Đề thi học sinh giỏi bài Mời trầu và Truyện Kiều

Đề thi học sinh giỏi bài Mời trầu và Truyện Kiều

Hướng dẫn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÂM ĐỒNGTRƯỜNG THPT CHUYÊN BẢO LỘC TRẠI HÈ PHƯƠNG NAM LẦN THỨ V NĂM 2018Môn:Ngữ văn – Khối 10

Thời gian làm bài: 180 phút

PHẦN 1. ĐỀ THI

Câu hỏi 1. (8,0 điểm)

Nêu suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của Voltaire: “Thiên đường được tạo ra cho những trái tim dịu dàng; địa ngục, cho những trái tim không biết yêu thương.”

Câu hỏi 2. (12,0 điểm)

Viết về vai trò của sự cách tân thơ ca, nhà nghiên cứu văn học người Chăm, Inrasara cho rằng: “Trên nền hiện thực mới, xuất phát từ cảm thức khác, nhà thơ có lối nghĩ khác, cách thể hiện và cách nói khác, và dĩ nhiên – cần đến ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ là vốn chung của dân tộc, mỗi nhà thơ – bằng tài năng sáng tạo của mình – làm khác bằng cách ghi dấu ấn của mình lên thứ ngôn ngữ chung đó. Chính sự khác này làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc, và nền văn học dân tộc”

(Inrasara, Từ ảo tưởng của nhà thơ đến thất thố của người làm phê bình, www.nhandan.c om.vn – Nhân dân cuối tuần, Thứ hai, 13/05/2013)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. Làm sáng tỏ quan điểm của mình qua “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương.

…………HẾT……………

PHẦN 2. ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội.

– Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp …

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau tuy nhiên cần đảm bảo các ý chính sau

  1. Giải thích

– Thiên đường: nơi linh hồn những người được coi là đã rửa sạch tội lỗi, được hưởng sự cực lạc sau khi chết, theo quan niệm của một số tôn giáo; cũng dùng để chỉ thế giới tưởng tượng đầy hạnh phúc; đối lập với địa ngục.

– Địa ngục: nơi đầy ải linh hồn những người phạm tội ác trên trần gian, người độc ác khi chết bị đày xuống địa ngục.

– Trái tim dịu dàng: trái tim biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm; đối lập với trái tim không biết yêu thương, vô cảm.

→ Ý nghĩa câu nói: người sống biết chia sẻ, quan tâm, yêu thương mọi người sẽ nhận được hạnh phúc, cuộc sống của họ được ví như đang ở thiên đường. Ngược lại những người sống vô cảm không quan tâm đến mọi người chỉ nhận được sự xa lánh, không đồng cảm từ những người xung quanh, cuộc sống của họ ví như địa ngục trần gian.

  1. Bàn luận

– Tại sao: “Thiên đường được tạo ra cho những trái tim dịu dàng”?

+ Trái tim dịu dàng là trái tim rộng mở với những điều diễn ra trong cuộc sống, trái tim ấm áp ấy luôn hướng đến những người xung quanh, tràn ngập tình cảm chân thành của một con người.

+ Người có trái tim dịu dàng sẽ có những hành động nhân ái, đem niềm vui cho mọi người. Khi họ cho yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương và cuộc sống của họ sẽ tựa như thiên đường.

+ Người có trái tim dịu dàng sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác, có thể nói họ là những người gieo hạt giống yêu thương, cuộc sống của họ sẽ trở nên hạnh phúc bởi “Bàn tay tặng hoa hồng còn phảng phất mùi hương”.

+ Chỉ có trái tim dịu dàng mới biết hướng đến mọi người, mở rộng trái tim yêu thương thì mới gieo được hạnh phúc thực sự. Sống biết quan tâm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mọi người họ sẽ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ mọi người khi họ gặp khó khăn, trắc trở…

– Tại sao: “địa ngục, cho những trái tim không biết yêu thương”?

+ Sống không có tình thương, sống vô tâm thì chắc chắn cũng không được sự quan tâm, chia sẻ từ người khác, đôi khi ta phải hối tiếc ân hận cả đời.

+ Có thể chính bạn là nạn nhân của sự sống vô cảm. Khi đó, cuộc sống của bạn chẳng khác gì địa ngục trần gian.

– Liên hệ từ thực tế lối sống yêu thương và lối sống vô cảm.

– Câu nói của Voltaire hoàn toàn chính xác. Cần phê phán những người sống vô cảm, sống vì cá nhân, bản thân, nghĩ đến cái tôi quá nhiều mà quên đi những người xung quanh.

  1. Bài học nhận thức và hành động: Cần sống có trái tim dịu dàng, có hành động cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương.
  2. Biểu điểm
  • Điểm 7 – 8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.
  • Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
  • Điểm 3 – 4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
  • Điểm 1 – 2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.
  • Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.

Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận văn học (bàn về vấn đề lí luận, sử dụng tác phẩm để chứng minh)

– Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp …

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau tuy nhiên cần đảm bảo các ý chính sau:

  1. Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận.
  2. Thân bài
  3. Giải thích

– Sự sáng tạo về ngôn ngữ nghệ thuật thơ ca của người nghệ sĩ lớn là cả một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng đã giúp bảo tồn và phát triển, làm giàu đẹp ngôn ngữ dân tộc và văn chương.

– Nhà nghiên cứu khái quát thành một hệ thống các bình diện đơn lẻ của cá tính sáng tạo nghệ thuật thơ ca một cách toàn diện, trong mối quan hệ nhân quả, soi chiếu (Từ hiện thực của thời đại đến đời sống tư tưởng tình cảm của con người, đến thi pháp và ngôn ngữ… trong sự vận động và phát triển)

– Nhận định nhấn mạnh đến sự sáng tạo ngôn ngữ cá nhân (cá tính sáng tạo) theo quy tắc: trên nền ngôn ngữ chung, đặt dấu ấn cá nhân, làm khác bằng sự sáng tạo (một cách nghệ thuật hơn là một phát minh…), nói cách khác là sự cách tân, sự mở rộng trên nền truyền thống.

– Giá trị của cá tính sáng tạo đó là: làm giàu có, sang trọng cho ngôn ngữ dân tộc và văn chương dân tộc.

  1. Bàn luận

– Đây là ý kiến đúng đắn, toàn diện và tiếp cận lí luận văn học hiện đại về nguồn gốc, bản chất và giá trị của cá tính sáng tạo, của những tài năng thơ ca trên lĩnh vực thơ ca.

– Hiện thực thay đổi (hiện thực mới), nhà thơ phải có cảm thức mới. Nhà thơ phải là tiếng nói của thời đại mình. Đó là cái gốc của giá trị thơ ca. Điều này đúng với quy luật triết học về nội dung và hình thức.

– Để sáng tạo một thi phẩm “thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”, theo quy luật của cái đẹp, nhà thơ phải cách tân toàn diện hình thức biểu đạt, phải sáng tạo thi pháp cho riêng mình.

– Nhưng vấn đề trung tâm của thơ ca là tài năng sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân tộc và sáng tạo nó. Đáp ứng cùng lúc yêu cầu: bảo lưu hồn cốt, đến được với con người của thời đại (văn hóa, thị hiếu, nhu cầu…), và hội nhập, quảng bá với văn học đương đại. Nhưng căn bản nhất, độc đáo (khác) là sinh mệnh của sáng tạo thơ ca, nghệ thuật. Để khác với một hệ thống các đòi hỏi, các yêu cầu, các sứ mệnh, làm thơ là định mệnh, nhà thơ phải vượt qua định mệnh ấy bằng yêu nó và giải nó. Sáng tạo là yêu để giải. Nhà thơ tài năng phải lao động nghệ thuật với một đam mê, một đau đớn, một nghị lực, một tài hoa phi thường.

  1. Phân tích và chứng minh

HS có thể có nhiều cách để trình bày, song về cơ bản cần làm sáng tỏ:

– Truyện Kiều: Trên nền hiện thực đầy biến động của xã hội Việt Nam cuối thời trung đại, Truyện Kiều là bức tranh hiện thực và những biến động ấy và tiếng nói nhân đạo về con người và quyền sống. Để thể hiện được nội dung cảm hứng lớn trên, Nguyễn Du đã sáng tạo tác phẩm truyện Nôm bằng thể lục bát với những cách tân thiên tài:

+ Nhân vật của ông có tính cách điển hình, có nội tâm, có ngôn ngữ riêng.

+ Thể thơ lục bát dân gian vừa kể linh hoạt, vừa trữ tình sâu sắc tinh tế.

+ Đặc biệt là sự sáng tạo ngôn ngữ của Nguyễn Du, khiến ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ thơ ca trở nên sinh động, phong phú, đầy hơi thở đời sống, đủ năng lực diễn tả đời sống, tâm hồn, tình cảm phức tạp của con người. (Minh chứng)

– Mời trầu: Là tiếng nói đầy cá tính của cái tôi phụ nữ đòi quyền sống, đấu tranh để giải phóng cá tính. Về hình thức: Sự cách tân thơ Đường luật khiến thể thơ đạo mạo này trở thành gần gũi. Chất liệu dân gian, lời ăn tiêng nói dân gian… đã được vận dụng khai thác để làm khác

  1. Đánh giá, mở rộng

– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến trên.

– Bài học đối với người sáng tác và tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tác: không ngừng tìm tòi, khám phá, sáng tạo ngôn ngữ.

+ Đối với người đọc: cảm thụ tác phẩm trên cơ sở ngôn từ và hình tượng nghệ thuật.

III. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề nghị luận.

C Biểu điểm

  • Điểm 10 – 12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục…
  • Điểm 7 – 9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
  • Điểm 4 – 6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
  • Điểm 1 – 3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu kể lể lại các tình tiết. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.
  • Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.