Bài viết số 7 lớp 9 đề 4: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca bao đời. Đó là những yêu thương, che chở mà mẹ dành cho đứa con bé bỏng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ – Đi hết đời lòng mẹ mãi theo con”. Đó là yêu thương con một cách nghiêm khắc và có kỉ luật, sẵn dàng làm tất cả để con khôn lớn trưởng thành trong hoàn cảnh tốt nhất như người mẹ trong “ Mẹ hiền dạy con”. Song tình mẫu tử không chỉ là tình yêu của mẹ dành cho con, mà còn là tình yêu hồn nhiên, chân thành mà những em bé dành cho mẹ. Với em, mẹ là tất cả, mẹ là bầu trời, mẹ là những bến bờ mới lạ. Trong bài thơ “ Mây và sóng”, đại thi hào Ấn Độ  Ra-bin-đra-nat Ta-go đã từng viết như thế. Bài thơ là một thi phẩm lấp lánh vẻ đẹp của những mộng mơ hồn nhiên con trẻ song cũng đồng thời truyền tải một triết lý vô cùng sâu sắc. Dưới đây là hai bài viết mẫu hy vọng có thể giúp các bạn cảm nhận hết được vẻ đẹp của bài thơ và học tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1VẺ ĐẸP MỘNG MƠ VÀ Ý NGHĨA SÂU SẮC CỦA BÀI THƠ “MÂY VÀ SÓNG”

Ra-bin- đra-nat Ta Go là một trong những đại thi hào đầu tiên của văn học phương Đông được trao tặng giải Nô-ben văn học. Nét đẹp trong thơ ca của Ta-go tỏa ra từ ngôn ngữ bình dị, giọng thơ gần gũi, thân thương và đặc biệt là giàu tính suy tư triết lí. Ta-go yêu trẻ em và dành hầu hết các tác phẩm của mình để viết về những búp măng non ấy. “ Mây và sóng” là một trong số đó. Bài thơ với vể đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai.

“ Mây và sóng” được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su ( Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được chính Ta-go dịch ra Tiếng Anh, in trong tập Trăng non, xuất bản năm 1915. Đây là một bài thơ văn xuôi (loại thơ không có vần, không bị ràng buộc bởi vần luật), nhưng qua bố cục của bài thơ, qua cách cấu tạo của các dòng thơ, người đọc vẫn cảm nhận được âm điệu trữ tình của bài thơ. Kết cấu hai phần của thi phẩm tương đối giống nhau ( trước hết, em bé thuật lại lờ rủ rê đi chơi cùng các bạn mây và sóng; tiếp đó, em bé từ chối và nêu rõ lí do mình từ chối; cuối cùng, em bé tự nghĩ ra trò chơi của riêng mình) song về ý thơ và lời thơ không hề trùng lặp. Hai phần này có quan hệ mật thiết với nhau, đều cùng là một lời thoại với hai nhịp thoại nối tiếp. Đối tượng của lời thoại là mẹ và đối tượng biểu cảm mà em bé hướng về cũng là mẹ.

Trước hết bài thơ mang một vẻ đẹp mộng mơ đầy hấp dẫn. bài thơ được cấu tạo nên từ hai lời thoại của em với mẹ về sự rủ rê đi chơi cùng các bạn mây và sóng. Trong lời thoại thứ nhất, em bé tưởng tượng ra trên mây có người gọi em bé cùng đi chơi. Trí tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ đã giúp em hình dung ra cuộc hội thoại giữa mình và những người trên mây. Đó là những người” chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà”, “chơi cùng với bình minh và nắng vàng”, với “vầng trăng bạc”. Họ mời gọi em bé cùng đi chơi. Tuổi thơ của mỗi người bao giờ cũng đầy ắp những niềm vui và những cuộc vui đùa. Thuở bé chắc hẳn ai chẳng chơi đồ hàng,, chơi cùng với đứa trẻ nhà hàng xóm, hay chơi với em búp bê được mẹ tặng vào dịp sinh nhật,… Nhưng ở đây, em bé đang chơi trong vòng tay mẹ được những người trên mây rủ cùng đi chơi, chơi từ khi thức dậy cho đến khi hoàng hôn buông xuống, chơi với bình minh vàng và vầng trăng bạc. Có thể thấy ước mơ được vui chơi đây đó của em bé. Em ước được bay cùng mây đến bất kì nơi đâu, được chơi với những biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên diệu kì. Và kì diệu hơn là để có thể đi chơi cùng với những người ở trên mây, em bé chỉ cần “ đi đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời” và thế là em sẽ được “nhấc bổng lên tận tầng mây”. Nhưng vẻ đẹp mộng mơ và hồn nhiên của em bé chưa dừng lại ở đó. Em bé từ chối lời mời gọi của những người trên mây và đưa ra lí do. Và rồi trong tâm thức non nớt của em, mẹ sẽ là trăng và em sẽ là mây và mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm. Dù không được đi chơi trên bầu trời xanh thẳm cùng những người trên mây thì ngay tại ngôi nhà của mình, bên mẹ của em, em bé vẫn được chơi thật thỏa thích và vui sướng.

