Kể về cuộc gặp gỡ với người lái xe tiểu đội xe không kính – Bài viết số 3 lớp 9 đề 2 hay nhất

Trong quãng thời gian học lớp 9, phần văn học thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã để lại trong em nhiều ấn tượng khó phai về một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, em rất ấn tượng với sức mạnh và tinh thần kháng chiến sôi nổi của các chiến sĩ trong tiểu đội xe không kính – được tái hiện hết sức sống động trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Em ước mơ kim đồng hồ thời gian quay ngược về quá khứ, để em có thể chứng kiến và trải nghiệm những gì mà các chiến sĩ đã trải qua, đồng thời có thể hiểu sâu sắc tinh thần kháng chiến sục sôi trong  tâm can của người chiến sĩ lúc bấy giờ.

Một lần trong giấc ngủ, em chợt thấy mình được trở về quá khứ, về lại trên cung đường Trường Sơn khói lửa và ngồi bên cạnh buồng lái của anh chiến sĩ lái xe không kính thuở nào. Đó là một buổi gặp gỡ đầy thú vị mà em luôn giữ trong tâm trí của bản thân mình.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ CUỘC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI LÁI XE TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

Tối hôm ấy, ngồi bên bàn học, tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ đầy ánh sao đêm và nghĩ ngợi về bài giảng mà cô Vân- giáo viên dạy văn giảng cho tôi hồi sáng. Từ nhỏ, tôi đã được ông cho nghe về những ngày ông còn trong quân ngũ đã phải chiến đấu anh dũng thế nào, phải chịu khó khăn gian khổ ra sao nhưng cho đến hôm nay, khi nghe cô say mê giảng về “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” tôi mới thật sự thấu rõ và nể phục những gì mà người chiến sĩ Việt Nam đã làm được trong thời chiến. Bản thân tôi mong muốn được một lần gặp gỡ những anh lính trẻ tuổi ấy – những người đẹp nhất, dũng cảm nhất, hào hoa mà cũng hào hùng nhất trong lòng mỗi thế hệ trẻ chúng tôi. Mải nghĩ ngợi, tôi chợt gục bên bàn học và ngủ lúc nào không biết, trong đầu vẫn lanh lảnh tiếng thơ của thời hoa đỏ hào hùng:

  • “Những chiếc xe từ trong bom rơi
  •  Đã về đây họp thành tiểu đội
  •  Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
  •  Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi…”

Trong mơ, tôi thấy mình đang quay ngược trở về quá khứ, vượt qua những gì mờ nhạt nhất của tuổi thơ rồi cuối cùng hạ cánh xuống mốc thời gian năm 1969. Kì diệu quá, cứ như tôi vừa bước ra từ cỗ máy thời gian vậy! Thật lạ là tôi đang ngồi bên buồng lái của một chiếc xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn! Chiếc xe này không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe cũng đầy vết xây xước vì bom đạn kẻ thù. Ồ, sao nó giống với chiếc xe mà sáng nay cô Vân tả thế nhỉ? Thấy tôi ngơ ngác, anh lính lái xe ngồi bên cạnh vỗ vào vai tôi:

  • Này đồng chí nhỏ, sao mặt lại ngơ ngác thế chứ nhỉ?
  • Ơ, chú ơi, đây là đâu thế ạ?
  • Đang trên đường ra chiến trường chứ đâu nữa. Đường lắm ổ gà ổ trâu quá, đi qua mà xe cứ rung hết cả lên!

Vậy là tôi đang trên chiếc xe vận tải không kính mà văn học đã nhắc đến hay sao? Tôi reo lên. Người lính kia chính là người có phong thái ung dung không nề hà cái chết, luôn luôn lạc quan yêu đời dù trong mưa bom bão đạn mà tôi vẫn thường ngưỡng mộ kia sao? Rụt rè một chút, tôi ngồi ngay ngắn lại và dò xét mọi thứ xung quanh. Tôi đang đi trên một cung đường nằm vắt ngang qua cánh rừng bạt ngàn cây cối, cái con đường ngoằn ngoèo đầy những lỗ hổng, những ổ gà, ổ trâu mà chỉ có người nào vững tay lái mới có thể giữ cho xe không bị lật. Ngừoi lính ngồi cạnh tôi đang huýt sáo. Trông anh còn rất trẻ, chỉ khoảng mười tám đôi mươi nhưng cánh tay gân guốc đầy khỏe mạnh đang nắm chắc vô lăng đưa đoàn xe qua cung đường đầy gian khổ. Chiếc xe kia quả thực không kính, mui xe cũng hỏng hóc, nó còn đi được tôi cho cũng là kì diệu lắm rồi…

  • Anh lái xe vận tải như này lâu chưa?
  • Cũng được 2 năm rồi. Hai năm vượt qua mưa bom bão đạn bọn Mỹ, kể cũng nhanh thật!

