Hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân

Hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân

Hướng dẫn

Đề bài: Anh chị hãy viết bài phân tích hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân

Mở bài Hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà”

Nếu Nguyễn Khải có tập truyện “Mùa lạc”, Nguyễn Huy Tưởng có tác phẩm “Bốn năm sau”, Chế Lan Viên có “Tiếng hát con tàu” thì Nguyễn Tuân có tập tùy bút “Sông Đà” gồm mười lăm bài kí sáng tác năm 1958 – 1960 khi nhà văn đi thực tế trên mảnh đất Tây Bắc. Mà đặc sắc nhất, là linh hồn của tập tùy bút là bài kí “Người lái đò sông Đà”.

Thân bài: Hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà”

Tác phẩm được đưa vào trong chương trình giảng dạy như là một trong những kiệt tác của Nguyễn Tuân ở thể kí. Thành công của Nguyễn Tuân trong tác phẩm này bên cạnh việc xây dựng được hình tượng con sông Đà chân thực, sống động, ta phải kể đến tác giả đã thể hiện được hình tượng Người lái đò sông Đà tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định không quá lời rằng với tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, ngòi bút của Nguyễn Tuân đã nở hoa trên dòng sông văn chương của mình.

Khác với những người nghệ sĩ cùng thời, đến với mảnh đất Tây Bắc – mảnh đất trước cách mạng Nguyễn Tuân đã từng đặt chân, ông ào đến như nai về suối cũ và đã có những áng văn rất đẹp như những bài thơ trữ tình viết về thiên nhiên nơi đây. Đến với trang văn của Nguyễn Tuân, ta bắt gặp thiên nhiên Tây Bắc diễm lệ bởi nơi ấy có thung lũng lúa chín vàng, có đá chìm đá nổi, có gió cuốn mây bay, có nắng vàng rực rỡ,… Nhưng Nguyễn Tuân chỉ say mê dùng nhiều bút lực của mình để mô tả Đà giang bởi với Nguyễn Tuân, Đà giang là nơi hội tụ tập trung nhất vẻ đẹp của núi sông Tây Bắc. Đến với Tây Bắc là phải đến với sông Đà. Chỉ đến khi gặp được sông Đà mới thấy hết được thần thái của núi sông diễm lệ. Vì vậy, Nguyễn Tuân say sưa viết về con sông Đà và đã đặt tên cho mười lăm bài kí của mình là tùy bút “Sông Đà”. Để làm toát lên nhân vật trữ tình này, Nguyễn Tuân sử dụng chủ yếu nghệ thuật nhân hóa để viết về Đà giang. Ông viết về Đà giang như đang ngồi khai lí lịch cho đứa con tinh thần của mình. Ông thổi hồn mình vào sông Đà. Con sông ấy qua ngòi bút của Nguyễn Tuân như oằn mình, cựa mình trên từng trang viết. Có thể khẳng định sông Đà đẹp hơn cả, trở về đúng với bản tính của mình chỉ đến khi gặp được ngòi bút của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân không viết “khơi nguồn” mà ông viết “khai sinh”. Ông không viết con sông Đà chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam mà ông viết sông Đà xin nhập quốc tịch Việt Nam. Ông không viết sông Đà trải rộng ra trên lãnh thổ nước ta mà viết sông Đà trưởng thành dần lên… Với cách viết này, Đà giang thực sự trở thành một nhân vật, trở thành một hình thể, một cơ thể sống và Nguyễn Tuân xứng đáng là một nhà ngôn ngữ, xứng đáng được văn giới cùng thời mệnh danh là người chẻ sợi tóc làm tư.

Bên cạnh đó, Nguyễn Tuân còn chọn Đà giang bởi ông là một nhà xê dịch, một chủ nghĩa xê dịch. Đề tài xê dịch được du nhập từ văn học phương Tây. Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng lớn bởi nhà văn Pháp An¬dré Gide – một người đi đầu trong chủ nghĩa xê dịch ở Pháp. Người viết về đề tài xê dịch thường viết về đường xá, xe cộ, sông nước, thác dữ. Mảnh đất Tây Bắc là nơi có Đà giang vô cùng dữ dội.

