Nghị luận về câu nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” lớp 9 giải thích chứng minh

Trong phần chứng minh, ta cần trả lời câu hỏi vì sao cần phải đi đây đi đó, đi nhiều để bổ sung kiến thức? Để làm sâu sắc thêm cho bài văn, chúng ta cần lật ngược vấn đề, có phải cứ đi là sẽ “khôn” được hay không, hay còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Chúng ta có thể liên hệ với thực trạng hiện nay, khi mà Internet phát triển, việc trải nghiệm thực tế không còn được xem trọng.  Cuối cùng, chúng ta nêu lên bài học rút ra từ câu tục ngữ: cần phải đi nhiều, bước ra ngoài xã hội để khám phá thế giới, trong quá trình đó cần có ý thức học hỏi, sàng lọc tri thức để hoàn thiện bản thân. Dưới đây là một số bài văn mẫu nghị luận đi một ngày đàng học một sàng khôn các em có thể tham khảo:

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG HỌC MỘT SÀNG KHÔN LỚP 9

Mark Twain từng nói: “Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.” Cùng tư tưởng ấy, tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”

Hiểu một cách tường minh, “đi một ngày đàng” có nghãi là đi một ngày trên đường, “học một sàng khôn” có nghĩa là biết thêm được những điều lạ, điều hay, mở mang tầm hiểu biết. Bằng cách nói đơn giản, câu tục ngữ muốn khái quát lên một bài học giàu giá trị: Con người cần phải đi nhiều, bước ra cuộc đời rộng lớn để tự mình trải nghiệm, khám phá mới có thể nâng cao hiểu biết và vốn sống.

Câu tục ngữ giản dị mà đúng đắn. “Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được.” (Helen Keller). Quả thực, trong cuộc sống, ai ai cũng có nhu cầu hiểu biết. Trong muôn hình vạn trạng, trên muôn nẻo đường đời, đâu đâu cũng có cái lạ, cái hay cho ta học hỏi. Chỉ khi tự mình trải nghiệm, tự mình khám phá, con người mới thực sự làm chủ được kiến thức của mình. Càng đi nhiều, chúng ta càng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, làm phong phú thêm vốn sống của bản thân mình. “Chúng ta sinh ra để sống và trải nghiệm cuộc sống” (Jack Ma). Sau mỗi chuyến đi, những khó khăn thử thách sẽ tôi luyện bản lĩnh của con người, tâm hồn trở nên rộng mở hơn, khát khao trở nên cháy bỏng hơn. Trong chuyến đi ấy, có thể ta sẽ mắc phải những sai lầm, những va vấp, những cú ngã đau điếng, nhưng nó sẽ mang lại cho ta những kinh nghiệm quý báu không tiền nào mua được, để chúng ta ngày một “khôn” hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là một tấm gương sáng về sự trải nghiệm, vươn mình ra thế giới để học hỏi những điều tiến bộ. Trong hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, đi đến vô vàn miền đất trên thế giới, đến đâu Bác cũng học hỏi từ họ những điều hay để áp dụng cho đất nước ta trong quá trình giải phóng dân tộc.

“Đi một ngày đàng” cũng là đi trên con đường tìm đến chân lí, tự mình khám phá đúng – sai, như Ajahn Chah từng nói: “Không phải thầy bảo trái cây ngon ngọt là tin ngay mà không cần biết gì nữa. Tự mình nếm thử để biết hương vị thực sự thì mọi nghi ngờ sẽ tiêu tan” Không cần thiết phải đi xa, phải vượt rừng sâu, vượt núi cao, chỉ cần chúng ta sẵn sàng bước ra thế giới, chúng ta sẽ thấy được sự chuyển động không ngừng của thế giới, và sự chuyển động không ngừng của kiến thức. Kiến thức như một đại dương mênh mông vô tận. Cứ đi rồi sẽ đến.

Nhưng thực tế liệu có phải cứ “đi một ngày đàng” là sẽ học được “một sàng khôn”? Có những người thường xuyên đi du lịch ở khắp nơi trên thế giới, nghỉ dưỡng ở những khách sạn cao cấp nhất, nhưng vẫn mãi chỉ là những “trưởng giả học làm sang” với bộ não rỗng tuếch, đi chỉ để khoe khoang, tự mãn. Thực chất, đi là một chuyện, nhưng muốn học được còn cần nhiều yếu tố khác: Chúng ta cần có một ý thức tự học cao, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, biết sàng lọc kiến thức để biết đâu là cái nên học hỏi, đâu là thứ cần đào thải, cần cù tích lũy kiến thức, trăn trở, chiêm nghiệm về hành trình của mình,… bởi “Trải nghiệm còn gì tốt đẹp nếu anh không ngẫm nghĩ về nó?” (Friedrich II).

Trong thời đại phát triển của khoa học công nghệ, Internet phát triển mạnh mẽ, nhiều người dần có thói quen nhìn thế giới qua màn hình máy tính, điện thoại. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn, những kiến thức kì thú thu được từ internet, nhưng chúng ta hãy biết dành thời gian hợp lí để có thể đứng dậy, đặt chiếc điện thoại xuống, bước ra khỏi căn phòng chật chội để đến với sự sống muôn màu muôn vẻ đang diễn ra ngoài kia, để mở rộng hồn mình trải nghiệm những điều chân thực nhất.

