Dàn ý thuyết minh về cây chè lớp 9 chi tiết đầy đủ nhất

“Nhất thuỷ, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.” Nếu ai đã từng nghe qua câu này hẳn là sẽ nhớ mãi. Đây chính là những yếu tố quan trọng trong việc pha trà và thưởng trà mà người xưa đã đúc kết lại: Quan trọng trước tiên là nước pha trà, tiếp đó là tới trà, chén, ấm và người cùng thưởng trà. Việc thưởng trà từ lâu đã trở thành thú vui, thói quen không chỉ của người Việt mà còn là của nhiều nước phương Đông khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản… Thậm chí nó còn trở thành một phần của văn hoá truyền thống. Nhiều người nước ngoài đã tìm đến phương Đông để được tìm hiểu về nét văn hoá này. Nhưng không phải ai cũng biết rằng để có được những tách trà thơm ngon ấy, người hái phải cẩn thận và tỉ mỉ đến thế nào, rằng cây chè – loại cây sản xuất ra trà đã phải vươn mình đón lấy tinh hoa đất trời mà đem đến chất lượng tốt nhất. Chính vì thế nên khi gặp đề văn yêu cầu thuyết minh về cây chè thì nhiều bạn học sinh lại lúng túng vì chưa gặp qua, quan sát qua bao giờ. Biết được điều ấy, hôm nay tôi đã đưa ra dưới đây một dàn ý chi tiết cho đề bài này, để từ đó các em tham khảo rồi viết bài sao cho thật tốt. Chúc các em thành công.

Dàn ý chi tiết thuyết minh về cây chè lớp 9

I, MỞ BÀI

– Dẫn dắt giới thiệu vấn đề mà đề bài yêu cầu: Thuyết minh về cây chè.

Ví dụ

Mở bài số 1: Trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống của con người được chú trọng nâng cao lên thì con người ta lại chán những thức ăn nhanh hay những món ăn sang trọng. Người ta bắt đầu tìm đến với những thứ thanh đạm giản dị lại có giá trị tốt với cơ thể. Một trong những thứ đó là chè – loại cây cho ra thức uống được rất nhiều người yêu thích.

Mở bài số 2: Nếu các bạn hỏi có loại thức uống nào dịu nhẹ, không ngọt cũng không đắng, lại có tác dụng tốt cho cơ thể, màu thức uống đẹp mắt thì đó là trà. Trà là sản phẩm từ chè – một loại cây trồng phổ biến ở châu Á, đặc biệt là ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…

II, THÂN BÀI

* Nguồn gốc và xuất xứ của cây chè

– Về nguồn gốc của cây chè, theo truyền thuyết thì loại cây này có nguồn gốc từ Trung Hoa xưa. Người đã phát hiện ra loại cây này chính là Viêm Đế, hay còn gọi là vua Thần Nông – một trong Tam hoàng, vào khoảng năm 2730 TCN. Khi đó đang cùng đoàn tùy tùng của mình nghỉ chân dưới một gốc cây thì có một cơn gió cuốn vài chiếc lá lạ vào trong siêu nước đang sôi. Ngay lập tức, nước trong siêu chuyển sang màu xanh ngả vàng và hương thơm từ trong siêu tỏa ra đã khiến nhà vua yêu thích. Sau đó nhà vua đã mang về nghiên cứu và phát hiện ra tác dụng to lớn của chè.

  • + Tuy nhiên, do truyền thuyết này mà người Trung Hoa chỉ dùng chè để chữa bệnh, sau đó là chỉ có quý tộc được dùng loại cây này.
  • + Người ta xác định rằng chè được sử dụng từ khoảng triều nhà Thương, đặc biệt phổ biến vào thời nhà Đường, bắt đầu lan sang các nước khác.

– Theo thư tịch cổ Việt Nam thì cây chè từ lâu đã có hai loại: một là được trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng, một là ở vùng núi phía Bắc.

=> Như vậy, chè là một loại cây vô cùng phổ biến và đã có từ rất lâu đời, trở thành một thức uống, một phương thuốc hữu hiệu được nhiều người ưa chuộng.

