BÂNG KHUÂNG TỪ LÚC ĐI QUA “ GIAO THỪA ”

Tôi chợt nhận ra sau khi đọc hết một vài tác phẩm của cô Nguyễn Ngọc Tư, tôi đã thấy cái buồn đến ám ảnh của những câu chuyện đời thường trên đất nước. Mỗi người là một mảnh đời ngang trái, mỗi câu chuyện là một sự tình đau khổ éo le không thể nào trọn vẹn từ đầu tới cuối được.

Tôi đang nhìn lại “ Giao thừa ”. Hình như cứ nghĩ đến “ Giao thừa ” là thể nào trong đầu mỗi người cũng xuất hiện khung cảnh pháo hoa tưng bừng rộn rã đón Tết. Giao thừa trong cuộc sống sẽ còn vất vương hơi lạnh của những ngày cuối năm, mỗi gia đình là một niềm vui đoàn tụ. Còn những người lang thang nghèo khổ thì vẫn đang trông chờ một mái ấm, một nơi nương tựa lúc bão bùng.

Nhưng “ Giao thừa ” của cô Nguyễn Ngọc Tư thì không. Cho dù cô cố gắng làm cho câu chuyện nhẹ nhàng không bi quan nhất có thể, nhưng mà vẫn cứ nghĩ suy lung lắm. Đâu đó trong một vài mảnh đời từ ý nghĩ của cô, sẽ có những thiếu sót, những góc khuất không thể nào vui vẻ khi nói ra. Các nhân vật thì khóc, còn người đọc thì nhìn trân trân vào con chữ, buông tiếng thở dài.

Ví như San “ Bởi yêu thương ” , con nhỏ mất mẹ, lại bị cha hắt hủi từ bé, sống lay lắt bởi những ước vọng xa vời. Nó muốn được xinh đẹp, được nổi tiếng như Điệp nhưng thầm yêu một người đàn ông đã có chủ. Hay như Điệp sắp ra đi nhưng vẫn còn đau đáu cho số phận của người tình nhỏ tuổi hơn mình. Sáu Tâm nghèo nàn vậy mà đầy chân tình, nghĩa khí, từng cứu Điệp đến mức mất cả chân rồi giờ chính anh cũng phải cố gắng duy trì sự sống cho người đàn bà hơn anh mười hai tuổi. Nhưng trái tim anh lại có một chút rung động trước sự trong sáng, tươi trẻ của cô gái nhỏ tên San. Điệp yêu Sáu Tâm nhưng hơn hết là nợ anh một món nợ ân tình. Cô muốn cần phải đền đáp nhanh chóng và gấp rút trước khi chết. Đó là tác thành cho San và anh. Một sự gửi gắm khiến cô cảm thấy an lòng trước khi chìm vào giấc ngủ ngàn thu.

Ví như “ Làm mẹ ”, những nỗi niềm trái ngược nhau của hai người phụ nữ – một người không thể có con và một người hoàn toàn thì có . Ta đã từng bắt gặp những câu chuyện nghiệt ngã này ở trên phim. Cặp vợ chồng yêu thương nhau nhưng lại thiếu đi một mảnh ghép hoàn hảo để tạo ra một gia đình. Một sự nhờ cậy đến người dưng mà rất có thể sau này sẽ làm đổ vỡ – tất cả là vì khao khát có một đứa con. Dì Diệu cũng thế mà Lành cũng thế. Dì thương chú Đức lắm, chú Đức cũng thương dì lắm. Nhưng dì lại thương con hơn. Dì nhờ cô Lành mang thai hộ. Khiến chú Đức và cô nhìn nhau cũng thấy ngượng ngùng. Ấy vậy mà dì Diệu háo hức bao nhiêu thì Lành lại đau khổ bấy nhiêu. Lành không muốn mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, đến khi sinh ra lại là con người khác. Còn dì, dì cũng tủi thân lắm khi giọt máu kết tinh từ tình yêu của hai vợ chồng lại không thể ở trong bụng dì. May mà kết thúc câu chuyện trái ngang này đã không có tan vỡ nào xảy ra. Bản hợp đồng mang thai bị xé bỏ. Đứa bé sẽ có tới hai người mẹ. Cả ba đều yêu thương đứa con này – hạnh phúc.

“ Giao thừa ” của cô Nguyễn Ngọc Tư xót xa lắm. Nhưng mà cô hay thiệt, đoạn kết những bí mật tréo ngoe đó đều nhẹ nhàng thanh thản . Nó giống như là thử thách mà ông trời tặng cho và rồi cuối cùng cũng ổn. “ Giao thừa ” không nhất thiết phải vui. Nhưng cũng không tuyệt vọng. Vậy là “ ô kê ” rồi.

PHƯƠNG THỤ