ĐƠN GIẢN LẮM TUỔI THƠ TÔI

Mùa hè thơ ấu của tôi, đa phần là ở nhà chơi nhảy dây, chơi nẻ với lũ trẻ hàng xóm, lâu lâu bất đồng quan điểm là tranh cãi rồi nghỉ chơi với nhau

Khu xóm nhà tôi nhỏ hẹp, nhiều nhà san sát nhau, người qua kẻ lại. Nhưng con nít thì mấy ai để ý làm gì, nên chúng tôi cứ vui vẻ chơi cho hết tuổi thơ đầy nhiệm màu với nhiều kỉ niệm

Chỉ đúng có hai lần trong kí ức ấy, tôi được mẹ cho về quê nội ở vùng đất Nghệ An xa xôi – đầy nắng và lúa trên đồng. Đường sá đi từ Bình Định ra Nghệ An không phải là ngắn, xe cộ thì xóc lên xóc xuống khiến tôi cứ nôn hết cả ra. Bình Định nóng một thì Nghệ An phải nóng gấp ba, gấp bốn lần. Tôi và chị gái cùng gia đình đều ở tại nhà người chú ruột thân thiết với ba tôi nhất, mự ( ý nghĩa là mợ ) và những đứa em họ luôn nhiệt tình chào đón chúng tôi, đùa vui tếu táo. Mặc kệ người lớn đang bàn đến chuyện gì, chúng tôi túm tụm rủ nhau đi chơi. Người dân ở đó luôn nhìn hai chị em tôi bằng một đôi mắt hiếu kì – nhưng không hề sỗ sàng và phản cảm. Thậm chí chúng tôi còn bị đám con nít làng khác trêu chọc không buông tha. Tội nghiệp mấy đứa nhóc anh chị em họ của tôi, cũng ra sức ném đá, gân cổ cãi lại với bọn chúng.

Không bao giờ tôi quên được mùa hè của tôi ở Nghệ An năm ấy có ánh nắng chiếu vàng hết cả cánh đồng, nắng phủ đầy trên những ngọn lúa xanh mơn mởn, những bãi phân trâu to đùng hay bắt gặp trên đường quê, những rặng tre tỏa bóng mát cho những đứa trẻ, và cả ánh trăng sáng vằng vặc cả một khoảng sân nhà.

À, sao có thể thiếu những đụn rơm cao chất ngất và cái giếng nước ngọt đến mát lịm, ngọt đến tận vào trong ruột trong dạ của tôi. Tôi nhớ khi về ngoài nớ, tôi không ăn được gì nhiều, trời lại nắng, thế là tôi toàn chạy ra ngoài giếng múc nước lên uống chơi. Nước trong và mát diệu kì, và tôi chả hề bị làm sao cả. Uống đến nghiện luôn thứ nước đơn giản mà đi sâu vào lòng người ấy. Đến giờ tôi vẫn có thể thấy ngay trước mắt cái giếng ở nhà nội tôi ngoài đó, nhờ đó mà tôi học được cách múc nước từ giếng lên bằng một chiếc gầu – có cái dây thừng bện chặt để xách nước lên khỏi cái giếng sâu hun hút.

Kéo chiếc gầu nước lên dường như là quá sức với một đứa trẻ chỉ mới có hơn mười tuổi ở thành phố như tôi. Vậy mà tôi vẫn kéo được, lại còn sợ tuột tay khiến chiếc gầu rơi xuống giếng lần nữa..

Ngay gần đó là bụi chuối sau hè, nắng vẫn vàng và len lỏi khắp sân vườn.

Lại suýt quên kỉ niệm cưỡi trâu lần đầu. Mấy đứa nhóc luôn miệng kêu tôi đừng sợ nó, cứ đứng đối diện với nó nắm lấy hai cái sừng nhọn và to sừng sững kia mà trèo lên đầu nó sau đó xoay lưng lại. Nhưng tôi thề là tôi nhát kinh khủng, đứng trước mặt nó mà sợ nếu nắm lấy hai cái sừng nó sẽ húc tôi thủng ruột luôn ấy. Vậy là người chị gái lớn hơn tôi năm tuổi phải ra sức ẵm tôi lên lưng trâu. Cái cảm giác ngồi lên lưng trâu bấp bênh bấp bênh thích thú lạ kì. Nhất là khi con trâu bước đi trên mỏm đất gồ ghề rồi bước xuống ruộng một phát là tôi chới với , la í oái rồi gần như nằm trên lưng nó mà ôm chặt nó luôn.

Chúng tôi dắt trâu đi ăn một vòng rồi lại theo nó ra cái ao làng để tắm. Mấy lão trâu lúc nào cũng từ tốn, đủng đỉnh như chẳng hề hấn gì trước tiếng la hét chơi đùa của tụi nhỏ. Mấy lão cứ mặc sự đời. Lão đi ra đến giữa ao tôi cũng mạnh dạn đi theo lão. Nhưng chị gái tôi bảo coi chừng dưới đó có đỉa đấy, vậy là sợ mất mật rồi lật đật lội nước vào bờ. Lên bờ rồi vẫn chưa bớt hoảng, tôi phải kéo cả hai ống quần lên và bảo cả chị gái tôi kiểm tra nữa, xem thử có con đỉa nào phục kích ở chân tôi không. Nhưng may cho tôi là không có kỉ niệm đỉa cắn nhớ đời ấy.

Rồi cũng đến ngày trở về, chúng tôi bịn rịn chia tay các chú, các mự và những đứa em họ dễ mến của tôi, và tôi lại trở về ngôi nhà nhỏ trong khu xóm quen thuộc, ồn ào và rộn rã, lại tiếp tục chơi nhảy dây, chơi nẻ, ô làng, rồi lại cãi nhau với những đứa trẻ trong xóm.

PHƯƠNG THỤ