Cảm nhận về chi tiết bát cháo hành mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo và chi tiết ấm nước đầy và hãy còn ấm mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ

Cảm nhận về chi tiết bát cháo hành mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo và chi tiết ấm nước đầy và hãy còn ấm mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ

Hướng dẫn

Đề bài: Chí Phèo và Đời thừa đều là những truyện ngắn đắc sắc nhất của Nam Cao. Trong cả hai tác phẩm, nhà văn Nam Cao đều xây dựng được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc có giá trị biểu đạt cao. Anh chị hãy trình bày cảm nhận của anh chị về chi tiết “bát cháo hành”mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo ( Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và hãy còn ấm”mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa- Nam Cao).

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Nam Cao là nhà nhân đạo lớn, nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.

– Chí Phèo và Đời thừa là những truyện ngắn đặc sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nam Cao trước cách mạng.

– Chi tiết bát cháo hành trong Chí Phèo và bát nước ấm trong Đời thừa là những chi tiết đắt giá không chỉ góp phần phát triển cốt truyện mà còn biểu hiện tâm lí nhân vật, tư tưởng chủ đề mà Nam Cao muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.

2. Thân bài

– Chi tiết bát cháo hành trong “Chí Phèo”:

+ Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo trước hết là hình ảnh thật về bát cháo mà Thị Nở mang sang giúp Chí Phèo giải cảm.

+ Bát cháo hành là biểu hiện của tình thương đầy ấm áp của người đàn bà xấu xí bị cả làng ruồng bỏ dành cho con quỷ dữ làng Vũ Đại.

–> Bát cháo hành không chỉ gây ngạc nhiên, xúc động cho Chí vì từ nhỏ không ai cho không Chí cái gì mà còn giúp Chí nhận thức được thực tại thê thảm của bản thân.

–> Hơi ấm của bát cháo hành còn thức tỉnh những phần người, nhân tính bên trong con người Chí.

=> Chi tiết bát cháo hành không chỉ là chi tiết quan trọng thúc đẩu sự phát triển của cốt truyện mà còn góp phần khắc họa nét tính cách, bi kịch của nhân vật cùng niềm tin mãnh liệt của Nam Cao đối với khả năng cảm hóa ở con người.

– Chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” trong Đời thừa:

+ Chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tâm lí của nhân vật Hộ.

+ Là biểu hiện của sự tận tâm, ân cần của người vợ, dù trước đó Từ vừa bị Hộ mắng chửi và đối xử tệ bạc nhất.

+ Sâu hơn của tình thương đó chính là niềm tin vào người chồng ở Từ, bởi người đàn bà ấy biết chồng mình là một người có trách nhiệm, những hành động tàn nhẫn cũng do hơi men chi phối.

–> Bát nước ấm ấy cũng đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật Hộ khiến anh thức tỉnh về bản thân, hối hận về những hành động tàn nhẫn của mình đối với vợ trong cơn say.

+ Hộ thấm thía hơn về tình nghĩa, về tình thương và trách nhiệm của bản thân với vợ, con.

=> Chi tiết bát nước ấm giúp khắc sâu hơn về tính cách và tâm lí của nhân vật Hộ, thể hiện đầy sinh động tư tưởng của Nam Cao về khả năng cảm hóa của tình người.

– Nhận xét:Chi tiết bát cháo hành và bát nước ấm trong hai truyện ngắn đều gặp gỡ bởi sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh, đều là biểu hiện của tình thương, tấm lòng của những người phụ nữ, cũng chính tình thương ấy đã thức tỉnh tính người bên trong những kẻ đang bị tha hóa.

3. Kết bài

Bát cháo hành và bát nước đầy hãy còn ấm là những chi tiết đắt giá không chỉ góp phần phát triển mạch truyện mà còn thể hiện được giá trị nhân đạo, tư tưởng nhân văn trong mỗi tác phẩm.

II. Bài tham khảo

Nam Cao là nhà nhân đạo lớn, nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông thường hướng đến những người nông dân và người trí thức nghèo khổ, trang văn của Nam Cao vừa chân thực, giản dị lại thấm đượm ý vị nhân sinh, đặc biệt ông có biệt tài trong việc phân tích mà miêu tả tâm lí nhân vật.