* Hình dáng và các bộ phận của cây chè

  • – Rễ chè: Là dạng rễ chùm, thường ăn sâu xuống lòng đất khoảng hơn 1m. Nếu đất là đất tơi xốp thì rễ sẽ ăn sâu hơn rất nhiều.
  • – Thân chè:
  • – Lá chè: Các lá mọc ở trên cành, mọc cách nhau một khoảng đều đặn gọi là đốt. Cứ mỗi đốt là sẽ có một lá. Gân lá thường nổi lên rất rõ, màu sắc của lá phụ thuộc vào loại chè mà có màu đậm hay nhạt. Rìa lá có hình răng cưa, sờ vào hơi ngứa.
  • – Hoa chè: Hoa chè rất đẹp, có 5 hoặc 7 cánh. Cánh hoa màu trắng cong cong, bao bọc lấy nhuỵ hoa màu vàng sáng ở bên trong. Cây thường ra nụ vào tháng 6 nhưng lại phải đến tháng 11 hoặc tháng 12 mới nở hoa. Nụ hoa màu xanh, be bé như hạt ngọc sáng ẩn giấu dưới chiếc lá. Một cây chè thường có rất nhiều hoa, trung bình khoảng từ 100 đến 200 bông.
  • – Búp chè: Đây là đoạn non nhất của cành chè. Bao gồm có một vài lá non và tôm chè – phần non tận cùng của cành chè, chưa xoè ra lá. Đây cũng chính là phần người ta thu hoạch để chế biến và sản xuất ra nhiều loại chè khác nhau. Vì vậy nên đây là phần quan trọng nhất và có giá trị nhất.
  • – Quả chè: Thuộc dạng quả nang. Mỗi quả gồm khá nhiều ngăn, bên trong có khá nhiều hạt. Quả có màu xanh đậm. Bên trong là hạt chè rất cứng, có màu nâu sẫm.

* Phân loại

– Người ta có rất nhiều cách phân loại cây chè. Đây là cách phân loại khoa học được Cohen Stuart đưa ra và được nhiều người chấp nhận. Theo ông thì có 4 loại đó là:

  • + Chè Trung Quốc lá nhỏ: Nếu quan sát thì sẽ thấy loại cây này thấp, mọc giống như cây bụi vậy. Chúng phân cành nhiều và có khả năng chịu rét khá tốt, lên tới -15 độ. Lá chè rất dày, có màu xanh đậm, dài khoảng từ 3,5 đến 6,5 cm, các răng cưa nhỏ và không đều nhau. Tuy nhiên thì do búp chè nhỏ, ra hoa nhiều nên năng suất thấp, chè ra chất lượng cũng rất bình thường. Được phân bố chủ yếu ở miền Đông, Đông Nam Trung Quốc, Nhật Bản và một số vùng khác.
  • + Chè Trung Quốc lá to: Loại chè này có thân cây thuộc dạng thân nhỡ, cao tầm khoảng 5m nếu không có tác nhân đặc biệt nào khác ảnh hưởng. Lá chè này thường khá to và dài, đúng như tên gọi của nó. Lá chè có màu xanh bóng và nhạt, cho năng suất cao và chất lượng rất tốt. Loại chè này gốc ở Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc nên có tên gọi như vậy.
  • + Chè Shan: Thân gỗ cao từ 6m cho đến 10m. Lá cây to, xanh nhạt, đầu lá nhọn và có răng cưa ở viền lá dày. Búp chè của loại cây này có rất nhiều lông tơ, có màu trắng như tuyết, sờ lên mịn nên được gọi là chè tuyết nữa. Loại chè này thích ứng được điều kiện thời tiết ẩm, địa hình cao vẫn cho ra sản phẩm chè chất lượng rất tốt. Có thể nói đây là loại chè tốt nhất trong số 4 loại được phân. Loại chè này có ở Vân Nam – Trung Quốc, Miến Điện và miền Bắc nước ta.
  • + Chè Ấn Độ: Thân cây rất cao, lên tới hơn 15m, nhưng cành lại khá thưa nhau. Lá mỏng và mềm, có màu xanh đậm nhưng lại không chịu được rét hạn. Chất lượng chè tốt, thường được trồng ở Ấn Độ, Miến Điện, Vân Nam – Trung Quốc và một vài vùng khác nữa.

* Giá trị của cây chè

– Giá trị về các chất, về văn hóa…

  • + Trước hết phải nói đến giá trị tuyệt vời của các chất có trong chè giúp chống ung thư, ngăn ngừa béo phì.
  • + Chè thúc đẩy quá trình trao đổi chất, được cho vào nhiều thực đơn ăn kiêng.
  • + Ngoài ra bã chè phơi khô còn giúp vệ sinh khử mùi hôi, khi đốt có thể đuổi được các loài sinh vật như gián, kiến…
  • + Caffeine có trong chè giúp chúng ta tỉnh táo vào mỗi sớm. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều.
  • + Cây chè là niềm tự hào của nền văn hóa Trung Hoa, thói quen dùng trà là nét nổi bật được gìn giữ của người Anh, người Việt…, trà đạo là một nét giá trị trong văn hóa nhiều nước phương Đông.

– Giá trị kinh tế:

  • + Chè là loại cây có giá trị xuất khẩu khá lớn, mang lại nguồn lợi không nhỏ dành cho người dân.
  • + Sản xuất và chế biến chè là một ngành có triển vọng và được đầu tư khá nhiều.

=> Với thói quen dùng chè và việc các quán đồ uống xuất hiện ngày càng nhiều, cây chè ngày càng có giá trị và được chú trọng phát triển.

* Cách chăm sóc và gieo trồng

  • – Cần phải chú ý nhiều đến mật độ gieo trồng, đất và khí hậu khi lựa chọn trồng chè.
  • – Không chỉ vậy, cần chú ý quá trình chăm sóc, phân bón…

III, KẾT BÀI

– Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây chè cũng như về giá trị của loại cây này.

Nguồn Internet