Cảm nhận anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa lớp 9

Trong những năm 70 của thế kỉ XX, song song với việc miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mĩ, miền Bắc đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, bước vào cuộc sống mới với hình ảnh tiêu biểu là những con người mới tích cực, khẩn trương, hăng say lao động với niềm vui làm chủ cuộc đời. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ chắp bút. Và với “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã khắc họa vẻ đẹp của những con người lặng thầm hiến dâng cho đất nước qua việc xây dựng nhân vật anh thanh niên. Trong chương trình Ngữ Văn 9, chúng ta bắt gặp dạng đề phân tích cảm nhận nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”. Với kiểu đề này, chúng ta chú ý tập trung khắc họa những vẻ đẹp anh thanh niên và nghệ thuật khắc họa nhân vật. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích cảm nhận nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” để mọi người có hình dung rõ hơn về dạng đề này.

BÀI LÀM MẪU SỐ 1 CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT ANH THANH NIÊN TRONG “LẶNG LẼ SA PA”

Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long hấp dẫn người đọc bởi sự nhẹ nhàng, kín đáo và thấm đẫm chất thơ. “Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm tiêu biểu của ông. Truyện đã khắc họa nổi bật nhân vật anh thanh niên với bao vẻ đẹp của người lao động mới rất đáng trân trọng.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả chuyến đi thực tế Lào Cai mùa hè năm 1970 của Nguyễn Thành Long. Chính không khí tích cực, khẩn trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cùng miền Nam kháng chiến chống Mĩ đã góp phần tạo nên thiên truyện. Anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện từ đầu tác phẩm mà chỉ hiện ra qua cuộc trò chuyện ba mươi phút với các nhân vật khác. Sau đó anh lại khuất lấp vào trong mây mù lặng lẽ của Sa Pa. Dù vậy nhưng nhân vật anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng về vẻ đẹp của con người lao động mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vẻ đẹp nổi bật ở nhân vật anh thanh niên là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Hoàn cảnh sống và công việc khó khăn vậy mà anh đã gắn bó được bốn năm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh kể về công việc, cuộc sống của mình một cách vắn tắt nhưng khá đầy đủ bằng một giọng văn say sưa, chân thành: “Cháu ở đây có nhiệm vụ… Đây là máy móc của cháu… Công việc nói chung là dễ.” Anh quan niệm đúng đắn, sâu sắc về công việc, cuộc sống: “mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? ” Anh coi công việc là bạn, là niềm vui sống: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”, “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.” Vì vậy, sống một mình nhưng anh không bao giờ thấy nhàn rỗi hay cô đơn dù rất thèm người, thèm nghe chuyện dưới xuôi.

Anh thanh niên là người biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một mình khoa học, ngăn nắp. Sống một mình nơi heo hút, vắng lặng nhưng cuộc sống của anh vẫn đầy đủ, phong phú cả vật chất lẫn tinh thần: một căn nhà ba gian sạch sẽ với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, nơi làm việc, góc học tập, nơi nghỉ ngơi. Anh còn trồng cả một vườn hoa rực rỡ sắc màu, khi khách đến chơi thì ngắt hoa để tặng. Anh tự nuôi gà đẻ trứng đến nỗi ăn không xuể. Anh có hẳn một giá sách để đọc ngoài giờ. Cuộc sống ấy khiến những người khách thật sự bất ngờ.

Không những thế, anh thanh niên còn đẹp ở tấm lòng khiêm tốn và lòng nhiệt tình mến khách chu đáo. Anh thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh dành năm phút để kể về công việc của mình, còn hai mươi phút để nghe chuyện dưới xuôi. Anh từ chối khi họa sĩ định vẽ chân dung mình và giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn. Tấm lòng nhiệt tình, sự quan tâm của anh với người khác không chỉ là hình thức xã giao: biết tin vợ bác lái xe bị ốm, anh gửi biếu củ tam thất. Anh vui mừng khi có khách đến thăm, cắt hoa để tặng khách, pha nước chè Yên Sơn đãi khách, khi khách ra về, anh còn tặng cả làn trứng để khách ăn đi đường. Tất cả những người khách xa lạ lần đầu đến với anh đều có cảm giác gần gũi, thân quen.

