Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Bài làm

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Trong cuộc sống, đôi khi con người ta vì một lý do nào đó mà không thể được lựa chọn môi trường, hoàn cảnh sống, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn cần lưu giữ những tâm tính tốt đẹp của chính mình, như ông cha ta đã khuyên rằng “ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

“ Đói” và “rách” chính là những hoàn cảnh sống đầy khó khăn, đầy thiếu thốn. Trong hoàn cảnh sống như vậy, người ta rất dễ bị tha hóa, do đó cần phải giữ cho “thơm”, cho sạch”, nói cách khác là sống trong sạch, không biến mình trở thành nạn nhân của hoàn cảnh.

Sở dĩ lại nói như vậy bởi con người sinh ra không có quyền quyết đinh, không có quyền lựa chọn số phận cho riêng mình. Hoàn cảnh sa cơ lỡ vận là điều chúng ta không thể tránh khỏi bởi cuộc đời trong sự đa đoan, đa chiều của nó, mọi những nghịch lý đều có thể xảy đến. Đặc biệt, trong xã hội phong kiến xa xưa, đại đa số là người nông dân lao động nghèo khổ, vất vả. Tầng lớp quý tộc, phong kiến bóc lột con người, dẩy họ vào những hoàn cảnh trớ trêu thì họ càng phải sống cho sạch, cho thơm, họ không vì đói ngèo mà trở thành kẻ cướp, cướp đi miếng ăn, thức uống của đồng loại mình, càng không vì đói, vì nghèo mà đánh mất nhân cách.

Nhưng con người sinh ra cũng không phải vốn là nạn nhân của cuộc đời. Mỗi chúng ta có một dù bất hạnh đến đâu nhưng vẫn được tạo hóa ban cho một cái tên, một sự sống giữa cõi đời này, ấy chính là điều quý giá. Do đó, khi chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh sống cho chính mình, thì hãy đừng để bản thân, đừng để nhân cách bị tha hóa, rơi vào cảnh đánh mất đi con người, phần tâm tính thiện lành. Chúng ta đã nhìn thấy một Lão Hạc dù bị đẩy vào đường cùng nhưng vẫn sống “sạch”, sống cho “thơm” bằng cách tự tử để giữ mãi vẻ đẹp của riêng mình. Ngược lại, những cảnh đói rách, nghèo khổ nếu đẩy con người ta vào đường cùng, con người rất dễ trỗi dậy phần bản năng bên trong và đánh mất chính mình.

Con người cần sống “đói cho sạch, rách cho thơm” để xứng đáng với hai chữ “con người” của mình. Macxim Gorki từng khẳng định rằng tự hào và thiêng liêng làm sao hai chữ “con người” cũng bởi vậy.

Khi chúng ta sống tốt đẹp, không bị dẫn dụ bởi hoàn cảnh, tự chúng ta cũng cảm thấy yêu chính mình hơn và nỗ lực không ngừng để thoát ra khỏi những nghịch cảnh đó. Chúng ta tự cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản với chính mình hơn bởi dù hoàn cản tác đọng mà ta vẫn không làm điều gì xấu ảnh hưởng đến mọi người xung quanh ta. Khi đó, chính chúng ta cũng được mọi người yêu quý và kính trọng.

Nhưng thực ra không phải chỉ sống trong hoàn cảnh “đói”, “nghèo”, người ta mới đánh mất đi nhân tính của mình. Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao, nhưng có những người dù sống trong cảnh lâu đài xa hoa, trong lụa là gấm vóc mà vẫn trượt dài trong nhân cách. Do đó, dù sống trong hoàn cnhr nào thì con người cũng vẫn phải giữ lấy nhân cách tốt đẹp của mình.

Câu tục ngữ đã đưa ra một bài học quý giá trong việc sống sao cho đúng mực. Mỗi chúng ta, khi đã hiểu sâu sắc về điều đó, hãy sống đúng với lương tâm, với tâm tính tốt đẹp của chính mình, để không hổ thẹn với bản thân. Hành trình sống của chúng ta cần lắm những nhân cách tốt đẹp.