấy mới được gọi là thành công thực sự.

Mỗi người trong đời đều có lúc vấp ngã, khó khăn, nhưng bạn hãy tin rằng, mọi sự cố gắng đều có giá trị. Giống như bầy kiến nhỏ, dù gặp bao cản trở, khó khăn, chúng vẫn dùng sức lực nhỏ bé để tiến về phía trước. Hãy thành công theo cách của mình, và đó mới là mục tiêu sống đích thực!