Khi tất cả dòng sông đều chảy về hướng đông, riêng con sông Đà lại chảy về hướng Bắc. một con sông đầy cá tính gặp một nhà văn phong cách cũng rất lạ mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đóng đanh trong một chữ “ngông” và trên diễn đàn văn chương Việt Nam xuất hiện những áng văn tuyệt bút viết về sông nước.

Người viết về đề tài xê dịch cũng rất thích đi đó đây để thay đổi thực đơn trong nhãn quan tâm hồn mình. Nguyễn Tuân cũng vậy. Ông không thích những gì gọi là nhàm chán. Ta thấy đây là sự đồng điệu trong tâm hồn những người nghệ sĩ lớn bởi Max¬im Gorky nói “cái bình thường là cõi chết của nghệ thuật”. Nam Cao trong “Đời thừa” cũng từng viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sang tạo những gì chưa có”. Chính sự đặc sắc của Đà giang đã hấp dẫn ngòi bút của Nguyễn Tuân, trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông thăng hoa những sở trường, phong cách rất ngông của mình.

Hơn nữa, nói đến Nguyễn Tuân là phải nói đến một nhà văn ưa cảm giác mạnh. Với Nguyễn Tuân, đã là đẹp phải đẹp tuyệt mĩ, đã là dữ dội phải dữ dội đến khác thường, đến tột đỉnh. Nguyễn Tuân không thích những gì tầm thường. Con sông Đà đáp ứng được hai xúc cảm của Nguyễn Tuân vì con sông Đà mang trong mình hai tính cách trái ngược nhưng thống nhất với nhau. Ở phần thượng lưu, con sông vô cùng hung bạo, dữ dội. Nhưng ở hạ nguồn, nó lại toát lên một vẻ đẹp rất trữ tình.

Sự hung bạo của Đà giang đã được Nguyễn Tuân thể hiện một cách rất tài tình trong tác phẩm. Như đã nói ở trên, sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, xin nhập quốc tịch Việt Nam. Nó phải trải qua rất nhiều triền núi đá. Vì vậy, ở phần thượng lưu của sông Đà có rất nhiều thác dữ, nhiều luồng chết, nhiều vực xoáy… Từ đó, Nguyễn Tuân đã tìm thấy những tính cách hung bạo khác thường của dòng sông. Nhưng khi xuôi về phần hạ lưu, lòng sông như được mở rộng ra, con thác không còn nữa, dòng nước trôi êm đềm, hiền hòa qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt và sông Đà lại hiện lên vô cùng lãng mạn, thơ mộng, trữ tình. Ngoài ra, Nguyễn Tuân nhìn thấy sự hung bạo của con sông Đà không chỉ tập trung ở thác dữ, ở luồng chết, ở vực xoáy. Ông còn nhìn thấy sự hung bạo ấy ở những quãng sông huyền bí, hoang vu đặt giữa điệp trùng của núi rừng Tây Bắc.

Viết về Đà giang, ngòi bút của Nguyễn Tuân vô cùng phóng túng, thoải mái bởi “Người lái đò sông Đà” được viết bằng thể loại tùy bút. Ông chẳng khác nào một nhà quay phim lão luyện. Có khi ống kính của nhà văn tiếp cận con sông Đà từ phía viễn cảnh. Từ trên cao, Nguyễn Tuân nhìn thấy con sông Đà dài ngoằn nghoèo như một sợi dây thừng. Có đôi lúc, ống kính của nhà văn lia vào để quay cận cảnh từng quãng sông hẹp, cắt từng đoạn sông để mô tả cái sự hung bạo của những đoạn sông với hình ảnh “đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời.” Thậm chí có những đoạn “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia.”