Truyện đã khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên với cốt truyện đơn giản mà giàu ý nghĩa khái quát, tình huống truyện nhẹ nhàng, giàu chất thơ. Đặc biệt cách xây dựng nhân vật độc đáo: anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện từ đầu tác phẩm mà chỉ hiện ra trong cuộc trò chuyện ba mươi phút với các nhân vật khác. Nhân vật chính được hiện lên qua cái nhìn của nhân vật phụ làm cho hình ảnh nhân vật trở nên chân thực, gần gũi hơn. Ngôn ngữ kể chuyện nhẹ nhàng, có sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả, biểu cảm và bình luận. Vẻ đẹp anh thanh niên chính là vẻ đẹp của con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với lòng yêu đời, yêu nghề, với sự nhiệt tình, chu đáo.

Với thành công trong việc khám phá cái đẹp ở nhân vật anh thanh niên, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã thể hiện nét đặc sắc trong phong cách văn xuôi Nguyễn Thành Long: nhẹ nhàng, giàu chất thơ, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. “Lặng lẽ Sa Pa” đã góp thêm một hình tượng đẹp về những con người lao động mới xây dựng cuộc sống mới trong văn học hiện đại Việt Nam.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 CẢM NHẬN NHÂN VẬT ANH THANH NIÊN TRONG TRUYỆN NGẮN LẶNG LẼ SA PA.

Không ai là không biết và cảm thấy yêu mến nhà văn Nguyễn Thành Long, một cây bút văn xuôi chuyên viết truyện ngắn và kí. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm tiêu biểu của ông, được sáng tác nhân một chuyến đi lên Lào Cai năm 1970. Nhân vật anh thanh niên được xây dựng thành công trong câu chuyện, một con người đẹp cả trong suy nghĩ và hành động và lời nói. Điều đó đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng các nhân vật khác và cả với độc giả khi tiếp nhận tác phẩm.

Anh thanh niên không xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện mà chỉ xuất hiện trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với các nhân vật khác trong truyện. Chỉ trong khoảng thời gian ít ỏi đó đủ để mọi người kịp ghi lại một ấn tượng, kịp để người hoạ sĩ kí hoạ chân dung anh rồi anh lại khuất lấp vào mênh mông, sương mù và cái lặng lẽ của Sa Pa. Mọi người thấm thía điều nhà văn muốn nói: “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa mà người ta chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Đằng sau cái Sa Pa thơ mộng đó, đằng sau cái Sa Pa yên lặng đó là cái Sa Pa xôn xao tình người, tình đời. Với cách dựng truyện như thế, anh thanh niên đã hiện lên chân thực, sống động qua cái nhìn, cách suy nghĩ của các nhân vật trong truyện khiến nhân vật anh càng thêm rõ nét, đáng mến.

Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Anh là kĩ sư khí tượng thủy văn kiêm nhà vật lí địa cầu. Công việc của anh là đo nắng, đo mưa, đo gió, tính mây, đo chấn động mặt đất nhằm dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc của anh có nhiều gian khổ, đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Gian khổ nhất với anh là lần đi mật báo vào lúc một giờ sáng: “Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được”. Những lời kể chân thực của anh thanh niên giúp người đọc cảm nhận được những gian khổ mà anh phải trải qua, từ đó ta càng thêm khâm phục, yêu mến anh hơn. Tuy nhiên, cái gian khổ của công việc cũng không đáng sợ bằng cái công việc của hoàn cảnh sống. Đó là sự cô đơn, vắng vẻ khi phải ở một mình trên đỉnh núi cao. Một hoàn cảnh cực kì đặc biệt. Anh cô đơn và “thèm người” quá, phải kiếm cớ để chặn xe khách để bác xe dừng lại để có cơ hội được gặp mọi người.

