Cảm nhận của anh/ chị về “một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Cảm nhận của anh/ chị về “một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Hướng dẫn

Đề bài: Anh chị hãy nêu cảm nhận của mình về tác phẩm “một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải

Mở bài Cảm nhận về “một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Nguyễn Khải là nhà văn xông xáo, nhạy bén với những vấn đề thời sự, có khả năng phân tích tâm lí sắc sảo. Ở giai đoạn đổi mới, ông đặc biệt quan tâm tới những số phận cá nhân trong cuộc sống đời thường, giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều trải nghiệm.

“Một người Hà Nội” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải giai đoạn đổi mới thể hiện những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp với chiều sâu văn hóa của người Hà Nội cùng những giá trị bất biến trong xã hội đang diễn ra nhiều đổi thay.

Thân bài Cảm nhận về “một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Nguyễn Khải trước đây được mọi người biết đến là một cây bút chuyên các vấn đề chính luận, thời sự nóng hổi, các vấn đề chính trị, nhạy cảm của đất nước nhưng khi tác phẩm “một người Hà Nội” ra đời đã chco thấy được sự chuyển biến về nhận thức cũng như đề tài mà ông lựa chọn.

Việc đánh giá, sắp xếp các nhân vật của mình trong một hoàn cảnh và miêu tả dựa trên phạm trù chính diện, tốt hay xấu đã trở nên lỗi thời và khá bất cập. Sự đánh giá về một con người có thể mang tính nhiều chiều, lời khen, chê bai của nhà văn đã được thể hiện qua nhân vật kể chuyện xưng “tôi”, lúc này đó chỉ là thứ tham khảo thuần túy chứ không phải là chân lý hay đạo lý gì. Trong “một người Hà Nội” nhân vật “tôi” nhìn bà Hiền như “một hạt bụi vàng”, đó chính là cái quyền của nhân vật tôi trong câu chuyện. Mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau về nhân vật, người này đánh giá như thế này, người kia nhận xét khác, nhưng nhìn chung phải được nhìn ra từ những gợi ý do nhân vật kể chuyện “tôi” gợi ý cho. Nếu không hiểu được nguyên tắc, chuẩn mực mới của tác giả, thì sẽ có nhiều người quy chiếu vào khuynh hướng sáng tác trước đây của ông để tìm hiểu và đánh giá đối tượng thì có phần không đúng, phán quyết một cách vô lý cái quan điểm sáng tác của Nguyễn Khải hoặc cũng có người khen ngợi những phẩm chất cao quý ở bà Hiền mà chỉ có người Hà Thành xưa mới giữ được những nét xưa cổ kính như thế.

Nếu cho bạn đặt lại tên cho tác phẩm này, bạn sẽ đặt như thế nào? “một người Hà Nội” thành “nghĩ về người Hà Nội” để cho chúng ta có thể hiểu hết được gì những gì mà tác giả muốn truyền đạt tới chúng ta những tư tưởng về con người, quan điểm về cách sống.

Có thể thấy rằng, viết về “một người Hà Nội” nhưng đối tượng phản ánh lại có thể không phải là con người, dù con người là đáng quý, đáng ca ngợi, mà cái mà ông muốn nhắc tới trong tác phẩm chính là nền văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay, chính là thước đo để đánh giá và nâng tầm vị thế của Hà Nội trong lịch sử, chiều sâu văn hóa, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong một tương lai không xa. Không phải chỉ là ngắm bà Hiền “lau đánh cái bát bày thuỷ tiên” một cách đơn thuần hay ngẫu nhiên mà đó là cả dụng ý của tác giá, ông còn ghi chú bâng quơ: “nếu là một thiếu nữ thì phải hơn” rồi ông “thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái Tết Hà Nội”. Câu cú và mạch cảm xúc trong câu chuyện rất mạch lạc và hợp lý:”Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!”, hợp lý thì hợp lý thật đấy nhưng ta vẫn thấy có cái gì đó nó mới lạ làm sao, đó là người ta vẫn cứ quen với cái lối viết và suy nghĩ trước đây của ông, giờ lại theo kiểu này khiến độc giả vẫn chưa quen. Nhưng dù có hiểu như thế nào đi chăng nữa thì có một điều ta khẳng định với nhau: Nguyễn Khải thật sự yêu quý Hà Nội, có những suy nghĩ thâm trầm về “đất kinh kì” và tha thiết được thấy một Hà Nội hiện đại, đẹp, sang, xứng với bề dày văn hoá truyền thống của nó.

