Nghị luận về lòng biết ơn cha mẹ thầy cô giáo trong cuộc sống văn lớp 9

D. Bonhoeffer từng nói: “Trong cuộc sống đời thường, chúng ta hầu như không nhận ra rằng mình nhận nhiều hơn là cho đi, và chỉ khi có lòng biết ơn thì cuộc sống mới trở nên phong phú”. Thật vậy, trong cuộc sống phát triển như hôm nay, với nhịp sống nhanh theo những guồng quay của sự bận rộn, con người ta thường mải miết đi kiếm tìm hạnh phúc cho bản thân mà vô tình quên đi những ai, những cơ hội, những hoàn cảnh nào giúp ta có được ngày hôm nay. Lòng biết ơn vì thế càng được trân trọng, phát huy hơn bao giờ hết trong xã hội ngày nay. Đó là một đức tính đẹp cần được nhân rộng hơn nữa. Trong chương trình Ngữ Văn 9 có đề văn “Nghị luận về lòng biết ơn” đòi hỏi người viết phải bày tỏ quan điểm của mình về vai trò, ý nghĩa của lòng biết ơn đối với cá nhân, xã hội và tập thể. Dưới đây là bài văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn lớp 9 để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về dạng bài này.

BÀI LÀM VĂN SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ LÒNG BIẾT ƠN LỚP 9

Tôi nhớ có người đã từng nói: “Khi ta trân trọng và thể hiện lòng biết ơn cuộc sống, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn và mang cho ta nhiều phúc lành”. Lòng biết ơn vốn là một truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Sống biết ơn là một phẩm chất cần có ở mỗi con người.

Chúng ta nhắc nhiều rằng con người cần có lòng biết ơn. Vậy lòng biết ơn là gì? Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là sự thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính của mình đối với những thành quả do cha ông để lại, đối với những điều tốt đẹp người khác mang lại cho mình. Lòng biết ơn được coi như thước đo giá trị của con người.

Lòng biết ơn trở thành truyền thống văn hóa ăn sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ dân tộc, ông cha ta đã nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”,… Lòng biết ơn được răn dạy từ thuở con người mới lọt lòng, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam, mang bản sắc của Việt Nam. Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam.

Khi có lòng biết ơn, con người biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác mang lại cho mình. Họ luôn biết gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống. Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên ở Việt Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Để có được cuộc sống tự do, hòa bình như ngày hôm nay, biết bao những người anh hùng đã ngã xuống quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chính vì vậy, hằng năm  27/7  trở thành ngày lễ trọng đại tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình bảo về và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc. Trong cuộc đời mỗi chúng ta được thầy cô dạy dỗ những điều hay lẽ phải, chúng ta có đủ đầy hành trang bước vào đời. Và ngày 20/11 hằng năm trở thành dịp để các em học sinh và phụ huynh thể hiện sâu sắc lòng biết ơn những người thầy đã hết lòng giáo dục các em nên người.

Chúng ta thử tưởng tượng một ngày nếu xã hội này, con người không còn tồn tại lòng biết ơn, họ chỉ mải chạy theo những xa hoa, hào nhoáng mà đánh mất giá trị con người. Không có lòng biết ơn, con người ta trở nên sống ích kỉ, sống thờ ơ, sống nhạt, sống lạnh lùng với cuộc đời, với con người. Nó như con rắn độc cứ luồn lách, luồn lách, bào mòn nhân cách con người, biến con người trở thành kẻ vong ân bội nghĩa.

Lòng biết ơn là một đức tính cần có ở mỗi con người. Chúng ta cần sống có lòng biết ơn, biết kế ế thừa thành quả lao động của các thế hệ đi trước, lĩnh hội các giá trị do người khác mang lại cho mình. Sống có lòng biết là lối sống tình nghĩa, là nét đẹp mà Việt Nam luôn tự hào với bạn bè quốc tế.  Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.

Thật đáng buồn khi trong xã hội hôm nay vẫn còn tồn tại những kiểu người sống vô ơn, bội bạc, “ăn cháo đá bát”. Họ sống cá nhân, ích kỉ, chỉ biết nhận lấy mà không biết ơn. Họ thậm chí chà đạp lên các thành quả lao động do người khác để lại. Hiểu được thực trạng đáng buồn ấy, chúng ta càng cần phải tạo lập cho mình có lòng biết ơn. Hãy biết ơn và tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trước hết là biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã không quản khó nhọc nuôi dạy chúng ta nên người. Biết nói lời cảm ơn khi nhận một điều tốt đẹp từ người khác. Mỗi người hãy tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong xã hội, hường xuyên thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của bản thân đối với những người đã tạo dựng ra các thành quả lao động trong xã hội, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Mỗi học sinh ngồi trên ghế nhà trường cần phấn đấu học tập tốt, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm để trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.

Lòng biết ơn không chỉ là đức tính đẹp của con người mà còn là ngọn nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Hãy sống biết ơn với những con người cho ta có cuộc sống hôm nay, vì nếu không có họ, liệu bây giờ ta sẽ ra sao?

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN VỀ LÒNG BIẾT ƠN

Một ngày nọ, ta thấy cuộc sống của mình tươi đẹp biết bao, thấy mọi người xung quanh thật đáng mến và tốt bụng. Khi ta thấy ta đang được nhận quá nhiều, lúc đó là lúc, ta thấy mình cần phải biết ơn,

Mọi người định nghĩa thế nào là biết ơn? Đó đơn giản chỉ là một lời cảm ơn của một cậu bé khi được người lớn cho một chiếc bánh, là giọt nước mắt và sự cảm kích của những người khó khăn khi được giúp đỡ hay một nén hương để tưởng nhớ người đã khuất… Biết ơn, giản đơn chỉ là thái độ, hành động của con người với sự tích cực dành cho người đã giúp đỡ hay cho họ một điều gì đó.