Tuy nhiên, anh thanh niên đã vượt qua được hoàn cảnh ấy bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị và sâu sắc. Trước hết đó là sự ý thức về công việc và lòng yêu nghề, thấy được ý nghĩa cao quý trong công việc của mình. Anh không tô đậm cái gian khổ của công việc nhưng anh đặc biệt nhấn mạnh vào niềm hạnh phúc khi làm việc. Đó là khi anh kể lại một lần phát hiện ra đám mây khô và giúp quân ta bắn phá máy bay của địch ở cầu Hàm Rồng. Anh hạnh phúc khi góp công sức vào chiến thắng của dân tộc. Anh đã có những suy nghĩ rất đúng đắn, giản dị mà sâu sắc về công việc và cuộc sống. Người đọc rất xúc động khi nghe lời tâm sự của anh: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Những suy nghĩ đó của anh thanh niên cho ta thấy anh yêu nghề bằng tất cả niềm say mê vào máu thịt. Anh đã tìm được lẽ sống, niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc. Không chỉ vậy, anh thanh niên còn biết tìm đến những niềm vui lành mạnh để cân bằng đời sống tinh thần của mình. Cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ khi anh biết lấy sách làm bạn tâm tình. Anh còn biết tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học, chủ động như trồng hoa, nuôi gà đẻ trứng, tự học và đọc sách ngoài giờ làm việc.

Ở anh thanh niên ấy còn có nhiều nét và phẩm chất rất đáng mến. Đó là sự cởi mở, chân thành, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Biểu hiện như tình thân của anh và bác lái xe. Anh nhớ cả chuyện vợ bác vừa ốm dậy, nên biếu bác củ tam thất để bồi bổ sức khỏe cho bác gái. Khách quý bất ngờ đến thăm, anh vui mừng đến luống cuống, hấp tấp. Những biểu hiện đó cho thấy anh là một người mến khách, cởi mở. Cách đón tiếp khách của anh thanh niên cũng rất chu đáo như tặng bó hoa cho anh kĩ sư lần đầu tiên đến thăm nhà, pha trà Yên Sơn tiếp khách do chính tay anh trồng. Anh đếm từng phút gặp gỡ ấy vì anh lo sợ mất 30′ vô cùng quý giá. Anh sợ mất đi cơ hội được nghe câu chuyện dưới xuôi. Anh xúc động đến nỗi phải quay mặt đi và ấn vội vào bàn tay ông hoạ sĩ cái làn trứng. Anh không dám tiễn khách ra xe dù chưa đến giờ “ốp”. Anh còn là người khiếm tốn, thành thực, anh cảm thấy những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh không dám từ chối để khỏi vô lễ nhưng lại nhiệt thành giới thiệu những người mà anh yêu quý, cảm phục. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét để tìm tài nguyên cho đất nước. Anh đã giới thiệu bằng tất cả niềm say mê, hào hứng và lòng cảm phục của mình.

Chỉ bằng vài chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện nhưng tác giả đã phác họa sống động chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc. Những nét đẹp trên được thể hiện bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật với những nét đặc sắc, bộc lộ qua cuộc gặp gỡ đặc biệt với lời nói, thái độ, hành động. Nhân vật không có tên riêng, không có ngoại hình cụ thể mà chỉ có tên gọi chung phiếm chỉ. Những nét đẹp của anh thanh niên thể hiện vẻ đẹp của con người Việt Nam trong giai đoạn chống Mĩ, giản dị, chân thành, giàu lí tưởng, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện cảm hứng của Nguyễn Thành Long trong sáng tác: Sa Pa không chỉ là sự yên tĩnh, bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc, hi sinh và mơ ước.

“Lặng lẽ Sa Pa” quả là một truyện ngắn thành công. Những âm vang của suy nghĩ về cái nhìn cuộc đời, ý nghĩa cuộc sống đã khơi gợi nên biết bao ý nghĩa trong sáng. Mỗi lời nói, suy nghĩ của anh thanh niên đã hướng con người, tìm cho mình một vẻ đẹp riêng cuộc sống để hoàn thiện nhân cách bản thân.

Nguồn Internet