Nghị luận câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” giải thích chứng minh lớp 9

Đây thuộc dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí với một câu tục ngữ. Để làm bài này, trước hết cac em cần giải thích ý nghĩa câu tục ngữ, câu tục ngữ đã sử dụng nghệ thuật gì, nội dung của nó là gì (Môi trường sống, các mối quan hệ có tác động sâu sắc, quan trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người). Sau đó, các em cần trình bày nguyên nhân vì sao lại có điều này, đồng thời nêu một vài dẫn chứng ví dụ. Để làm sâu sắc bài viết, các em cần đặt câu hỏi lật ngược vấn đề, liệu có phải lúc nào gần mực cũng đen, gần đèn cũng sáng? Thực tế cũng có không ít người không bị tác động bởi hoàn cảnh, gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã sáng. Cuối cùng, các em rút ra bài học cho bản thân: biết “chọn bạn mà chơi”, chọn môi trường sống phù hợp để phát triển, vượt lên những hoàn cảnh xấu, thậm chí thay đổi nghịch cảnh… Các em cũng có thể liên hệ mở rộng với một số câu ca dao, tục ngữ có cùng nội dung để làm phong phú thêm bài viết của mình. Dưới đây là một số bài văn mẫu nghị luận về câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” các em có thể tham khảo.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ CÂU “GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ SÁNG” LỚP 9

Ca dao, tục ngữ là kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Tục ngữ là nơi đúc kết những kinh nghiệm quý báu của cha ông ta trong lao động sản xuất, trong đấu tranh và trong cả cách đối nhân xử thế. Nhiều thế kỉ đã trôi qua, có thể có những điều đã bị thời gian đào thải và lãng quên, nhưng rất nhiều những câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị. Câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là một trong số đó.

Trong câu tục ngữ này, cha ông ta đã sử dụng thủ pháp đối lập cùng với nghệ thuật ẩn dụ “mực” – “đèn” và “sáng” – “tối”. Đó là biểu tượng cho cái xấu và cái đẹp, cái dở và cái hay, cái tiêu cực và cái tích cực. Câu tục ngữ mang đến cho ta một bài học quý báu: Môi trường sống có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Sống trong một môi trường xấu, tâm hồn con người dễ bị vấy bẩn bởi “mực” và ngược lại, trong một môi trường tốt, nhân cách sẽ được thắp sáng bởi ánh đèn.

Quả đúng như vậy. Con người vốn dễ bị ảnh hưởng bởi những điều xung quanh. Khi ngày ngày tiếp xúc với một điều gì đó, đặc biệt là khi con nhỏ, chúng ta thường có xu hướng bắt chước và làm theo, lâu dần thành thói quen và cuối cùng hình thành nên tính cách. Sống trong một khu ổ chuột đời sống lạc hậu, nạn trộm cắp, bạo hành thường xuyên diễn ra, thật khó để có thể giữ được bản tính lương thiện. Trái lại, sống trong một khu dân cư chan hòa, lớn lên trong một gia đình hạnh phúc có bố mẹ hòa thuận, thương yêu, đứa trẻ có khả năng cao sẽ trở thành một người tốt đẹp.

Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, vốn là anh nông dân hiền lành, chất phác bị Bá Kiến vì ghen tuông mà bắt đi ở tù. Trở về từ nhà tù thực dân, hắn đã trở thành con quỷ dữ ở làng Vũ Đại. Chính xã hội phong kiến thối nát, nhà tù thực dân đã đày đọa, làm biến đổi cả nhân hình lẫn nhân tính của một con người. Truyện cổ Trung Hoa cũng có chuyện bà mẹ của Mạnh Tử dời nhà nhiều lần; lần sau cùng bà chuyển đến trường học. Bấy giờ Mạnh tử mới được tiếp xúc với một môi trường lành mạnh của giáo dục và trở nên siêng năng ngoan ngoãn. Thế mới thấy được sức ảnh hưởng của môi trường sống lên con người lớn đến nhường nào!

