Bày tỏ thái độ trước hiện tượng có những người: Chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần
Hướng dẫn
Bày tỏ thái độ trước hiện tượng có những người “Chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Dẫn dắt vấn đề: Trong cuộc sống hiện đại, có không ít người mải miết chạy theo những giá trị vật chất, bị cuốn vào những nhu cầu mưu sinh của cuộc sống thường nhật mà vô tình quên đi những nhu cầu về tinh thần, làm cho đời sống tinh thần ấy trở nên nghèo nàn và vô vị.
2. Thân bài
– Nhận định về hiện tượng người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo cho tâm hồn mình đang vơi cạn, héo dần” là lời cảnh báo về sự héo mòn của đời sống tinh thần nếu như con người chỉ biết chạy theo những nhu cầu về vật chất.
– “Túi tiền rỗng đi” là sự nghèo nàn về vật chất, hiểu theo nghĩa rộng hơn thì đó chính là nhu cầu về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống.
– “Tâm hồn” là đời sống bên trong, là thế giới tâm hồn tuy không nhìn được bằng mắt nhưng lại có tác động trực tiếp đến thái độ sống cũng như ý nghĩa sống của con người.
– Trong cuộc sống, việc tạo ra vật chất đáp ứng cho nhu cầu sinh tồn, phát triển là nhu cầu chính đáng xuất phát từ bản năng sống mạnh mẽ của con người.
– Theo đuổi những mục tiêu về vật chất không hề xấu, nó không chỉ đảm bảo sự sống của con người mà còn là nhân tố giúp con người sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
– Tuy nhiên, không vì vậy mà con người dành toàn bộ sự quan tâm của mình cho những giá trị vật chấtmà quên đi những nhu cầu, mong muốn chính đáng của thế giới tâm hồn.
– Cuộc sống của con người có thể trở nên sung túc, giàu có nhưng nếu thế giới tâm hồn của họ trở nên vơi cạn thì họ cũng chỉ có thể trở nên giàu có về vật chất mà chẳng thể cảm nhận được cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn
– Một hiện tượng đáng buồn là ngày càng có nhiều người chỉ biết lo lắng túi tiền của mình sẽ vơi cạn mà không biết lo khi tâm hồn của mình đang vơi cạn.
3. Kết bài
Câu nói là lời nhận định, lời cảnh báo giúp chúng ta thức tỉnh về thực trạng sống của mình. Hãy sống tích cực, hòa nhập để tạo ra những giá trị vật chất nhưng hãy dành thời gian cho những nhu cầu bên trong của mình.
II. Bài tham khảo
Trong cuộc sống hiện đại, có không ít người mải miết chạy theo những giá trị vật chất, bị cuốn vào những nhu cầu mưu sinh của cuộc sống thường nhật mà vô tình quên đi những nhu cầu về tinh thần, làm cho đời sống tinh thần ấy trở nên nghèo nàn và vô vị. Xã hội hiện nay có không ít người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang bị vơi cạn”.
Nhận định về hiện tượng người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo cho tâm hồn mình đang vơi cạn, héo dần” là lời cảnh báo về sự héo mòn của đời sống tinh thần nếu như con người chỉ biết chạy theo những nhu cầu về vật chất.
“Túi tiền rỗng đi” là sự nghèo nàn về vật chất, hiểu theo nghĩa rộng hơn thì đó chính là nhu cầu về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Để lo liệu cho cuộc sống của mình, con người đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để tạo ra vật chất, tiền bạc. “Tâm hồn” là đời sống bên trong, là thế giới tâm hồn tuy không nhìn được bằng mắt nhưng lại có tác động trực tiếp đến thái độ sống cũng như ý nghĩa sống của con người.
Trong cuộc sống, việc tạo ra vật chất đáp ứng cho nhu cầu sinh tồn, phát triển là nhu cầu chính đáng xuất phát từ bản năng sống mạnh mẽ của con người. Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của bản thân cũng như gia đình, con người tất yếu phải lao động, nỗ lực để tạo ra những vật chất. “túi tiền” ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những nhu cầu vật chất, những thứ ngoài thân nhưng vô cùng cần thiết ấy.
Theo đuổi những mục tiêu về vật chất không hề xấu, nó không chỉ đảm bảo sự sống của con người mà còn là nhân tố giúp con người sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, không vì vậy mà con người dành toàn bộ sự quan tâm của mình cho những giá trị vật chất, những thứ hiện hình đầy sức hấp dẫn ấy mà quên đi những nhu cầu, mong muốn chính đáng của thế giới tâm hồn.
Trong guồng quay phức tạp của cuộc sống, nếu như con người chỉ mải miết đuổi theo những giá trị vật chất, họ sẽ đánh mất nhiều thứ, đó không chỉ là thời gian mà còn làm cho đời sống tinh thần của mình trở nên nghèo nàn, héo úa hơn. Thực tế có không ít trường hợp vì quá theo đuổi những giá trị vật chất mà nghiêm khắc hơn với bản thân, người đó có thể dành mọi thời gian, sự quan tâm của mình đến những giá trị vật chất ấy mà không đủ quan tâm đến bản thân, ngay cả những nhu cầu tinh thần thiết yếu vì thế cũng bị bỏ qua, quên lãng.
Cuộc sống của con người có thể trở nên sung túc, giàu có nhưng nếu thế giới tâm hồn của họ trở nên vơi cạn thì họ cũng chỉ có thể trở nên giàu có về vật chất mà chẳng thể cảm nhận được cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn, thậm chí không cảm nhận được ý nghĩa sống của chính mình. Có rất nhiều người giàu có, thành đạt, nhìn từ bên ngoài ta có thể cảm thấy ngưỡng mộ vì họ vừa tài giỏi vừa giàu có nhưng thực tế những người như vậy thường rất cô đơn, họ cô đơn trong chính sự thành công của mình. Bởi thành công của họ được đánh đổi bằng toàn bộ thời gian, sự cố gắng, vì vậy mà họ lại chẳng có thời gian dành cho mình, những nhu cầu về tinh thần vì thế cũng không được đáp ứng.
Một hiện tượng đáng buồn là ngày càng có nhiều người chỉ biết lo lắng túi tiền của mình sẽ vơi cạn mà không biết lo khi tâm hồn của mình đang vơi cạn. Cuộc sống vật chất có thể tác động trực tiếp đến cuộc sống, đó là thứ con người có thể nhìn nhận trực tiếp nên con người coi trọng những giá trị vật chất, những thứ trước mắt hơn. Đời sống tinh thần lại là nhưng cảm xúc, tình cảm vô hình nên con người thường có xu hướng lãng quên, ngay cả khi nó bị vơi cạn cũng không hề hay biết, hoặc dù biết nhưng cũng không có thời gian để nuôi dưỡng, vun bồi cho những nhu cầu tinh thần ấy.
Câu nói là lời nhận định, lời cảnh báo giúp chúng ta thức tỉnh về thực trạng sống của mình. Hãy sống tích cực, hòa nhập để tạo ra những giá trị vật chất nhưng hãy dành thời gian cho những nhu cầu bên trong của mình. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi dung hòa được những nhu cầu về vật chất và tinh thần, giữa con người bên trong và con người bên ngoài.