Chúng ta, ngay từ khi sinh ra, đã được nhận, nhận nhiều thứ từ mọi người và cuộc đời. Là một đứa con nhận lấy bao nhiêu tình yêu thương, sự chăm sóc, lo lắng và hi sinh từ bố mẹ, gia đình. Là một công dân đất nước nhận lấy hòa bình, độc lập đánh đổi bởi bao mất mát, xương máu của những thế hệ chưa một lời từ biệt đã ngã xuống. Là một công dân toàn cầu, nhận lấy bao thành tựu khoa học, phát minh để làm tiện lợi, phát triển hơn cuộc sống của con người. Và vô vàn những món quà khác nữa ta nhận được từ cuộc đời. Và, biết ơn là thái độ tất yếu, của một con người.

Biết ơn cha mẹ, gia đình.

Cha mẹ là người cho ta sự sống này, Ngay từ giây phút chúng ta mở mắt ra nhìn cuộc đời, cất tiếng khóc đầu tiên, ta đã mang nợ cha mẹ rồi. Từng ngày lớn lên trong câu hát ru của mẹ, trong lời dạy dỗ của cha, những ân huệ mà mỗi đứa con mang trong mình lại cứ lớn dần, lớn dần. Nhưng có vẻ những phận làm con lại coi đó là điều hiển nhiên: Sự sống thiêng liêng này, hình hài không bị khuyết tật và mái ấm gia đình là điều hiển nhiên họ phải nhận được. Ta thờ ơ với cha mẹ, cáu gắt với những lời quan tâm, quay mặt với những sự nhắc nhở,… Và rồi, khi ra ngoài cuộc đời, với những con người xa lạ ngoài kia, ta mới nhận ra: chỉ có cha mẹ là người yêu thương ta vô điều kiện. Không ai nhịn đói cho bạn no, không ai chịu bất hạnh cho bạn hạnh phúc, ngoài hai người họ. Không nơi nào sẵn sàng chào đón bạn, ngay cả khi bạn thất bại, ngoài căn nhà. Và thứ ta mắc nợ nhiều nhất, biết ơn nhiều nhất lại chính là cha mẹ. Bởi vậy, vẫn có những ngày “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ”, những ngày của mẹ, của cha, ngày gia đình.

Biết ơn nguồn cội, những người đã giúp đỡ ta.

Cuộc sống này gây dựng nên từ nỗi đau của những gia đình tan nát, của nỗi mong mỏi mẹ chờ con, sự mòn mỏi vợ chờ chồng và lòng yêu nước của những con người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Cuộc sống của ta được ghép lên từ những mảnh ghép của tình bạn, của tình thầy trò đã gắn bó, yêu thương và giúp đỡ ta để có một tuổi thơ trọn vẹn. Ở ngoài kia, cũng có những con người dẫu không máu mủ, ruột thịt nhưng vẫn hằng ngày tham gia vào ngày hội đỏ hiến máu, dạy học cho người khuyết tật, suất cơm miễn phí cho người nghèo,… Những con người không phải ruột thịt, thậm chí còn không quen biết vẫn yêu thương ta, giúp đỡ ta, góp phần làm nên một cuộc sống văn minh và nồng ấm tình người. Những con người ấy, hãy biết ơn. Những gì họ đã làm cho cuộc sống này, cho thế hệ này, hãy nhân nó đến thế hẹ sau. Những ngày thương binh liệt sĩ, ngày nhà giáo Việt Nam,… những cuộc thiện nguyện nghĩa tình, khi biết ơn, tự nó sẽ sống mãi.

Biết ơn những khó khăn, thất bại và cả quá khứ.

Chúng ta có thể chắc chắn mình không làm sai va mọi chuyện đều diễn ra theo ý muốn của mình. Muốn thành công phải nếm mùi thất bại, muốn hạnh phúc phải trải qua khó khăn. Những nỗi đau, vấp ngã ấy, những gì không thể đánh gục bạn, sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Và sau khi nhìn lại, ta phải biết ơn những khó khăn, thử thách và thất bại đó. Quá khứ là một phần của con người, là nền tảng của ngày mai. Không ai sống mà phủ định quá khứ. Nó đẹp đẽ, hãy biết ơn nhưng nếu nó đầy khổ đau, hãy cứ biết ơn. Vì bạn bây giờ dám nhìn vào quá khứ để trưởng thành, để khôn lớn và để chiến thắng.

Biết ơn là hạt mầm của mọi phẩm chất tốt đẹp trong con người. Biết ơn cha mẹ, người đi trước để làm “nhân”, biết ơn những vết thương đã dạy ta trưởng thành để biết mình đang “sống”, để biết quý trọng cuộc sống và thành công. Nhưng đáng buồn thay những con người vì vật chất và ích kỉ riêng mình mà “khỏi vòng cong đuôi” mà quên mất hai chữ “biết ơn”. Biết ơn để trả lại và cũng để nhận thêm cho mình. Một nụ hôm dành cho mẹ, một cái ôm cho mọi người, một nụ cười trước khó khăn, để thấy bạn đang biết ơn, để trao hạnh phúc đến mọi người.

Ta chỉ có một cuộc đời, vô nghĩa hay không, hạnh phúc hay không, hoàn toàn là thái độ của bạn đồi với cuộc đời. Hãy biết ơn.

Nguồn Internet