Dàn ý thuyết minh về cây xoài lớp 9 chi tiết đầy đủ

Văn thuyết minh là một thể loại tập làm văn quen thuộc mà học sinh bắt đầu làm quen từ năm lớp 8 cho đến nửa đầu năm lớp 9. Văn thuyết minh là thể loại văn khoa học, yêu cầu sự logic và chính xác rất cao, bởi vậy khi làm dạng văn này, thông tin phải vô cùng đúng, lời văn phải rõ ràng mạch lạc. Chính vì vậy nên khá nhiều học sinh khi viết sẽ xảy ra tình trạng hoặc là thiếu ý, hoặc là viết lủng củng không rõ ràng. Vậy có cách nào để tránh mắc phải những lỗi đó hay không? Đó chính là lập dàn ý trước khi viết bài. Tuy nhiên, phần lớn học sinh thời nay lại không có thói quen lập dàn ý, thường bỏ qua bước này. Biết được điều ấy, tôi đã suy nghĩ và giúp đỡ các bạn học sinh bằng cách đưa ra những dàn ý chi tiết cho các đề bài văn thuyết minh lớp 9. Dưới đây là dàn ý chi tiết thuyết minh về cây xoài. Để thuyết minh về cây xoài, chúng ta cần có đầy đủ các ý bao gồm: nguồn gốc của cây, hình dáng cây, phân loại, giá trị của cây, cách chăm sóc và gieo trồng. Chúc các em làm bài thật tốt.

Dàn ý chi tiết thuyết minh về cây xoài lớp 9

I, MỞ BÀI

– Dẫn dắt giới thiệu vấn đề mà đề bài yêu cầu: Thuyết minh về cây xoài.

Ví dụ

Mở bài số 1: Có rất nhiều loại trái cây khác nhau với hương sắc, vị ngọt khác nhau khiến nhiều người yêu thích: nào cam, nào mít, nào bưởi, nào ổi… Nhưng có lẽ xoài là loại trái cây được nhiều người yêu thích vào mùa hè.

Mở bài số 2: Xin chào tất cả các bạn. Các bạn hãy đoán xem tôi là ai nhé. Tôi là một loại trái cây, quả của tôi có hình bầu dục, hột bên trong rất to và cứng, thịt màu vàng thơm ngọt. Đúng vậy, tôi chính là cây xoài đây. Để hôm nay tôi giới thiệu với các bạn về họ hàng nhà xoài tôi nhé.

II, THÂN BÀI

* Nguồn gốc và xuất xứ của cây xoài

  • – Không ai rõ ràng thời gian cây xoài xuất hiện trên thế giới, có rất nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc của loại cây này.
  • – Người ta thống nhất cho rằng, cây xoài có nguồn gốc từ Nam và Đông Nam Á, gồm các nước Ấn Độ, Myanmar… bởi người ta đã tìm ra các mẫu hóa thạch tại các nước này và xác định chúng nó niên đại khoảng 25 triệu đến 30 triệu năm trước.

* Hình dáng và các bộ phận của cây xoài

  • – Rễ cây: Là rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất, đặc biệt là vùng đất cát. Rễ cọc giúp ăn sâu, khiến cây dễ dàng sống được ở những vùng có mạch nước sâu khiến cây dễ thích nghi.
  • – Thân cây: Thân gỗ rất cứng và chắc. Cây cao khoảng từ 10 đến 20m, thân cây màu nâu hơi xù xì, giống như nhiều loài cây ăn quả khác như vải, nhãn, mít…
  • – Lá cây: Màu xanh sẫm, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Lá hẹp và nhỏ, hình mũi mác. Mặt lá khá nhẵn và có mùi thơm nhẹ. Các lá xoài thường mọc so le nhau.
  • – Hoa xoài: Nhỏ li ti, mọc rất nhiều và mọc thành từng chùm. Hoa có màu vàng nhạt, các chùm mọc trên các cành nhỏ so le nhau. Hoa thường ra vào mùa xuân, có mùi thơm nhàn nhạt rất dễ chịu. Những chùm hoa xoài rất khó thấy, thường ẩn mình sau tán lá, bởi vậy phải nhìn thật kĩ mới có thể nhìn ra được.
  • – Quả xoài: Có hình bầu dục, phần đầu chỗ cuống hơi cong cong, còn phần đuôi hơi nhọn. Khi trái xoài còn non có màu xanh, khi chín có màu vàng sáng hoặc màu vàng sậm tùy theo từng loại xoài. Trên lớp vỏ có những chấm cát bé li ti. Bên trong lớp vỏ là phần thịt xoài, mềm hay cứng, chua hay ngọt tùy thuộc rất nhiều vào đất, thời tiết và giống cây. Bên trong nữa là phần hột xoài. Hột xoài rất cứng, nhỏ hay to tùy vào giống.

* Phân loại

  • – Xoài cát: Loại xoài ngon nhất. Trái rất nhỏ, thịt thơm và ngọt, màu vàng sẫm, các chấm cát li ti rõ ràng trên vỏ. Hạt dẹp và nhỏ.
  • – Xoài tứ quý: Trái nặng khoảng hơn 300g, vỏ rất mỏng và trơn láng. Thịt xoài ngọt, thơm, hạt nhỏ.
  • – Xoài xiêm: Thịt xoài vàng, hơi dẻo. Vỏ dày, mịn. Giống xoài này cho năng suất cao.
  • – Xoài tượng, xoài thanh ca: Xoài này không ăn chín mà được trồng để ăn lúc còn xanh. Ăn giòn và hơi chua.
  • …..

* Giá trị của cây xoài

  • – Giá trị dinh dưỡng: Có nhiều chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể con người. Vỏ xoài có tác dụng chữa đau răng, viêm lợi. Vỏ hoặc hột xoài được dùng để làm thuốc chữa một số bệnh dân gian. Thịt xoài được sử dụng rất nhiều trong việc làm bánh, sinh tố, đồ uống… Tuy nhiên, xoài có tính nóng nên không ăn quá nhiều.
  • – Giá trị kinh tế: Xoài đem lại nguồn lợi kinh tế cho người trồng, đồng thời là sản phẩm xuất nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, lượng tiêu thụ xoài thường khá lớn.

* Cách chăm sóc và gieo trồng

  • – Yếu tố lựa chọn giống ban đầu, lựa chọn đất là rất quan trọng.
  • – Cần chú ý cung cấp nước và chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây phát triển.
  • – Khi cây ra quả cần dùng túi bọc lại tránh bị sâu hay chim ăn làm hỏng.

III, KẾT BÀI

– Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây xoài cũng như về giá trị của loại cây này.

Nguồn Internet