Chí Phèo và Đời thừa là những truyện ngắn đặc sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nam Cao trước cách mạng. Chi tiết bát cháo hành trong Chí Phèo và bát nước ấm trong Đời thừa là những chi tiết đắt giá không chỉ góp phần phát triển cốt truyện mà còn biểu hiện tâm lí nhân vật, tư tưởng chủ đề mà Nam Cao muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.

Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo trước hết là hình ảnh thật về bát cháo mà Thị Nở mang sang giúp Chí Phèo giải cảm. Tuy nhiên, bát cháo ngỡ như đơn giản, quá đỗi bình thường ấy lại chứa đựng những ý nghĩa thật lớn lao, đó không chỉ là biểu hiện của sự chu đáo, ân cần của Thị Nở khi thấy Chí Phèo một mình đơn độc khi ốm đau mà còn là biểu hiện của tình thương đầy ấm áp của người đàn bà xấu xí bị cả làng ruồng bỏ dành cho con quỷ dữ làng Vũ Đại. Đó cũng là hương vị của tình thương, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo bất ngờ nhận được.

Bát cháo hành không chỉ gây ngạc nhiên, xúc động cho Chí vì từ nhỏ không ai cho không Chí cái gì mà còn giúp Chí nhận thức được thực tại thê thảm của bản thân. Hơi ấm của bát cháo hành còn thức tỉnh những phần người, nhân tính bên trong con người Chí. Chí bỗng nhớ lại những giấc mơ thời trai trẻ, Chí muốn quay lại làm người lương thiện, muốn làm hòa với mọi người.

Chi tiết bát cháo hành không chỉ là chi tiết quan trọng thúc đẩu sự phát triển của cốt truyện mà còn góp phần khắc họa nét tính cách, bi kịch của nhân vật cùng niềm tin mãnh liệt của Nam Cao đối với khả năng cảm hóa ở con người.

Trong truyện ngắn “Đời thừa”, chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà Từ dành sẵn cho Hộ uống khi tỉnh rượu tuy chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tâm lí của nhân vật Hộ. Đó không chỉ là biểu hiện của sự tận tâm, ân cần của người vợ, dù trước đó Từ vừa bị Hộ mắng chửi và đối xử tệ bạc nhất. Sâu hơn của tình thương đó chính là niềm tin vào người chồng ở Từ, bởi người đàn bà ấy biết chồng mình là một người có trách nhiệm, những hành động tàn nhẫn cũng do hơi men chi phối.

Bát nước ấm ấy cũng đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật Hộ khiến anh thức tỉnh về bản thân, hối hận về những hành động tàn nhẫn của mình đối với vợ trong cơn say. Hộ thấm thía hơn về tình nghĩa, về tình thương và trách nhiệm của bản thân với vợ, con. Chi tiết bát nước ấm giúp khắc sâu hơn về tính cách và tâm lí của nhân vật Hộ, thể hiện đầy sinh động tư tưởng của Nam Cao về khả năng cảm hóa của tình người.

Như vậy, chi tiết bát cháo hành và bát nước ấm trong hai truyện ngắn đều gặp gỡ bởi sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh, đều là biểu hiện của tình thương, tấm lòng của những người phụ nữ, cũng chính tình thương ấy đã thức tỉnh tính người bên trong những kẻ đang bị tha hóa. Tuy nhiên, nếu như bát cháo hành được khắc họa chi tiết trong tác phẩm để thể hiện quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, phù hợp với tâm lí của người nông dân nghèo thì “bát nước đầy và hãy còn ấm” chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng vẫn có thể tác động, thức tỉnh lương tri của Hộ, phù hợp với tâm lí của người trí thức.

Bát cháo hành và bát nước đầy hãy còn ấm là những chi tiết đắt giá không chỉ góp phần phát triển mạch truyện mà còn thể hiện được giá trị nhân đạo, tư tưởng nhân văn trong mỗi tác phẩm.