Anh kể cho tôi nghe về những lần đi chuyển hang từ miền Bắc vào chiến trường. Rời khỏi ghế nhà trường, anh cùng bạn bè đồng trang lứa lập tức tình nguyện vào chiến đấu, để lại sau lưng nhà cửa, mẹ già và cả một mối tình áo trắng đầy mơ mộng… Huyền thoại xe không kính anh đã nghe tới rồi, nhưng trực tiếp được lái một chiếc xe như thế anh thấy cũng là một cái duyên…

  • Nếu như hồi đấy ở lại Hà Nội, chắc mình cũng chẳng bao giờ hiểu được cảm giác thằng Mỹ đang dội bom xuống dưới, còn mình thì cứ cắm đầu xuống mà lao qua. Mặc kệ chứ! Mình chết thì còn bao nhiêu anh em đằng sau vượt lên cơ mà. Mình chả sợ, chờ được đến ngày chiến thắng là vui lắm rồi!

Anh kể cho tôi nghe về những chiếc xe… Ban đầu nó cũng đầy đủ tư trang vật liệu, rồi cuối cùng qua bao tháng năm, hôm nay vỡ một ô cửa sổ, ngày mai mất luôn một cái đèn, đến hôm sau mất luôn cái mui xe, thùng xe cứ đi qua là đầy vết xước mà cuối cùng nó trở thành chiếc xe không kính. Cơ mà cũng hay: Không kính nên gió mát cứ lùa vào khoang xe, nhièu lúc cay hết cả mắt mà vẫn thấy mình được hòa hợp với thiên nhiên đên lạ! Rồi đến mưa rừng, tuôn xối xả vào mặt, vào thân, to bằng mấy vạn cơn mưa rào của Hà Nội nhé, nhưng không sao, cứ để mặc thế lái vài trăm cây số nữa, quần áo cũng khô nhanh thôi…

  • Đi đường rừng nhiều bụi, nhiều lúc tóc tai trắng xóa vì bụi đường trông giống mấy ông cụ thế không biết. Nhưng già thêm tí cũng hay, mấy thằng nhìn nhau cười mà quên hết đi mệt nhọc…
  • Lái xe xa thế anh có nhớ nhà không?
  • Nhớ chứ, nhớ cả Hà Nội nữa… Nhưng biết sao được, chừng nào kháng chiến chưa thành công, chừng ấy vẫn chưa thể về với Hà Nội được. Mà ở đây cũng vui. Anh em trong tiểu đội thương nhau lắm, có nắm cơm cũng chia cho nhau ăn, cùng nhau ngồi bên bếp Hoàng Cầm mà thổi lửa thì đúng như một gia đình.

Tôi đưa mắt nhìn ra đằng sau xe. Chiếc võng Trường Sơn màu xanh lá, chiếc võng huyền thoại đã đi vào thơ ca, câu hát như một kỉ vật của chiến tranh:

  •               “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
  •                 Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
  •                Đường ra trận mùa này đẹp lắm
  •               Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.”

Tôi nhìn về phía anh lính lái xe mà mắt rơm rớm. Đường đi gập ghềnh khúc khuỷu, mưa bom bão đạn dội xuống trước mắt, nỗi cô đơn khi anh phải rời xa gia đình và những gì gắn bó thân thương nhất để vào chiến đấu cho lí tưởng cao đẹp nhất của mình. Quả thực trong chiến tranh, thứ mà con người ta cần nhất, không phải là những vũ khí hiện đại tối tân, mà là một bản lĩnh, một ý chí vượt qua mọi thử thách. Điều đó đã lí giải vì sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã đánh bại được một trong những kẻ thù mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

  • Tiểu đồng chí nói xem, đến bao giờ nước ta mới độc lập? – Anh hỏi tôi.
  • Có thể là 20 năm nữa, cũng có thể lâu hơn… Nhưng anh ơi, em tin chắc rằng dân tộc ta sẽ được độc lập, đất nước ta sẽ lại được tự do, đồng bào ta sẽ không còn phải khốn khổ nữa, vì nhân dân đã có những người lính như anh…- Tôi chợt òa khóc, khóc vì cảm phục, khóc vì nhìn thấy người lính ấy vẫn cười tươi ngay khi ranh giới sinh tử còn rất mong manh.

