Một bản tính xấu cần loại bỏ

Bạn có mâu thuẫn với một người đồng nghiệp, hay thậm chí là sếp và hậu quả là bạn bị ảnh hưởng công việc, thậm chí là bị sa thải. Đó chính là tư thù cá nhân.

Bạn căm ghét người ta, và nếu không tìm mọi cách hạ bệ người ta, bạn sẽ rủa thầm họ cho tới khi nào họ gặp chuyện không hay. Đó chính là tư thù cá nhân.

Như vậy, dù là người hại hay bị hại, bạn đều có thể dễ dàng nảy sinh sự căm tức với một người dù vô tình hay cố ý. Và từ đó sẽ dẫn đến tâm lý muốn người khác phải thất bại, đau khổ hoặc ít nhất là buồn bã, khó chịu.

Khi còn nhỏ đi học, bạn bị một học sinh trong lớp nói ra khuyết điểm của bạn. Cô giáo la mắng bạn, phạt bạn. Bạn vừa xấu hổ vì bị bẽ mặt, vừa “ghi thù tạc dạ” học sinh kia. Có thể tới giờ ra chơi, ra về bạn trả đũa người bạn đó. Hoặc chờ cơ hội tới khi bạn kia mắc lỗi lầm gì, bạn lập tức tới nhà mách phụ huynh hoặc nói với cô giáo, để cô giáo cũng phạt bạn đó y như đã từng phạt với bạn, thậm chí có thể nặng hơn.

Vậy là từ lúc còn nhỏ, khi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức, chúng ta rất sễ nảy sinh tâm lý thù ghét theo bản năng. Lúc đó, chỉ là như vậy. Bởi vì những suy nghĩ, hành động của chúng ta được điều khiển theo phản xạ tự nhiên của não bộ, rằng  “Mày làm hại tao, chơi xấu tao. Tao ghét mày. Mày cũng phải gặp chuyện như tao, tao mới hả dạ được !”.

Một đứa con nít tuổi đang lớn, thì làm sao phân biệt được đúng – sai. Càng không thể tự suy xét lại bản thân xem mình có thật sự đúng hay sai khi làm như vậy ?. Nếu không thể phân biệt được, chắc chắn ta phải tìm đến chỗ dựa lớn nhất của chúng ta lúc bấy giờ là – Ba Mẹ ; hoặc là anh/ chị em hay bất cứ một ai thân thiết, quen thuộc mà chúng ta tin tưởng.

Như vậy, nếu có một nền tảng tốt, ba mẹ không thiên vị, anh/ chị không bênh vực những hành động phi lí, sai trái của ta, hay không bảo ta cố gắng chờ đợi cơ hội để “báo thù” thì chắc chắn cái gọi là Tư thù cá nhân sẽ không tồn tại, hoặc nếu có cũng sẽ giảm hẳn mức độ nặng nề đi.

Tôi biết có một số gia đình thường hay dạy con cái kiểu như vầy : Khi chưa biết sự thật đúng hay sai, thấy con mình khóc lóc chạy về mách lại để cha mẹ tới xử, thì những ông bố / bà mẹ ( mà tôi thấy thường là phụ nữ nhiều hơn. Họ thường sống cảm tính hơn đàn ông ) lập tức tới tìm nhà đứa trẻ kia để đôi co qua lại, khăng khăng cho rằng con mình là đúng. Nếu thắng thì không sao, vì mặc định con mình không bao giờ làm gì sai cả.  Nếu thua thì ghim trong bụng đó. Hoặc chính những bậc phụ huynh cũng không vừa ý nhau. Khi thấy nhà này có cái gì mới, hay, đẹp thì sự ghen ghét đố kị sẽ trỗi dậy, nếu không nói xấu với nhà khác thì cũng chờ cơ hội gia đình kia có chuyện gì là lập tức nhảy xổ ra cho một trận.

Chính vì vậy, những đứa trẻ cứ nhìn vào cha mẹ chúng mà noi theo. Vì lúc đó, cha mẹ chính là những con người đúng đắn nhất, lí tưởng nhất trong mắt bọn trẻ. Giai đoạn thiếu nhi chính là giai đoạn lòng tin của con người đạt mức tối đa mà. Thậm chí, có bố mẹ còn nhồi nhét vào đầu con cái kiểu “Con nhỏ đó có gì mà ngon. Con hơn nó là cái chắc”,  “lần sau nhất định phải cho thằng đó một bài học”.  Như vậy thì, khi lớn lên, trưởng thành và đi làm, việc thù ghét người khác và làm ra những chuyện gọi là nói xấu, đâm lén sau lưng hay chia bè kết phái nhằm chia rẽ, cô lập chẳng có gì khó cả. Dù khi đó, chúng ta thừa biết việc chúng ta làm là sai, nhưng tâm lí đố kị, ghen ghét và ích kỉ – cái tôi cá nhân đã được ăn sâu vào máu và được “tôi luyện” từ những ngày còn nhỏ rồi.

Xin kể một số ví dụ trong cuộc sống :

1. Tôi có một người bạn làm trong quán café nhỏ, cô ấy giữ vị trí trợ lý giám sát, nghĩa là thay mặt giám sát làm việc trực tiếp với nhân viên và điều hành quán mọi mặt. Có lẽ do mới làm lần đầu nên không có kinh nghiệm, cộng thêm tính cô ấy rất thật thà và nguyên tắc, hay nhắc nhở nhân viên. Vậy là cô ấy không được lòng nhân viên và dần dần bị các đồng nghiệp xa lánh. Có một lần, một nhân viên đã có sơ sót nhỏ, cô ấy bực mình bạn đó sẵn tiện buột miệng phê bình. Bạn đó được người bạn thân cùng làm chung nói lại, thế là xảy ra cự cãi. Hôm sau bạn đó vẫn còn cạnh khóe cô ấy, các bạn nhân viên khác chỉ nghe bạn đó kể lại này nọ, còn cô trợ lý kia thì không nói gì. Thay vì tìm cách hàn gắn, trong mỗi cuộc họp, cô trợ lý thường bị nêu tên đầu tiên, bị nhân viên cùng xúm vào phê bình. Vì quá áp lực và cảm thấy bị đào thải khỏi tập thể, cô ấy đã xin nghỉ việc.