Như vậy rõ ràng ở nơi ấy lòng sông rất hẹp, độ dốc của con thác rất cao, nhiều luồng chết, vực xoáy. Viết về con sông Đà hung bạo, tác giả sử dụng những câu văn rất ngắn, huy động chủ yếu kiến thức võ thuật và quân sự để miêu tả sự vận động của dòng nước. Ông cũng cảm nhận con sông bằng nhiều giác quan để kích thích trí tưởng tượng của độc giả bạn đọc. Bởi vậy, con sông Đà hiện lên là một nhân vật có tính cách và cả ngôn ngữ. Một nhà thơ Ba Lan có lần đã từng viết:

“Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”

Nhưng khi đi thuyền trên dòng sông Đà, Nguyễn Tuân nhận thấy ở đây là tiếng ai oán của dòng nước. ta còn thấy hiện lên bộ mặt đầy ngông nghịch của những tướng đá bày ra ba “trùng vi thạch trận” như để lừa bất cứ một người lái đò nào qua đây. Ở đây, ta thấy xuất hiện những câu văn rất ngắn gồm toàn thanh trắc với hơn ba trăm động từ mạnh cùng kết cấu điệp trùng miêu tả sự khẩn trương, gấp gáp của nước, của đá, của sóng và của gió. Thể hiện rõ nhất đó là đoạn mặt ghềnh Hát Loóng: “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua đấy.” Ta còn thấy Nguyễn Tuân tập trung vào miêu tả sự hung bạo của Đà giang ở những hút nước với cách liên tưởng vô cùng táo bạo. Đó là đoạn Tà Mường Vát ở phía dưới Sơn La: “Có những con thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới.” Thêm vào đó, Nguyễn Tuân còn nhìn thấy sự hung bạo ở mùa lụt của con sông Đà. Mùa lụt của sông Đà vẫn còn cái ngấn nước ở cổng châu Quỳnh Nhai. Ngày lụt sông Đà, xác hươu, xác nai cùng gỗ Chò Vẩy, Chò Hoa trôi lềnh bềnh trên mặt sông. Nguyễn Tuân ví lúc này dòng sông Đà chẳng khác nào “kẻ thù số một” của người dân Tây Bắc.

Đồng thời, khi viết về dòng sông, Nguyễn Tuân đã bộc lộ rõ mình là một nhà văn với tình yêu quê hương đất nước tha thiết bởi trong văn chương nghệ thuật, viết về sông núi là viết về giang sơn mà viết về giang sơn là viết về Tổ quốc. Đây là tình yêu nhất quán trong cuộc đời cầm bút của nhà văn. Trước cách mạng, tình yêu quê hương Tổ quốc của Nguyễn Tuân được bộc lộ một cách thầm kín thông qua tác phẩm “Thiếu quê hương”. Đó là nỗi lòng của những con người “sống giữa quê hương nhưng vẫn thấy mình thiếu quê hương.” Còn nói như Chế Lan Viên:

“Nhân dân ở quanh ta mà sao chẳng thấy

Tổ quốc ở quanh mình mà có cũng như không”

Giờ đây, khi viết về con sông Đà, ánh sáng cách mạng rọi chiếu vào tâm hồn của nhà văn, phù sa của nhân dân bồi đắp. Ông đứng giữa dòng sông Đà, đứng giữa nhân dân Tây Bắc để bộc lộ trực tiếp tình yêu nước sâu sắc qua từng câu chữ. Không yêu sao được khi ông đến với Đà giang, viết về một con sông Đà chân thực là vậy, ông đã đọc hàng trăm trang cổ sử, hàng trăm trang “Dư địa chí”, đọc biết bao nhiêu áng thơ trữ tình của Tản Đà, của Lí Bạch, của Nguyễn Quang Bích,… nhưng viết về Đà giang, Nguyễn Tuân không bị lệ cổ, không bị tập cổ, không bị ảnh hưởng bởi người xưa mà đã tái tạo mới trên từng trang viết vì nói như Nan Cao: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có.”

Cần phải khẳng định rằng khi viết tập tùy bút “Sông Đà”, Nguyễn Tuân đang đi thực tế ở trên Tây Bắc. Trong chuyến đi ấy Nguyễn Tuân đã xâm nhập sâu vào trong đời sống của nhân dân Tây Bắc và đã trở thành người đầu tiên kể ra chính xác năm mươi trên tổng số bảy mươi ba con thác dữ từ ngã ba biên giới Việt – Trung về tới Chợ Bờ. Tố Hữu đã từng nói: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật ứ đầy”. Mười lăm bài kí trong tập tùy bút “Sông Đà” nói chung và “Người lái đò sông Đà” nói riêng thực sự đã được tràn ra từ trong trái tim Nguyễn Tuân khi cuộc sống của nhà văn trên Tây Bắc đã tràn thành những áng văn đẹp.