“Đoàng….” Tiếng bom dội phía trước khiến tay lái anh hơi lệch đi một chút. Anh cố định thần, khéo léo đưa chiếc xe qua những hố bom, cố gọi tôi: “Em ngồi yên, chỉ còn chút nữa…”

Tôi bừng tỉnh dậy. Hóa ra nãy giờ là tôi đang mơ. Tôi đã mơ về anh lính trong tiểu đội xe không kính ấy, với vẹn nguyên những cảm xúc nể phục và đầy tự hào. Dù chỉ là trong mơ, nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được những khó khăn mà bộ đội ta đã từng trải qua, cũng như tinh thần chiến đấu mà họ đem tới. Tôi chợt nhận ra hòa bình là món quà vô giá mà các thế hệ đi trước đã phải khó khăn biết mấy mới có thể đem lại cho chúng tôi, và nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng tôi là pải làm sao để gìn giữ được nền độc lập mà ông cha ta để lại.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ CUỘC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI LÁI XE TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

Trong bài giảng văn trên lớp buổi sáng, chúng tôi được học “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ chiến sĩ Phạm Tiến Duật. Buổi tối, khi ngồi học bài khuya, tôi ngủ thiếp đi trên bàn học. Trong giấc mơ, tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe của tiểu đội xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong mơ, tôi thấy mình lạc vào khung cảnh núi rừng hoang vu, hùng vĩ với những dãy núi chập chùng, những tán cây cổ thụ rậm rạp và cao vút. Phía trước mặt tôi là con đường đất đỏ trải dài tít tắp. Lòng đường khá rộng, đây đó còn xót lại dấu tích của một vài hố bom sâu hoắm. Tôi nhận ra đây chính là dãy núi Trường Sơn với con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là con đường huyết mạch mà quân ta dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí, quân trang, quân phục chi viện cho chiến trường miền Nam. Vũng bởi đây là một tuyến đường vô cùng quan trọng nên kẻ thù liên tiếp cho bom đoạn cày xới hòng chặt đứat con đường huyết mạch ấy.

Đang đứng bên lề đường, tôi chợt nhìn thấy đoàn xe đang ầm ầm tiến đến. Nhìn thấy tôi đứng bên đường, một chiếc xe trong số đám xe dừng lại. Từ trên xe bước xuống một chiến sĩ trong bộ quân phục màu xanh lá, chiếc mũ cối nghiêm trang trên đầu, gương mặt trẻ trung, ánh lên nét tinh anh và quả cảm. Ánh mắt anh chiến sĩ sáng ngời như sao sa, toát lên một sự thân thiện và hóm hỉnh. Nụ cười tươi tắn trông thật hồn nhiên. Anh chiến sĩ bước tới, nở nụ cười và cất giọng hỏi tôi:

-Em đi đâu mà lại lạc đến khu rừng này?

Tôi trả lời:

-Em cũng không biết nữa. Anh có thể cho em đi nhờ được không?

Anh chiến sĩ mỉm cười và gật đầu:

-Em lên xe đi!

Tôi trèo lên xe cùng với anh. Và lúc này tôi mới nhận ra là cabin của anh không có kính. Tôi hỏi:

-Anh ơi! Tại sao chiếc xe này lại không có kính?

Anh chiến sĩ cười hóm hỉnh giải thích:

-Ban đầu chiếc xe này cũng giống như những chiếc xe khác, đều được lắp kính. Nhưng sau nhiều lần trở hàng ra tiền tuyến, bom đạn của giặc Mỹ đã làm cho kính vỡ mất rồi em ạ!

Lời giải thích ngắn gọn và gương mặt bình thản của anh chiến sĩ khiến tôi hiểu được bao điều: “Chiến trường thật ác liệt và những người lính lái xe như anh đã phải đối mặt với bao hiểm nguy.” Tôi nhìn anh rồi lại hỏi:

-Ngồi trên chiếc xe không kính, chắc anh gặp rất nhiều khó khăn phải không ạ?

