Một ngày làm con trai của ba mẹ

“ Tao đã nói với mày biết bao nhiêu lần rồi. Mày thích cãi lời tao lắm phải không ? ”

Đó là những lời mắng chửi gần như là thường xuyên tôi nghe được từ sáng tới tối phát ra từ nhà hàng xóm bên cạnh. Đôi vợ chồng người Quảng Ngãi vào Bình Định làm ăn sinh sống, người chồng còn là giáo viên hẳn hoi. Tuy nhiên – trái ngược với sự kỳ vọng thông thường, người đàn ông này luôn hằn học với đứa con trai cả. Chị vợ có lần than thở với chị gái tôi rằng : “ Chả biết sao càng lớn nó càng lì. Nói mà mặt nó cứ trơ trơ ra. Không bao giờ biết nghe lời cha mẹ. ”

Nhưng những lời mà cha mẹ nói với cậu bé ở độ tuổi mới lớn đó lại là như sau :

“ Con nhà người ta đi học về là lo ở nhà học bài, làm công việc nhà cho cha mẹ. Mày thì suốt ngày chỉ nghĩ tới chuyện chơi. ” ( Tôi thấy cậu bé còn biết đánh đàn ghita )

“ Con cái gì mà quá đáng. Mày … như thế này… Mày… như thế kia…”

Và còn hàng tỉ tỉ những lời nói khác. Chị tôi bảo một ngày thằng cha đó ( ám chỉ ông giáo viên khắt khe, khó chịu ) mà không chửi thằng Hải – đứa con trai lớn thì ngày đó ổng ăn không ngon, ngủ không yên. Không chửi sáng thì chửi tối, không chửi tối thì chửi sáng. Có khi mười một giờ đêm về đến nhà, vẫn lôi thằng nhỏ ra giáo dục.

Ấy vậy mà lại rủ rỉ tâm sự với thằng con trai út rằng : “ Chúc ơi Chúc, ba thương con nhất trên đời con có biết không ? ”. Chị vợ đi làm thì thôi, về đến nhà là cưng nựng thằng con trai út. Cũng luôn miệng gọi kêu : “ Chúc ơi, Chúc !! Ui chui cha…” rồi chị cười hớn hở. Thằng cu này chỉ cần kêu mệt một tí thôi là dồn dập lo lắng.

Một nhà có từng ấy người sống với nhau, mà người lớn đã dồn hết tình yêu thương cho đứa nhỏ. Còn cậu bé mới lớn kia – để đâu ?

Tôi chưa bao giờ thấy đôi vợ chồng đó nhẹ nhàng, cười đùa với đứa con trai lớn

Tôi cũng chưa bao giờ thấy họ nói với cậu rằng : “ Hải ơi Hải, ba mẹ thương con nhất trên đời. ”

Tôi cũng chưa bao giờ thấy cậu bé Hải ấy tỏ thái độ bất mãn, khóc lóc hay thể hiện sự phẫn nộ.

Nhưng tôi và họ chắc gì đã thấy được Hải có bị tổn thương … ?

PHƯƠNG THỤ