2. Có một cô cũng làm phục vụ trong một quán trà sữa. Cô làm khá tốt nhưng bản tính hơi nóng nảy và không kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Trong một lần vô tình phản ứng với một đám con nít lộn xộn trong quán, cô ấy bị một bạn nhân viên làm ca sáng đến uống nước thấy được. Tất nhiên là chủ quán đã được “em kể cho nghe”. Vì cô này đã làm lâu và cũng chưa phạm lỗi lần nào nên chủ quán chỉ theo dõi. Cho đến một hôm, vì mâu thuẫn với một đồng nghiệp cùng ca tối với cô, cô bực mình khó chịu nên bày tỏ sự uất ức, tức giận trên mạng xã hội. Đồng nghiệp kia đọc được, nên nhắn tin hỏi nguyên do và trách móc cô đó. Nhưng nói một hồi thì cũng giải tỏa xong hiểu lầm. Vậy là cô ấy thật thà, tưởng là đã giải quyết được mâu thuẫn, bèn giãi bày hết tâm sự, nỗi lòng của cô ấy về chuyện công việc, cả tương lai bấp bênh của cô ấy. Nhưng không nhờ, dòng kể lể, trút bỏ nỗi lòng kia cũng được chủ quán đã thấy. Vì bạn kia trước khi nhắn tin hỏi cô ấy thì đã hỏi chủ quán trước rồi, và cũng đưa đoạn chat của hai người cho chủ quán xem rồi. Và kết quả cuối cùng là cô ấy bị đuổi việc chỉ vì  “ Nếu như em muốn tìm công việc nào đó tốt hơn thì em cứ nghỉ. Anh không chấp nhận em là nhân viên của anh kể từ ngày hôm nay nữa”.

3. Một bạn admin fanclub Việt Nam về một diễn viên nổi tiếng ở nước ngoài chỉ vì hành động không có trách nhiệm với việc làm của mình, hành xử kiểu nông nổi, trẻ con, không tôn trọng người khác đã bị một member của fanclub phê bình, chỉ trích khá nặng và block fb bạn admin đó. Admin tức giận block bạn khỏi fanpage, chỉ vì bạn ấy dám chửi Admin.. Bạn ấy cũng đã giải thích với một admin khác là bạn ấy chỉ tức hành động không ra gì của admin kia nên có nặng lời đôi chút và cũng chỉ là chỉ trích chứ không có xúc phạm admin đó hay công kích những người còn lại. Việc mắng admin cũng chả làm ảnh hưởng đến uy tín hay danh tiếng của page. Admin không biết là có thừa nhận mình sai hay không mà vì cái tôi cá nhân sẵn sàng làm chuyện vô lí lần nữa kick bạn ấy ra khỏi page. Những người quản trị nhóm còn lại cũng bàng quan, thờ ơ không phê bình admin kia huống chi là bênh vực mem đúng. Vậy là bạn ấy phải bỏ luôn cả page, cả group… của fanclub đó chỉ vì cách hành xử rất đáng chê trách của một bạn đứng đầu nhóm.

4. Một vị Giám đốc bệnh viện nổi tiếng công bằng, liêm minh đến gần thời điểm mình về hưu mới định đưa con gái út đã tốt nghiệp Đại học Y Huế vào làm việc với tư cách là một bác sĩ bình thường như bao người khác, chứ không phải là một chức vị cao to gì cho cam. Nhưng vị Phó Giám đốc sắp kế nhiệm đã tuyên bố không nhận người. Chỉ vì trong quá trình làm việc, Phó Giám đốc rất căm ghét Giám đốc từ những mâu thuẫn cá nhân.

Cho nên, dù bạn có làm gì đúng, bạn có địa vị xã hội hay không, bạn cũng sẽ rất dễ trở thành đối tượng của Tư thù cá nhân hoặc chính là người có điều đó. Nó bắt nguồn từ nền tảng gia đình là một chuyện, trên hết còn là sự ích kỉ luôn tồn tại trong mỗi con người. Tâm lý đề cao cái tôi đúng đắn và sự thỏa mãn vui sướng hả hê khi trừng phạt được người khác đã khiến từ những sự bực tức, khó chịu nhỏ nhặt trở thành tư thù cá nhân lúc nào không biết. Bạn thà để người khác bị dày vò còn hơn chính mình bị dày vò, phải chịu ấm ức, không thoải mái. Mỗi một người nếu cứ thù hằn ghét bỏ nhau như vậy, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Rất nhiều vụ đâm chém trọng thương, giết người hay những oan khuất không thể giải chỉ vì từ mâu thuẫn cá nhân dẫn đến cả một sự thù hằn, căm giận. Nhẹ thì làm tổn thương tinh thần vật chất của người khác, nặng thì có thể mất mạng luôn của một con người.

Vậy nên, nếu như bỏ qua hằn thù mà khiến cuộc sống dễ chịu hơn,  vậy tại sao chúng ta không cố gắng thử một lần vị tha ?

PHƯƠNG THỤ