Anh gật đầu:

-Đúng đây em nhỏ ạ! Những ngày nắng thì bụi mù mịt, bụi phun vào cabin làm gương mặt lấm lem, mái tóc đen nhánh của tụi anh bỗng chốc biến thành những mái đầu hoa râm của những cụ già lớn tuổi. Ngày mưa thì càng khắc nghiệt. Có khi mưa tuôn, mưa xối ngay vào mặt. Mưa hắt vào trong xe khiến cho quần áo các anh ướt sạch cả. Nhưng chẳng hề gì đâu em, đối với các anh thì điều đó chẳng đáng bận tâm.

Ngắm nhìn gương mặt vô tư, nụ cười hồn nhiên và dáng ngồi ung dung của anh chiến sĩ, tôi vô cùng cảm phục. Anh kể về những khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính với một giọng điệu nhẹ nhõm, thản nhiên như đang kể một câu chuyện vui. Anh nói tiếp, giọng thủ thỉ như tâm sự:

-Nhiều khi xe không có kính mà lại thú vị đấy em ạ! Thiên nhiên trở nên gần gũi với mình hơn. Vui nhất là những lúc bọn anh được gặp nhau. Chẳng cần mở cửa xe, chỉ cần đưa tay qua cửa kính đã vỡ là có thể bắt tay nhau được rồi.

Tôi hỏi anh:

-Vậy các anh có hay được gặp gỡ đồng đội của mình không ạ?

Anh chiến sĩ gật đầu:

-Cũng ít thôi em ạ. Bởi vì tiểu đội anh thường xuyên phải chở hàng ra tiền tuyến, bất kể ngày hay đem. Chính vì vậy mà những giây phút ấy rất có ý nghĩa đối với tụi anh. Đi kháng chiến xa nhà, xa gia đình, chỉ có những người đồng chí đồng đội luôn kề vai sát cánh cùng nhau, cùng nhau vào sinh ra tử. Những chặng đường nghỉ chân gặp nhau thì chung nhau bát đũa, cùng nhau nhóm bếp lửa Hoàng Cầm giữa đất trời của Tổ Quốc mà thôi cơm em ạ. Những kỉ niệm đó có lẽ là những kỉ niệm sẽ theo tụi anh đến suốt cuộc đời. Như thế, và tụi anh đã trở thành những người thân ruột thịt của nhau trong đại gia đình của những người lính lái xe.

Sợ tôi đói và mệt, anh chiến sĩ dừng xe bảo tôi lấy chút lương khô để ăn. Lúc nafym tôi mới có dịp quan sát chiếc xe. Thì ra chiếc xe không chỉ không có kính mà còn không có đèn, không có mui xe, thùng xe thì có nhiều vết xước. Nhìn chiếc xe mang trên mình biết bao thương tích, tôi có thể hình dung được sự khốc liệt của chiến trường. Người lính lái xe như hiểu được suy nghĩ của tôi, giọng anh trầm xuống:

-Chiến tranh không thể nào tránh khỏi những mất mát hi sinh. Rất nhiều đồng đội của anh đã ngã xuống khi đang lái xe để tiếp tế lương thực và khí giới cho tiền tuyến. Nhưng dù kẻ thù có trút xuống hàng ngàn, hàng vạn tấn bom thì chúng cũng không thể nào ngăn được bước tiến của đoàn xe không kính. Vì miền Nam ruột thịt thân yêu, vì sự thống nhất đất nước, các anh có thể vượt qua tất acr dù phải hi sinh.

Lời nói của anh chiến sĩ lái xe khiến tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Các anh thật dũng cảm, kiên cường mà cũng rất lạc quan, yêu đời. Tôi hiểu rằng cũng chính trái tim yêu quê hương đất nước và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của các anh là nguồn cội sức mạnh giúp các anh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Với ý chỉ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần chiến đấu của các anh, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay vô cùng biết ơn và cảm phục những người đã hi sinh máu xương của mình để “ làm nên đất nước”, để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc thân yêu.

Tiếng mẹ gọi làm tôi bừng tỉnh. Nằm trong chăn ấm mà hình ảnh người chiến sĩ lái xe không kính vẫn còn hiện lên trong tâm trí tôi. Giấc mơ được gặp gỡ cùng người lính lái xe quả cảm đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên.

Nguồn Internet