Có thể nói, câu tục ngữ ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa đã mang đến cho chúng ta một thông điệp sâu sắc, còn nguyên giá trị với thời gian. Bạn ơi xin hãy nhớ: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.” (Jean Jacques Rousseau).

BÀI LÀM VĂN SỐ 2 BÌNH LUẬN CÂU TỤC NGỮ “ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG HỌC MỘT SÀNG KHÔN”

Người nông dân Việt Nam xưa quanh năm bó mình trong luỹ tre xanh, tầm mắt hạn hẹp, khó mà hiểu hết được mọi điều trong cuộc sống. Vì thế mà trong dân gian, mọi người vẫn thường nói với nhau câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để khẳng định rằng để có thể vững vàng trên đường đời, chúng ta cần học hỏi thêm nhiều từ mọi người, từ cuộc sống xung quanh.

Câu tục ngữ ngắn gọn được chia làm hai vế đúc kết kinh nghiệm vô cùng quý báu của ông cha ta. Vế thứ nhất: “đi một ngày đàng” có nghĩa là đi rất xa, đi ra ngoài xã hội, đi đến những địa điểm khác xa nhà, xa quê, nơi mà ta chưa đến hoặc đã từng một lần ngang qua. Còn ở vế thứ hai: “học một sàng khôn” chỉ kết quả thu được sau những ngày đi xa như thế, là những thành quả mà con người có được ở nơi mới. Như vậy, câu tục ngữ ngắn gọn, hàm súc đã đưa đến một bài học sống sâu sắc: con người phải biết học hỏi từ xung quanh để có những hiểu biết sâu rộng về cuộc đời bởi cuộc sống còn nhiều điều thú vị phía trước chờ chúng ta khám phá.

Quả thực rằng “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu tục ngữ đã nêu lên một kinh nghiệm hoàn toàn đúng đắn. Bởi một trong những cách con người ta mở rộng vốn hiểu biết là ra khỏi, thay đổi môi trường sống của mình để học hỏi, để tăng thêm vốn hiểu biết ở những vùng đất mới. Trong kho tàng ca dao Việt Nam cũng đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ khuyên dạy con người ta về lối sống trên: “Đi một buổi chợ, học một mớ khôn” hay “Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”. Đó là những bài học thấm thía nhắc nhở mỗi người nên đi nhiều để học hỏi, để trải nghiệm.

Cùng với những quá trình mở rộng vốn hiểu biết thì câu tục ngữ còn là một kinh nghiệm đúng đắn bởi việc đi xa đồng nghĩa với những thử thách, khó khăn. Cuộc đời vốn luôn đầy bí ẩn chờ bước chân con người tới khám phá. Đi nhiều, biết nhiều cũng là cách để con người tôi luyện bản thân, đương đầu với khó khăn để tự hoàn thiện mình và khẳng định mình. Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc ta hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, bước chân Người đã rảo bước trên khắp châu Á, châu Âu,… Người tiếp xúc với những công nghệ tân tiến, hiện đại của nước ngoài để trau dồi hiểu biết, để tìm ra con đường cứu nước giúp dân tộc ta thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Hôm nay, trên dải đất hình chữ S này, có biết bao học sinh, sinh viên đã và đang sống xa nhà để tự học, tự sống, tự trải nghiệm. Đi đến với những môi trường mới, mọi thứ đều lạ lẫm, xa lạ, chính bản lĩnh và sự tự tin giúp họ sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống, để có cho mình những trải nghiệm quý báu.

Câu tục ngữ không chỉ đúc rút những kinh nghiệm nghiệm của cha ông ta mà còn là một lời khích lệ, một ước vọng thầm kín được gửi gắm về ước mơ chinh phục thiên nhiên, chinh phục những gì còn là mới mẻ, xa lạ để mở rộng tầm hiểu biết cho mình. Chẳng thế mà ngày nay, có không ít những sinh viên trẻ vừa ra trường, tình nguyện lên những bản làng xa xôi vùng sâu để đem con chữ tới với mọi người, để góp phần vào sự phát triển toàn diện dân tộc. Đi xa chính là để trải nghiệm, học tập, và xây dựng Tổ quốc.

Câu tục ngữ ngắn gọn mà gửi gắm một bài học vô cùng sâu sắc: con người cần phải đi nhiều, học tập từ cuộc sống xung quanh để cho mình những kinh nghiệm quý báu. Nhưng thật đáng buồn khi hôm nay, có một bộ phận thanh niên sống thụ động, ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm xã hội, chỉ bó mình trong bốn bức tường chật hẹp để tự tước đoạt quyền được trải nghiệm của bản thân mình. Hãy cứ tự tin bước trên những cung đường mới bởi cuộc đời là những chuyến đi, đi để tự hoàn thiện chính mình. Tuy nhiên không phải đi xa là đi mãi mãi, đi thật xa là để trở về, trở về với người thân, với bè bạn, trở về để cống hiến cho chính quê hương, đất nước mình bằng những gì ta đã học hỏi được. Có như vậy mới thực sự là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đi nhiều để mở mang kiến thức là một điều vô cùng thực tiễn và ý nghĩa. Câu tục ngữ mãi luôn như một kim chỉ nam hướng con người tới một lối sống đúng, sống đẹp.

Nguồn Internet