Lời thoại thứ hai cũng tương tự như lời thoại thứ nhất. Nhưng lần này là những người trên sóng mời gọi em cùng đi chơi. Lời mời gọi của song cũng thú vị và còn có phần hấp dẫn hơn lời mời gọi của những người trên mây:” Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao.” Lời rủ rê đầy hấp dẫn ấy gợi ra trong trí óc em những cuộ chu du trên những con sóng chòng chành giữa đại dương xanh mát, trong làn gió biển mát lành và âm thanh rì rài vui tai của lớp lớp những đợt sóng ngọn gió. Nhưng cũng có khó gì đâu, để có thể tham gia vào những cuộc du ngoạn kì thú ấy, em bé chỉ cần “ đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại” là sẽ được những con sóng đưa đi. Nhưng cũng như lần trước, khi những người trên mây rủ em bé đi chơi, em bé lại từ chối và lại tự nghĩ ra trò chơi cho riêng mình. Trong trò chơi ấy, em sẽ là sóng và mẹ em sẽ là bến bờ kì lạ. Và chỉ cần thế, em vẫn sẽ chơi vui vẻ và thỏa thích.

Chính những tưởng tượng về cuộc đi chơi với những người ở trên mây và những người ở trên sóng với những ước muốn được chơi thật vui, thật thỏa thích của em bé cùng với lờ thơ mộc mạc, giản dị và hồn nhiên đã tạo nên vẻ đẹp mộng mơ cho “Mây và sóng”.

Không chỉ mang vẻ đẹp hồn nhiên và mơ mộng, cũng như những bài thơ khác của đại thi hào Ta-go, “Mây và sóng” còn là một bài thơ đầy triết lí sâu sắc.

Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ “ Mây và sóng” của Ra-bin-đra-nát Ta- go đã ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt.

Tình yêu và sự gắn bó với mẹ của em bé thể hiện qua hai cuộc đối thoại của em với những người trên mây và những người trong sóng. Mây và sóng ở đây được cảm nhận  qua cái nhìn và trí tưởng tượng của trẻ thơ, càng trở nên hấp dẫn, kì diệu, được nhân hóa thành hình ảnh người trên mây và trong sóng trò chuyện, mời gọi em bé vào những cuộc chơi thú vị, bất tận. Lời mời gọi, rủ rể của những người trên mây và trong sóng đối với em bé rất hấp dẫn và thú vị, và em đã muốn cùng theo họ để cùng vui chơi. Bởi thế, em đã hỏi: “ Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “ Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Mây và sóng nhiệt tình chỉ cách cho em để đến với họ và sắn sàng  đón em. Nhưng nếu đi chơi với họ, em phải xa mẹ, mà mẹ thì đang đợi em ở nhà. Em không thể rời xa mẹ, và mẹ cũng thể thiếu em. Tình yêu mẹ và nhu cầu được bên mẹ đã thắng sựu hấp dẫn của những trò chơi với người trên mây và trong sóng. Vì thế, cuối cùng  em bé đã từ chối họ.

Tình mẫu tử thắm thiết và niềm hạnh phúc vô biên còn được thể hiện trong những trò chơi của hai mẹ con, do em bé nghĩ ra. Khi từ chối lời rủ rê của những người ở trên mây, em bé không buồn. Với tình yêu mẹ và trí tưởng tưởng bay bổng của trẻ thơ, em đã nghĩ ra một trò chơi thật thú vị. Như vậy, em vừa được ở bên mẹ, chơi với mẹ, lại có cả mây, trăng quấn quýt. Khi đó mái nhà biến thành bầu trời xanh và căn nhà của hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc. Trò chơi thứ hai mà em nghĩ ra sau khi từ chối lời mời của những người trong sóng còn hấp dẫn hơn nữa: “ Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ – con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Trò chwoi của hai mẹ con mới thú vị làm sao! Em bé được chơi thật say sưa, hết mình. Trí tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ đã cho em được hóa thân thành những con sóng vô tận lăn vào lòng mẹ như đến với bến bờ kì lạ. Nhập vào cuộc chơi say mê ấy, hai mẹ con được sống trong niềm hạnh phúc vô biên: “ Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”. Tình mẫu tử, niềm hạnh phúc của hai mẹ con đã trở nên vô cùng, vô tận, bất diệt

Bằng trí tưởng tượng bay bổng, sự sáng tạo độc đáo, qua lời trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và khẳng định sự kì diệu, lớn lao, vĩnh hằng của tình cảm ấy. Đó là một triết lý sâu sắc tạo nên bề sâu cho tác phẩm.

