Hướng dẫn học sinh cảm thụ văn học bài Bác sĩ Y-éc-xanh – Tiếng Việt 3

Hướng dẫn học sinh cảm thụ văn học bài Bác sĩ Y-éc-xanh – Tiếng Việt 3

Hướng dẫn

Bác sĩ Y-éc-xanh

1. Bà khách ước ao được gặp bác sĩ Y-éc-xanh phần vì ngưỡng mộ người đã tìm ra vi trùng dịch hạch, phần vì tò mò. Bà muốn biết điều gì khiến ông chọn cuộc sống nơi góc biển chân trời này để nghiên cứu những bệnh nhiệt đới.

2. Y-éc-xanh quả thật khác xa với nhà bác học trong trí tưởng tượng của bà. Trong bộ quần áo ka ki sờn cũ không là ủi, trông ông như một khách đi tàu ngồi toa hạng ba. Chỉ có đôi mắt đầy bí ẩn của ông làm bà chú ý.

3. Bà khách thổ lộ nỗi băn khoăn của mình:

– Y-éc-xanh kính mến, ông quên nước Pháp rồi ư? Ông định ở đây suốt đời sao?

Y-éc-xanh lặng yên nhìn khách, hai bàn tay đan vào nhau, đặt trên đầu gối.

-Tôi là người Pháp. Mãi mãi tôi là công dân Pháp. Người ta không thể nào sống mà không có Tổ quốc.

Ngừng một chút ông tiếp:

-Tuy nhiên, tôi với bà, chúng ta đang sống chung trong một ngôi nhà: trái đất. Trái đất đích thực là ngôi nhà của chúng ta. Những đứa con trong nhà phải thương yêu và có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Tôi không thể rời khỏi Nha Trang này để sống ở nơi nào khác. Chỉ có ở đây, tâm hồn tôi mới được rộng mở, bình yên.

4. Hai người cùng im lặng. Họ nghe rõ tiếng biển thở dài, đổ nhẹ những con sóng thuỷ tinh vỡ vụn lên bờ cát.

Theo Cao Linh Quân

Cách đọc

Giọng đọc thay đổi theo diễn biến câu chuyện:

– Đoạn 1: giọng bình thường.

– Đoạn 2, đoạn 3: thể hiện sự ngạc nhiên của bà khách, sự tự tin của bác sĩ Y-éc-xanh.

– Đoạn 4: đọc chậm, thể hiện sự trầm lắng, vừa cảm phục vừa xót thương.

Gợi ý cảm thụ

Bác sĩ Y-éc-xanh người Pháp nhưng sinh tại Thuỵ Sĩ và mất tại Nha Trang, Việt Nam. Ông có rất nhiều cống hiến cho ngành sinh học, y học (như tìm ra vi trùng gây bệnh dịch hạch), ông cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, là người phát hiện và thiết lập thành phố Đà Lạt, là người đưa cây canh-ki-na (để chế biến thuốc) vào trồng ở Việt Nam,..

Bác sĩ Y-éc-xanh là nhà khoa học lỗi lạc, nhưng ông lại chọn Việt Nam, một xứ nghèo nàn và lạc hậu, nơi vừa xa quê hương vừa xa các trung tâm khoa học lớn để sinh sống. Điều đó làm nhiều người ngưỡng mộ nhưng khó hiểu. Câu chuyện kể về một bà khách nước ngoài có tâm trạng như thế, nên đã tìm đến gặp ông.

Khi gặp, bà khách lại càng ngạc nhiên. Ngạc nhiên trước hết vì sự giản dị của ông. Với bộ quần áo ka ki sờn không là ủi, trông ông không có dáng vẻ trí thức mà như một khách đi tàu hạng ba, tức là người bình dân, người nghèo. Không phải ông không thể có cuộc sống giàu sang ở ngay xứ sở này, mà vì giàu sang không phải là điều ông quan tâm. Ông chỉ có một tình yêu khoa học và tình yêu con người, cụ thể là những người dân bản xứ nghèo khổ.

Điều thứ hai làm bà khách ngạc nhiên là sao ông lại chọn Việt Nam, nơi góc biển chân trời, không phải Tổ quốc của mình, làm nơi sinh sống. Bà cho rằng ông đã quên Tổ quốc. Nhưng Y-éc-xanh đã khẳng định mình mãi mãi là công dân Pháp. Có điều quốc tịch Pháp của ông không là bức tường ngăn ông đến với các dân tộc khác. Bởi ông coi ngôi nhà chung của loài người là trái đất và những đứa con trong ngôi nhà ấy phải thương yêu và có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Tình yêu nhân loại lớn lao này, ngay cả bây giờ cũng hãy còn hiếm, huống chi cách đây hơn 100 năm, Việt Nam lúc ấy là một xứ sở vô cùng nghèo nàn lạc hậu, thường bị người phương Tây khinh bỉ.

Câu nói cuối cùng của ông trong cuộc gặp này – “Chỉ có ở đây, tâm hồn tôi mới được rộng mở, bình yên.” – cho thấy Việt Nam thực sự là Tổ quốc thứ hai của ông.

Sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ ông. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội. Tại Đà Lạt, mới đây có trường đại học mang tên ông: Đại học Dân lập Y-éc-xanh Đà Lạt.