Nghị luận về ý kiến: Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có

Nghị luận về ý kiến: Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có

Hướng dẫn

Có quan niệm cho rằng “Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có”. Anh chị có đồng ý với ý kiến trên không? Viết bài nghị luận trình bày ý kiến của mình về quan niệm trên.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Dẫn dắt vào bài:

+ Trong quá trình trưởng thành, để hướng tới sự hoàn thiện, tiến bộ thì bên cạnh việc tích cực học hỏi, rèn luyện bản thân thì con người cần học cách chấp nhận, tôn trọng những gì vốn có của bản thân và của những người xung quanh.

+ Bàn về vấn đề này có câu nói “ Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có của nó”.

2. Thân bài

– Câu nói đã có đánh giá đúng đắn về thái độ và cách nhìn nhận của con người với mình cũng như với những người xung quanh.

– Việc chấp nhận bản thân và người khác là cách con người hòa nhập vào những mối quan hệ xã hội, để cùng chung sống đoàn kết.

– Khi chúng ta biết cách chấp nhận mình và người khác như bản thân vốn có chúng ta sẽ có những đánh giá đúng đắn về bản thân và những người xung quanh, từ đó có thái độ và những hành động phù hợp nhất.

– Biết được những điểm mạnh cũng như hạn chế của bản thân ta sẽ có hướng phát huy những lợi thế, ưu điểm đồng thời khắc phục những hạn chế

– Tuy nhiên, nhận định trên cũng tồn tại những hạn chế nhất định khi chưa cho thấy được nỗ lực, sức mạnh tinh thần bên trong con người, cổ súy con người ta sống an phận, cam chịu.

– chúng ta chấp nhận bản thân như những gì vốn có mà không có ý thức thay đổi, hành động thì chúng ta mãi không thể tiến bộ, không thể vượt qua những giới hạn của bản thân để vươn lên những đỉnh cao mới.

– Chấp nhận người khác mà không có sự đánh giá khách quan khiến chúng ta mất đi những chính kiến, không thể hiện được bản thân và do vậy mà khó có thể tìm ra những ưu điểm của mình.

3. Kết bài

“Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có” đã mang đến cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc về thái độ ứng xử và hành động.

II. Bài tham khảo

Trong quá trình trưởng thành, để hướng tới sự hoàn thiện, tiến bộ thì bên cạnh việc tích cực học hỏi, rèn luyện bản thân thì con người cần học cách chấp nhận, tôn trọng những gì vốn có của bản thân và của những người xung quanh. Tuy nhiên việc chấp nhận này sẽ ý nghĩa hơn nếu như con ngườinhững hành động thiết thực từ sự nhìn nhận ấy để tiến bộ hơn. Bàn về vấn đề này có câu nói “ Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có của nó”.

Nhận định đã thể hiện được cách đánh giá khách quan về thái độ của con người đối với những gì vốn có, tự thân của con người. Tuy nhiên, câu nói cũng thể hiện những hạn chế nhất định khi chưa cho thấy nghị lực, sức mạnh tinh thần của con người để vượt ra khỏi những giới hạn của bản thân để trở nên tiến bộ hơn.

Trước hết về mặt tích cực, câu nói đã có đánh giá đúng đắn về thái độ và cách nhìn nhận của con người với mình cũng như với những người xung quanh. Cuộc sống của con người không phải sự tồn tại độc lập mà là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Do đó việc chấp nhận bản thân và người khác là cách con người hòa nhập vào những mối quan hệ xã hội, để cùng chung sống đoàn kết.

Khi chúng ta biết cách chấp nhận mình và người khác như bản thân vốn có chúng ta sẽ có những đánh giá đúng đắn về bản thân và những người xung quanh, từ đó có thái độ và những hành động phù hợp nhất. Biết được những điểm mạnh cũng như hạn chế của bản thân ta sẽ có hướng phát huy những lợi thế, ưu điểm đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu xót của bản thân để trở nên hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn trong tương lai.

Dù tài giỏi đến mấy cũng không có ai hoàn hảo tuyệt đối, do đó những hạn chế, thiếu xót là một lẽ tất yếu. Khi chúng ta mãi cố chấp tìm kiếm sự hoàn hào ấy sẽ nảy sinh cái nhìn nghiêm khắc cùng tư duy phê phán đối với mình cũng như mọi người. Khi không chấp nhận bản thân và những người xung quanh, ta khó bỏ qua được những sai lầm, bỏ lỡ những giá trị tốt đẹp của họ.

Tuy nhiên, nhận định trên cũng tồn tại những hạn chế nhất định khi chưa cho thấy được nỗ lực, sức mạnh tinh thần bên trong con người, cổ súy con người ta sống an phận, cam chịu. Nếu như trên con đường trưởng thành của mình, chúng ta chấp nhận bản thân như những gì vốn có mà không có ý thức thay đổi, hành động thì chúng ta mãi không thể tiến bộ, không thể vượt qua những giới hạn của bản thân để vươn lên những đỉnh cao mới.

Chấp nhận người khác mà không có sự đánh giá khách quan khiến chúng ta mất đi những chính kiến, không thể hiện được bản thân và do vậy mà khó có thể tìm ra những ưu điểm của mình.

“Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có” đã mang đến cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc về thái độ ứng xử và hành động đối với những giá trị, năng lực vốn có của bản thân nhưng để phát triển toàn diện nhất, chúng ta cần không ngừng cố gắng, thay đổi những cái vốn có để chúng trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.