Dàn ý Thuyết minh về Hồ Tây lớp 9 chi tiết đầy đủ

“Phong cảnh Hồ Tây chẳng..dạ hoài nhân chửa dễ vừa.”(Chơi Hồ Tây nhớ bạn – Hồ Xuân Hương) Đọc những câu thơ của vị nữ sĩ Hồ Xuân Hương, chắc hẳn trong đầu mỗi người đều nghĩ tới một Hồ Tây cổ kính với tường rêu phong, gò đất trong chiều khói, hồ sâu thẳm trong vắt… Khung cảnh Hồ Tây thiêng liêng mà lại đẹp đẽ, yên bình khiến lòng người say mê được nữ sĩ họa ra chỉ qua vài câu thơ. Nhưng, đó là khung cảnh khi xưa, còn Hồ Tây bây giờ thì sao? Và làm thế nào để viết một bài văn thuyết minh về nơi đây? Câu hỏi này là câu hỏi rất nhiều bạn học sinh cảm thấy băn khoăn khi đọc đề bài yêu cầu thuyết minh về Hồ Tây. Có lẽ thuyết minh phong cảnh là khó nhất bởi đó là sự kết hợp của cả văn thuyết minh và văn miêu tả. Nếu không chú ý sẽ viết không tốt. Vì vậy, để giúp các em, tôi đã đưa ra một dàn ý chi tiết thuyết minh về Hồ Tây của học sinh lớp 9. Tôi đưa dàn ý là bởi lớp 9 đã viết văn rất tốt, bắt đầu đã có giọng điệu riêng của mình nên cái các em cần chỉ là các ý mà thôi. Các em hãy đọc và tham khảo nhé.

Dàn ý chi tiết thuyết minh về hồ tây lớp 9

I, MỞ BÀI

– Giới thiệu và dẫn dắt đến đề bài: Thuyết minh về Hồ Tây lớp 9.

Ví dụ:

Mở bài số 1: Nếu ai từng ghé thăm thủ đô, hẳn những nơi như Văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột hay Hồ Gươm đều sẽ không bỏ qua. Nhưng có một nơi, người ta ít nghe danh, mà đến rồi lại nhớ thương không muốn về. Đó chính là Hồ Tây của Hà Nội.

Mở bài số 2: Người ta nhắc đến Hà Nội là nhắc đến Hồ Gươm. Nhưng ngày nay, nhắc đến Hà Nội người ta còn nghĩ cả đến một Hồ Tây rộng lớn với vẻ đẹp thơ mộng và cổ kính chẳng kém gì nét đẹp nơi Hồ Hoàn Kiếm.

II, THÂN BÀI

* Vị trí của Hồ Tây ở đâu?

  • – Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ của thủ đô Hà Nội.
  • – Đây chính là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội với diện tích là hơn 500 ha cùng với chu vi là 11,5 km.

* Nguồn gốc của Hồ Tây là gì?

  • – Hồ Tây được hình thành từ sông Hồng, là một đoạn của dòng sông này ngưng đọng lại trong quá trình sông chuyển dòng chảy.
  • – Trong sách “Tây Hồ chí” đã ghi lại rằng Hồ Tây có từ thời Hùng Vương. Bao xung quanh là cây rừng với thực vật phong phú, thậm chí còn có cả động vật quý hiếm nữa.
  • – Hồ Tây từ xưa đến nay có rất nhiều tên gọi khác nhau. Theo thời gian và dựa vào các truyền thuyết mà thay đổi: từ Đầm Xác Cáo – tên gọi xưa nhất của Hồ Tây dựa trên truyền thuyết về hồ ly tinh chín đuôi cũng như sự ra đời của hồ đến Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm. Tây Hồ… Tuy vậy, qua bao năm, người dân vẫn quen gọi là Hồ Tây hơn.

* Khung cảnh Hồ Tây như thế nào?

  • – Hồ Tây rất đẹp. Nhiều du khách ghé thăm Hà Nội, trở về đều nhớ mãi mặt hồ xanh trong, tán bàng, tán phượng xoè rộng, gió hiu hiu, người người qua lại cùng với những di tích không kém phần linh thiêng cổ kính.
  • – Từ Hồ Tây đi ra xung quanh sẽ tới những ngôi làng cổ, những con phố với các quán cà phê hướng về phía mặt hồ được nhiều người lựa chọn dừng chân.
  • – Phía lối đi dạo gần hồ còn có lan can được xây dựng với những hoa văn thẩm mỹ. Đèn đường xếp lối thẳng hàng. Buổi tối ở bên hồ rất náo nhiệt: người người nhà nhà đi hóng gió, đi dạo…
  • – Mỗi buổi sớm, khi mặt trời xuất hiện, mặt hồ lấp lánh như dát vàng, gợn sóng nhỏ lăn tăn khiến lòng người yên bình đến lạ. Chiều về, ánh hoàng hôn đỏ rực, mặt hồ in bóng lòng đỏ trứng phía trên cao, những nhành liễu rì rào đung đưa trong gió.. Thơ mộng biết bao.
  • – Với một khung cảnh đẹp và diện tích rộng lớn, nơi đây còn là địa điểm chụp ảnh cưới yêu thích của rất nhiều cặp đôi nữa.

* Ý nghĩa của Hồ Tây ra sao?

  • – Hồ Tây từ lâu đã là thắng cảnh tuyệt đẹp. Vào thời Lý – Trần, các vua đã cho xây dựng nhiều hành cung nghỉ mát xung quanh hồ, nay là khu vực các chùa Kim Liên, Trấn Quốc…
  • => Bởi vậy, xung quanh hồ có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá.
  • – Hồ Tây là một nét đẹp trong nội thành Hà Nội, là đề tài cho nhiều bức ảnh, bài thơ, bức tranh.
  • – Nơi đây cũng là chỗ đi bộ, tập thể dục buổi sáng hay là nơi hò hẹn của nhiều cặp đôi.
  • – Hồ Tây từ lâu đã xuất hiện trong ca dao, trong thơ của Hồ Xuân Hương cũng như nhiều thi sĩ nổi tiếng.

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”

(Ca dao)

* Hiện trạng của Hồ Tây và hành động nên làm?

  • – Thực trạng: Vào năm 2016, một lượng lớn cá tại hồ đã chết với nguyên do là trong hồ không có oxy cho chúng hô hấp. Theo nghiên cứu và điều tra ra thì nguyên nhân đó là do hồ bị ô nhiễm từ lâu. Rất nhiều năm qua hồ chưa được nạo vét và hàng ngày vẫn có rất nhiều cống nước thải xả trực tiếp ra hồ mà chưa qua xử lí.
  • – Hành động: Mỗi chúng ta cần góp sức chung tay bảo vệ không gian xanh – sạch – đẹp của hồ. Một hành động nhỏ cùng góp lại sẽ tạo nên thành quả lớn. Ban quản lý Hồ Tây cũng đã có nhiều biện pháp để giữ gìn vẻ đẹp của hồ.

III, KẾT BÀI

– Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân về khung cảnh và ý nghĩa của Hồ Tây.

Nguồn Internet