Trở lại với con sông Đà. Con sông Đà hung bạo không chỉ là do thiên nhiên gây ra, không chỉ là do thác dữ, những luồng chết, vực xoáy mà Nguyễn Tuân còn thấy đó là do con người. Đó chính là bọn thổ ti lang tạo đã đắp bến chia ngăn dòng sông Đà, khiến con sông trở nên trái tính, trở thành kẻ thù của người dân Tây Bắc. Đó còn là bọn thực dân Pháp đóng đồn bốt ở hai bên bờ sông khiến Đà giang trở nên càng hung bạo. Rõ ràng, con sông Đà mang cốt cách của người dân Tây Bắc. Nhìn rộng ra, ta thấy con sông nơi đâu thì mang nét đẹp văn học vùng miền của con người vùng đất ở nơi ấy. Nếu con sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang vẻ đẹp trầm mặc của cố đô Huế, của người dân Huế thì con sông Đà lại là biểu tượng, lại mang cái văn học của người dân Tây Bắc. Như vậy, có thể khẳng định Đà giang qua ngòi bút của Nguyễn Tuân hiện lên dữ dội đến khác thường, tột đỉnh, thể hiện rất rõ phong cách rất riêng của Nguyễn Tuân – một phong cách rất “ngông”.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngòi bút của Nguyễn Tuân còn tập trung vào để miêu tả cái vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của dòng sông Đà, nhất là đoạn sông ở phần hạ lưu. Như đã đề cập ở trên, khi xuôi về phía hạ lưu, lòng sông được mở rộng, độ dốc của con thác không còn, dòng sông trôi êm đềm hiền hòa qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt. Người yêu văn cũng nhận thấy Đà giang hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân thơ mộng, lãng mạn, trữ tình, vô cùng kiều diễm. Nếu ở đoạn văn trên, Nguyễn Tuân miêu tả con sông Đà hung bạo với những kiến thức nền chủ yếu là quân sự hay võ thuật cùng những câu văn ngắn, nhiều động từ, nhiều thanh trắc thì đến đoạn văn này, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng kiến thức du lịch, kiến thức lịch sử, kiến thức văn học với câu văn vươn dài ra như nhịp chèo khoan thai của thuyền tôi trôi trên sông Đà. Nếu để ý, người yêu văn hẳn sẽ nhận thấy có đến mười bốn câu văn Nguyễn Tuân kết thúc toàn với thanh bằng để tạo cảm giác mênh mang mềm mại. Người yêu văn có thể dễ dàng chuyển thẳng những đoạn văn Nguyễn Tuân viết về dòng sông Đà ở hạ lưu thành những bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Phong cách nghệ thuật này trước cách mạng ta chỉ bắt gặp ở nhà văn Thạch Lam với lối viết truyện không mâu thuẫn, không kịch tính, không gay cấn, truyện như một bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Đến đây, ta lại bắt gặp ở nhà ngôn ngữ tài ba Nguyễn Tuân một phong cách nghệ thuật tương tự.

Sự lãng mạn của Đà giang được toát lên đầu tiên là ở sự lặng tờ hai bên bờ sông với những câu văn rất đẹp: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không có một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp.” Rõ ràng ta có thể thấy đây chẳng khác nào một đoạn thơ rất đẹp viết bằng văn xuôi. Nó đã làm tiền đề để từ trong sâu thẳm tâm hồn của mình, người nghệ sĩ tài ba Tuấn Thừa Sắc xuất thần hai câu văn đẹp như một điệp khúc của thơ ca: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích”. Đó chính là những vần thơ rất đẹp mà Nguyễn Tuân đã đề lên sóng nước sông Đà.

Ta còn thấy hai nghệ thuật nhân hóa và so sánh được Nguyễn Tuân sử dụng một cách rất nhuần nhụy. Ông cảm nhận con sông Đà và so sánh nó, ví von nó như một áng tóc của người thiếu nữ vô cùng lãng mạn, trữ tình, mĩ lệ: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.” Đây được xem như đoạn thơ đẹp nhất trong tùy bút “Sông Đà”. Đọc xong “Người lái đò sông Đà”, gấp lại trang sách đã lâu nhưng những câu văn đẹp như những vần thơ ấy vẫn giăng mắc, ở trọ mãi trong tâm hồn của mỗi người yêu văn. Hơn nữa, nếu để ý hẳn độc giả bạn đọc sẽ nhận thấy trong thơ ca cổ trung đại, các bậc tao nhân thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực.

Khi viết con sông Đà với nét đẹp lãng mạn, thơ mộng, trữ tình Nguyễn Tuân một lần nữa lại thể hiện tình yêu nước nồng nàn qua từng câu chữ. Nó được bộc lộ ở thái độ của nhà văn khi viết về cái tên “đen” thực dân Pháp đặt cho dòng sông Đà. Ông đã kì công để chứng minh Đà giang không phải là sông đen như cái tên Tây láo lếu ấy. Ông nhận thấy Đà giang thay đổi sắc màu qua từng mùa: Mùa xuân nước sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích” chứ không “xanh màu canh hến của sông Gâm sông Lô”. Mỗi độ xuân về, nước sông lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Ở đây ta lại bắt gặp lối so sánh của Nguyễn Tuân luôn lấy con người làm chuẩn mực. Có thể khẳng định ràng đến với những hình ảnh so sánh ví von này, người yêu văn mới thấy được sức mạnh của ngôn ngữ tiếng Việt.

Tình yêu nước ấy còn được bộc lộ khi Nguyễn Tuân nhớ lại một lần nhà văn bám gót anh liên lạc. Nhìn thấy con sông Đà từ rất xa, Nguyễn Tuân gọi con sông ấy là một cố nhân, một người tình chưa hề biết mặt theo ý thơ của Tản Đà. Thế là bao nhiêu những vần thơ của các bậc tao nhân mặc khách chợt ùa về trong tâm hồn của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông nguyện theo người xưa để thơ lên sóng nước sông Đà. Như vậy, mười lăm bài kí mà Nguyễn Tuân gửi trong kho tàng văn chương Việt Nam là gì nếu không phải là những vần thơ đẹp được ông thả trên dòng sông nghệ thuật?

Bên cạnh đó, tình yêu nước của Nguyễn Tuân còn được thể hiện khi ông say sưa kể về những loài cá quí hiếm chỉ có ở Đà giang. Đó là cá anh vũ, cá dầm xanh “vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi.” Như vậy rõ ràng, đây chính là “chất vàng mười” của rẻo cao Tây Bắc. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài kí này, Nguyễn Tuân ước ao được nghe một tiếng còi tàu xúp-lê từ Yên Bái, Việt Trì vọng lên trên Tây Bắc. Điều ấy khiến ta liên tưởng tới Chế Lan Viên với mong muốn được hóa thành đoàn tàu để chở mọi người lên khai phá mảnh đất nơi đây.

Như vậy Đà giang hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ, vừa dữ dội nhưng cũng vô cùng mĩ lệ, trữ tình và vô cùng lãng mạn. Hai tính cách ấy đặt bên cạnh nhau nhưng không hề bài trừ nhau mà lại tôn vinh lên nhau, làm cho sông Đà trở nên chân thực sống động, giúp sông Đà oằn mình, cựa mình trên trang viết.

Kết luận Hình tượng sông Đà trong bài tùy bút “người lái đò sông Đà”

Bài kí “Người lái đò sông Đà” đã bộc lộ toàn bộ sở trường, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Người ta yêu Nguyễn Tuân vì Nguyễn Tuân rất có tài. Người ta trọng Nguyễn Tuân vì ông là một người nghệ sĩ của cái đẹp, người nghệ sĩ của hai chữ “thiên lương” trong sáng. Nhưng nói một cách khách quan, văn của Nguyễn Tuân không phải ai cũng ưa chuộng, nhất là những bài tùy bút bởi Nguyễn Tuân hay viết những câu văn rất dài cùng những tư liệu khá khô khan, khó hiểu. Bài kí “Người lái đò sông Đà” cũng không tránh khỏi những tì vết kể trên. Tuy nhiên, với tất cả những gì Nguyễn Tuân đã cống hiến trên thi đàn văn chương, Nguyễn Tuân thực sự là một tài năng lớn, là một nhân cách lớn mà như Ng Minh Châu đã nói: “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ”.