Tác giả khắc họa nhân vật Bà Hiền, như một hình tượng đẹp đẽ, thể hiện cái tinh thần và văn hóa quý báu của người dân Hà Nội, Không thuộc kiểu người xuất chúng, bà Hiền là người Hà Nội bình thường nhưng rất đậm cốt cách, phẩm chất người Hà Nội. Trong công việc gia đình, nuôi dạy con cái cũng như trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, cái chuẩn trong suy nghĩ của bà Hiền là phải có văn hóa, có lòng tự trọng: việc hôn nhân, sinh con, quản lí gia đình, dạy con cái không sống tùy tiện, buông tuồng, đồng ý cho con đi chiến đấu vì “không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè”. Bà Hiền luôn tin vào vẻ đẹp trường tồn, bất biến trong lối sống, cốt cách và bản sắc văn hóa Hà Nội: “mỗi thế hệ có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi”.

Những công việc đó là công việc hàng ngày, chả động chạm tới ai, thế mà có ai dám bảo cái chất đó không phải là nét đặc trưng của người dân Hà Nội không? Bà Hiền ứng xử có bán lĩnh trước những thay đổi diễn ra trong xã hội, luôn luôn dám là mình, thẳng thắn, chân thành, đồng thời cũng khéo léo, thông minh.

Bà Hiền luôn giữ gìn những nét đặc trưng trong lối sống Hà Nội, biểu lộ phong thái lịch lãm, sang trọng, tài hoa của người Hà thành (cách trang trí phòng khách, những bữa ăn của gia đình bà đều toát lên vẻ cổ kính, quý phái, và óc thẩm mĩ tinh tế của chủ nhân…).

Bà Hiền xứng đáng được gọi là “một hạt bụi vàng” của đất Kinh kỳ. Hạt bụi vàng là hình ảnh của vật nhỏ bé, khiêm nhường mà cao quý, quý báu. Những hạt bụi vàng như thế hợp lại thành ánh vàng chói sáng, đó chính là phẩm giá đã thành bản sắc Hà Nội, thành truyền thống của người Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Là hình ảnh so sánh đặc sắc thể hiện sự khái quát nghệ thuật cao, biểu hiện được mối gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng, chứa đựng niềm trân trọng và tự hào của tác giả. Hình ảnh để giúp Nguyễn Khải cô đúc được toàn bộ phẩm chất phong phú của nhân vật vào một chi tiết nhỏ nhưng gây ý nghĩa biểu tượng, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc.

Và khi biến cố, đất nước xảy ra chuyện, người dân miền Bắc phải di cư vào Nam để sinh sống nhưng giá đình bà không đi, vì “không thể rời xa Hà Nội” đây không chỉ là biểu hiện tình yêu quê hương đất nước đơn thuần mà đó còn là niềm tin về sự trường tồn mãi mãi của một vùng đất linh thiêng, có bè dày văn hóa và lịch sử như Hà Nội. Hóa ra làm người Hà Nội không chỉ là sự vinh dự, tự hào mà nó còn là trách nhiệm.

Những gì mà chúng ta vừa bàn luận ở trên để thấy được tình cảm máu thịt và thân thương của Hà Nội với bà Hiền là khó có tách rời. Khi kể về nhân vật bà Hiền thì “tôi” đã kể một cách rành mạch và rạch ròi: “tính thế là đúng”, “Mọi sự mọi việc đều được các bà tính trước cả. Và luôn tính đúng…”, “đã tính là làm”, “Cô tôi tính toán việc nhà việc nước đại khái là như thế”, “cô muốn mở rộng sự tính toán…”. Cho rằng bà Hiền là người tính đúng, chứng tỏ bà là người khôn ngoan, vì thế dù việc có khó khăn, phức tạp như thế nào bà cũng sắp xếp nhẹ nhàng, đâu vào đấy hết.

Nói ra toàn những chuyện như thế về bà Hiền, phải chăng tác giả muốn kết luận rằng cái “bản sắc” của người Hà Nội là tính và khôn? nhưng thực sự đó không phải là điều mà tác giả đề cập tới, mà thứ để nhà văn nhấn mạnh vào đó là nơi đó vẫn giữ một bản lĩnh, một ý thức, lòng tự trọng dân tộc, tự hào về quê hương đất nước.

Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: nhân vật được trần thuật từ điểm nhìn của nhân vật “tôi” và những tình huống gặp gỡ với những nhân vật khác qua nhiều thời đoạn của đất nước, Nguyễn Khải đã khắc họa được chân dung của bà Hiền với vẻ đẹp toàn vẹn: vừa rất truyền thống vừa rất hiện đại, xứng đáng là “một hạt bụi vàng” của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Kết luận Cảm nhận về “một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Qua tác phẩm, ta thấy được khuynh hướng mới, cách nhìn nhận và đánh giả mới mẻ của tác giả. Những “hạt bụi vàng” như bà Hiền chính là thứ mà chúng ta nên lưu giữ và phát huy, ở bà không chỉ là tình yêu quê hương và trên hết là trách nhiệm, là nghĩa vụ của một người con Hà Nội.