Trong dân gian cũng có không ít những câu tục ngữ tương tự khẳng định nội dung này: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, “Ở gần nhà giàu mỏi răng ăn cốm,/ Sống gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn”, “Thói thường gần mực thì đen/ Anh em bạn hữu phải nên chọn người”, …. Tất cả cho thấy một kinh nghiệm sống quý báu về mối quan hệ giữa môi trường sống và tâm hồn con người.

Tuy nhiên, có phải cứ gần mực thì sẽ đen, gần đèn thì sẽ sáng? Không phải lúc nào cũng vậy! Có không ít trường hợp gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Yếu tố môi trường là quan trọng, nhưng lúc nào cũng thế, con người vẫn luôn là yếu tố quyết định. Đen hay sáng còn phụ thuộc vào chính bản lĩnh của chúng ta. Gần mực chưa chắc đã đen nếu ta biết cẩn thận. Lại có khi, gần đèn chưa chắc đã rạng nếu ta cố tình ngồi khuất. Như đóa hoa sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng, từ bùn hôi tanh vẫn tỏa ngát mùi hương:

  • “Trong đầm gì đẹp bằng sen
  • Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
  • Nhị vàng bông trắng lá xanh
  • Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Lại có những kẻ, được sống trong cuộc sống tốt đẹp, giữa môi trường thân thiện, họ vẫn biến chất, thoái hóa, vẫn hư hỏng, sống ăn chơi sa đọa trên những đồng tiền bất lương. Những kẻ ấy chính là những con sâu làm chậm sự phát triển của xã hội, là thứ ung nhọt của xã hội mà chúng ta có nhiệm vụ phải loại trừ.

Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vẫn luôn là một bài học quý giá cho con người ở mọi thời đại. Nó nhắc nhở chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi, biết chọn lựa một môi trường sống phù hợp với bản thân để phát triển toàn diện. Trong trường hợp may mắn được sống trong một môi trường tốt, cần biết nắm bắt và tiếp thu những tinh túy của xã hội, ngược lại, nếu sống trong một môi trường thiếu lành mạnh, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc đời, tâm hồn mình nếu ta đủ bản lĩnh, thậm chí chính chúng ta sẽ là người cải tạo môi trường.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ CÂU “GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ SÁNG”

Những câu ca dao, tục ngữ từ ngàn đời nay, dẫu có trải qua bao nhiêu thời gian, biến cố vẫn khẳng định được giá trị và ý nghĩa của nó. Đó chính là những “túi khôn dân gian”, những đúc kết, nhắc nhở về những giá trị, thói quen sống để ta sống đẹp hơn. Trong đó, một trong những câu ý nghĩa và quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người chính là câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ý câu được đúc kết qua những sự thật hiển nhiên trong cuộc sống:  ở gần những nơi tối, đen như mực tất sẽ bị vấy cái đen vào mình còn ở những nơi có đèn soi thì sẽ được hưởng ánh sáng của đèn, được soi sáng. Những cái “mực, đèn” chính là ẩn dụ cho những môi trường sống đối lập: môi trường xấu, không được giáo dục và nơi có được sự dạy dỗ, có những tấm gương tốt. Tùy môi trường đó sẽ ảnh hưởng khác nhau đến mỗi người: con người dễ bị cái xấu lôi kéo mà biến đổi xấu đi, con những người sống trong môi trường tốt lại được tu dưỡng và phát triển. Như vậy, chính hoàn cảnh sống sẽ quyết định đến tương lai và cuộc đời mỗi người.

Mỗi chúng ta đều đang sống trong môi trường tập thể, là một phần của xã hội. Nếu tách ra khỏi cộng đồng, con người khó mà có thể tồn tại và phát triển được. Một sinh vật sẽ tự sinh tự diệt nếu nằm ngoài hệ sinh thái với những chuỗi thức ăn tự nhiên. Con người sẽ sớm chết mòn ở một nơi dù có điều kiện đầy đủ nhưng không có lấy một người nào nữa trong môi trường đó. Và dù có thế nào, chúng ta cũng không tách khỏi môi trường sống của mình. Chính nó sẽ quyết định đến chúng ta.