“ Mây và sóng” là một bài thơ hay và thật đáng suy ngẫm.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 VẺ ĐẸP MỘNG MƠ VÀ Ý NGHĨA SÂU SẮC CỦA BÀI THƠ “MÂY VÀ SÓNG”

Ra-bin-đra-nat Ta-go (1861 – 1941) là nhà thơ hiện đại lớn nhất của văn học Ấn Độ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Ông sinh trưởng ở Can-cút-ta, bang Ben-gan. trong một gia đình quý tộc. Ta-go có năng khiếu bẩm sinh nên ông làm thơ rất sớm. Suốt cuộc đời, ông hăng hái tham gia các hoạt động chính trị và có đóng góp to lớn cho xã hội trong nhiều lĩnh vực. “Mây và sóng” được viết bằng tiếng Ben-gan in trong tập thơ “Si-su” (Trẻ thơ) xuất bản năm 1909. Bài thơ đã thể hiện được một trong những tình cảm của con người. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

Bài thơ là lời kể của em bé, được chia thành 2 phần có nhịp điệu giống nhau, nhưng các từ ngữ hình ảnh có sự khác biệt mới mẻ và mức độ tình cảm của em bé dành cho mẹ phát triển ngày càng sâu sắc mạnh mẽ hơn. Chính điều này làm nên sức hấp dẫn của bài thơ. Phần thứ nhất của bài thơ, em bé kể về việc mình được rủ đi chơi và em đã từ chối:

Mẹ ơi những người trên mây đang gọi con:

“Bọn tớ chơi đùa từ khi thức dậy đến chiều tà

Bọn tớ chơi đùa với buổi sớm mai vàng

Bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”

Những con sóng kia cũng đang rủ rê em:

Những người sống trong sóng nước gọi con:

“Bọn tớ hát từ sớm mai đến tối,

Bọn tớ ngao du khắp nơi này đến nơi nọ

Mà không biết mình đã từng qua những nơi nào”.

Qua hai bức tranh này chúng ta cảm nhận được cả một không gian bao la của trời cao đối với trẻ thơ. Không  gian ấy là thế giới thần tiên thường chỉ gặp trong truyện cổ tích hay nó chỉ ở trong mơ của trẻ thơ. Lời rủ đầy hấp dẫn của mây có phải chăng là ước muốn của trẻ em được đi đến tận cùng trái đất, được bay bổng lên trời được khám phá thiên nhiên đầy bí ẩn? Lời rủ của sóng có phải là ước mơ  muốn chu du khắp đại dương mênh mông rộng lớn? Qua những vần thơ, ta thấy Ta-go phải là nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu trẻ em và có tâm hồn rất trẻ thì mới thể hiện được những ước mơ diệu kỳ đến như vậy. Những trò chơi thú vị như vậy đã hấp dẫn em bé. Vì thế em hỏi:

“Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

“Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”

Những lời hỏi thể hiện mong muốn được chơi của bé. Vậy mà bỗng em lại từ chối chỉ vì một lý do đơn giản nhưng tràn ngập tình yêu thương:

“Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”

Lời từ chối rất vô tư nhưng chân thật đã minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng và sâu sắc của nhân vật trữ tình trong tác phẩm của Ta-go. Những thú vui dù hấp dẫn, dù đáng mơ ước đến đâu cũng không thể vượt qua hình ảnh ấm áp của mẹ trong trái tim em bé. Dường như em bé hiểu rằng, khi được ở bên mẹ thì cuộc sống sẽ đẹp đẽ hơn bất cứ xứ sở thần tiên nào. Em hiểu được niềm hạnh phúc của tình yêu thương và sự nâng niu chiều chuộng của mẹ sẽ đem lại cho em những điều cần thiết hơn và cả những thứ vui hấp dẫn khác trên cõi đời này.

Ở phần thứ hai với trí tưởng tượng và tình cảm tha thiết, em bé đã nghĩ ra trò chơi hết sức thú vị:

“Con là mây và mẹ sẽ là trăng.”

“Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ.”

Bằng trí tưởng tượng và tình cảm tha thiết, em đã sáng tạo ra những trò chơi cho riêng mình. Ở đó cũng có mây và trăng, cũng không thiếu bến bờ kì lạ, nhưng điều quý giá nhất là trong những trò chơi của em bé đều có hình ảnh của mẹ. Từ chối niềm vui riêng của mình để vui cùng mẹ là cả một quá trình diễn biến tâm lí sinh động và thú vị, đặc biệt cho cả hai mẹ con. Em hiểu sâu sắc rằng niềm vui của mình chỉ trở nên trọn vẹn khi có mẹ ở bên và ngược lại.

Đây là trò chơi muôn đời bền vững và trường tồn, không bao giờ nhàm chán. Vì trong đó hình ảnh đẹp tuyệt vời của hai mẹ con quấn quýt bên nhau trong tình yêu lớn lao và cao cả:

“Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”

 Dư âm của tiếng cười như những giọt pha lê ngân mãi trong lòng chúng ta bởi niềm vui bất tận của tình mẫu tử thiêng liêng và kì diệu. Niềm vui đó được ủ kín, như của chỉ riêng hai mẹ con mà người ngoài không ai tìm được:

“Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”

Dẫu được miêu tả sinh động nhưng những hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ đều mang ý nghