Dàn ý về mục đích học tập của Unesco, dàn bài Học để biết, học để làm

Hướng dẫn làm bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về mục đích học tập của Unesco đối với học sinh hiện nay. Học tập là hoạt động thường xuyên và quá trình tất yếu giúp con người không ngừng phát triển, nâng cao hiểu biết, bản lĩnh và vốn sống. Một trong những điều quan trọng và cần thiết nhất trước khi bắt đầu và xuyên suốt quá trình học tập là đặt ra mục tiêu học tập. Xác định mục đích học tập sẽ giúp việc học trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, một tổ chức giáo dục quốc tế hàng đầu như Unesco cũng dành sự quan tâm không nhỏ cho việc định hướng mục tiêu học tập. Điều đó thể hiện trong mục đích học tập được Unesco đề ra: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình “. Dàn ý dưới đây cung cấp các bước để định hướng và triển khai bài viết nghị luận về mục đích học tập của Unesco.

DÀN Ý NGHỊ LUẬN VỀ MỤC ĐÍCH HỌC TẬP CỦA UNESCO

I. MỞ BÀI

Giới thiệu mục đích học tập của Unesco: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình “. Khái quát suy nghĩ của em về mục đích học tập này (đúng đắn, hữu ích,…).

II. THÂN BÀI

Phân tích ý nghĩa mục đích học tập được Unesco đề ra:

  • “Học để biết”: học tập với mục đích thu nhặt kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và làm giàu vốn sống góp phần làm phong phú kiến thức và nâng cao hiểu biết cho bản thân.
  • “Học để làm”: học tập vì mục tiêu vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Học tập để có đủ kiến thức làm điểm tựa vững vàng cho thực hành và áp dụng vào thực tế.
  • “Học để chung sống”: học tập để biết cách cư xử và chung sống hòa hợp với mọi người. Mục đích của việc học còn nằm trong sự học hỏi những kĩ năng mềm, sự khôn ngoan trong giao tiếp, ứng xử.
  • “Học để tự khẳng định mình”: một trong những mục đích quan trọng của việc học là rèn luyện bản thân để nâng cao bản lĩnh, năng lực để đạt được những thành tựu nhất định. Những thành quả này là một trong những minh chứng lớn nhất cho sự ưu tú của con người, giúp khẳng định vị thế của bản thân trong xã hội.

Khái quát và đề ra mục tiêu học tập tích cực giúp con người có cơ sở phấn đấu và hoàn thiện bản thân.

Lợi ích của việc xây dựng mục tiêu học tập đúng đắn:

  • – Giúp việc học tập và tiếp thu kiến thức diễn ra thuận lợi hơn.
  • – Khiến con người có động lực thúc đẩy sự phấn đấu trong học tập.
  • Giúp định hướng đúng đắn hoạt động học tập để việc học đi đúng hướng và mang lại hiệu quả cao.
  • Góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện năng lực học tập, vận dụng, làm việc, khả năng tương tác,…của mỗi người.

Nhận xét cá nhân về mục đích học tập được Unesco đề ra: (“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình ” chỉ ra mục tiêu học tập đúng đắn, khoa học,…).

III. KẾT BÀI

Khẳng định lại vấn đề (bản chất mục đích học tập của Unesco: đúng, cần học tập,…). Rút kinh nghiệm cho bản thân, đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi.