Cảm nhận về ” Thằng gù nhà thờ Đức Bà “

Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy…

Khi nghe tên này, như một phản xạ – tôi liền lập tức nhớ ngay đến tác phẩm kinh điển ” Thằng gù nhà thờ Đức Bà ” của danh hào Victor Hugo vĩ đại. Nhìn ngọn lửa cháy bừng bừng một cách mãnh liệt vào 0h20’ rạng sáng ngày hôm nay – y hệt như ngọn lửa phản kháng dữ dội của một lớp người ở đáy cùng của xã hội Pháp trong những năm của thế kỉ 15 – thời kì xa hoa của giới quý tộc, tăng lữ Pháp đang đứng trên đỉnh đầu. Và ở đâu đó vẫn tồn tại một góc khuất chẳng ai thèm đếm xỉa.

Quasimodo – thằng gù có số phận hẩm hiu luôn bị người dân cợt nhả, bị bọn quý tộc chà đạp. Những tưởng Quasimodo sẽ suốt đời câm lặng trốn tránh hiện thực xã hội tàn khốc như thế, nhưng cuộc gặp gỡ với Esmerald – người con gái định mệnh xuất hiện trong cuộc đời hắn đã khiến hắn dường như thấy được ánh sáng ở đâu đó trong con đường tối tăm.

Hắn yêu Esmerald đầy cuồng si nhưng cũng đầy tuyệt vọng. Bởi Esmerald chẳng khác gì đám người ngoài ánh sáng kia – bài xích hắn bởi ngoại hình chẳng khác gì một con quỷ. Vả lại Esmerald cũng đã yêu người khác – à há, dĩ nhiên là một anh chàng cao to, đẹp trai và dũng mãnh. Chàng ta rạng ngời hơn hắn nhiều, và cuốn hút tất cả. Quasimodo có thể hận Esmerald đã dập tắt hi vọng duy nhất được cứu rỗi trong hắn.

Và quả thật hắn đã hận. Nhưng hắn không hận Esmerald – hắn hận những người sống trong sung sướng nhưng lại đày đọa khiến hắn đau khổ, khiến hắn không thể ngẩng mặt lên mà sống một cách bình thường như bao người.

Và dù Esmerald không yêu hắn, nhưng nàng vẫn là điều tốt đẹp duy nhất trong cuộc đời mà hắn biết. Vì Esmerald, vì ánh sáng ở cuối con đường tăm tối kia, thằng gù bỗng nhiên nổi dậy, giết đám người lòng lang dạ thú đã nuôi hắn từ nhỏ, giải thoát cho Esmerald – và cũng là giải thoát cho chính mình.

Chỉ có điều, Esmerald sống, còn hắn thì chết. Cái chết dường như trở thành lối thoát duy nhất cho cuộc đời bất hạnh của thằng gù.

Trong bộ phim hoạt hình được Disney chuyển thể thành công, dường như màu sắc chủ đạo của phim là hai màu đen xám và sau đó là màu vàng và rực đỏ. Mở đầu bộ phim là không gian tối tăm đến rợn người của Nhà thờ Đức Bà Paris có vẻ ngoài trang hoàng, lộng lẫy. Nhưng bên trong thì ai biết được sẽ chứa đựng những gì. Sự tàn nhẫn, chà đạp và cả mảnh đời bất hạnh của thằng gù Quasimodo kia. Từ phân đoạn nổi dậy cho đến lúc phim kết thúc, là một màu rực cháy và ánh sáng chói lòa của lửa, của hi vọng và tinh thần phản kháng mãnh liệt của Quasimodo – hơn hết là của người dân nghèo đến cùng cực trong xã hội Pháp.

Chỉ có điều, nhà làm phim có vẻ không muốn trẻ con phải ám ảnh bởi cái kết tiêu cực như bản gốc, nên Quasimodo trong phim thật sự có kết thúc hậu hĩnh hơn trong truyện nhiều. Thằng gù được bước ra ngoài ánh sáng một cách quang minh lỗi lạc, được tận hưởng sự reo hò hân hoan của mọi người. Hắn cuối cùng cũng được yêu, được thương, được trân trọng chứ không phải là được “ giải thoát ” đầy bi kịch như trong truyện kia.

Còn hôm nay, nhà thờ Đức Bà Paris trong hiện thực đã bị cháy – không phải là do ai nổi dậy, chỉ là kết cấu nội thất bên trong đã quá cũ và không được tu sửa kịp thời. Nhưng xem lướt qua những bức ảnh ghi lại tâm trạng của người dân, mới không ngờ được họ trân trọng những giá trị văn hóa – lịch sử một cách sâu sắc đến thế. Những gương mặt thất thần, cái ôm đầu hay che miệng đầy chua xót.

Còn nhớ tôi đọc ở đâu đó, một bài báo nhấn mạnh rất hay về tinh thần văn học và sự tôn vinh sâu sắc những gì thuộc về phi vật thể, về tinh thần của người Pháp. Ở Pháp, nghệ thuật và văn học luôn gắn liền với những gì cao quý. Pháp còn có hẳn một kênh truyền hình riêng dành cho những người yêu Văn học. Và hàng năm xứ sở này đều có hẳn những giải thưởng lớn danh giá dành cho những người hoạt động sáng tác Văn học – nghệ thuật.

Thôi tạm dừng vài dòng liên tưởng tại đây.

PHƯƠNG THỤ