“Gần mực” thì sẽ “đen”. Sống trong một môi trường không đầy đủ những điều kiện vật chất, thiếu thốn về tình cảm hay sự giáo dục sẽ làm nhân lên một hạt mầm “bệnh”. Không đó điều kiện sống tối thiểu thì sao con người đáp ứng được những yêu cầu cơ bản để phát triển. Một môi trường đói nghèo, điều kiện kinh tế thấp, thêm những khó khăn về vệ sinh, giáo dục, … chính là nguyên nhân khiến cho trẻ em ở vùng Châu Phi bị suy dinh dưỡng, thấp còi, trình độ học vấn rất thấp. Những điều kiện ấy càng làm tăng lên những nguy cơ về tệ nạn xã hội: trộm cắp, buôn người hay bóc lột sức lao động ở trẻ nhỏ. Bởi lẽ, “đói thì ăn vụng, túng thì làm liều”, con người lại không được giáo dục, dễ bị dụ dỗ mà có những hành động không thể tự chịu trách nhiệm. Theo khảo sát, tại nước ta, số tội phạm tuổi vị thành niên ngày càng cao, chủ yếu là ở những gia đình không được quan tâm, bỏ học hay bố mẹ có chuyện xích mích về tình cảm. Tuổi trẻ cũng là tuổi dễ nông nổi và bị ảnh hưởng bởi bên ngoài nhiều nhất. Những trào lưu: sống ảo, sống vô phép tắc hay tự tử tập thể, … cũng đang làm xói mòn nhân cách của giới trẻ ngày nay.

Ngược lại, “gần đèn” sẽ “sáng”. Sống trong một môi trường có điều kiện phát triển tốt, có sự quan tâm va giáo dục từ nhỏ sẽ hình thành cho con người ý thức làm theo những điều đó. Nếu đưa một loài cây ra ánh sáng, ngọn của nó luôn hướng tới ánh sáng và cách bộ phận cũng phát triển hơn so với chiếc cây còm cõi, thân lá uể oải tứ phía trong bóng tối. Khi được bố mẹ giáo dục ngay từ nhỏ, trẻ em sẽ có những hành động và suy nghĩ tích cực, đôi khi là vô thức, do thói quen lâu ngày tạo nên. Sống trong môi trường tốt, có trường học, Mạnh Tử đã trở thành một người có học thức và biết tự rèn đạo đức cho mình. Câu chuyện chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc môi trường sống sẽ quyết định đến thái độ, hành động và mức độ hạnh phúc con người có sau này. Những quốc gia có chính sách giáo dục hợp lí, kinh tế phát triển như Hà Lan, Singapore, … luôn có mức thu nhập, chỉ số hạnh phúc cao hơn những nơi vẫn còn xảy ra chiến tranh, bạo lực như những nơi Trung Đông.

Nhưng không có nghĩa là sống trong hoàn cảnh nào, chắc chắn bạn sẽ trở thành người như thế. Trong đói khổ, mất mát, mù chữ nhưng con người Việt Nam vẫn có thể đứng lên, nghị lực, quyết tâm giành lại độc lập và tự do. Đôi khi chính những hoàn cảnh khó khăn, đen tối lại là động lực để cho con người cố gắng, khai phá hết những khả năng tiềm ẩn bên trong. Lại có những người dẫu sống trong điều kiện đầy đủ nhưng lại sinh hư hỏng, hay đòi hỏi và không biết sẻ chia, yêu thương. Sau tất cả, ý chí và nhận thức của con người mới là yếu tố quyết định. Những điều khác chỉ có thể ảnh hưởng, biến đổi khi ta đồng ý. Ta không được chọn nơi sinh ra, nhưng được quyết định cách mình sẽ sống. Bạn có thể làm chiếc điều hòa, thay đổi không khí xung quanh để phù hợp với chính mình mà.

“Khi quả trứng vỡ bởi một lực bên ngoài, cuộc sống chấm hết. Nhưng khi nó vỡ bởi nội lực bên trong,  đó là khi cuộc sống bắt đầu”. Hoàn cảnh sống quan trọng nhưng không phải là tất cả, không ai chịu trách nhiệm với cuộc đời bạn thay bạn được đâu.

Nguồn Internet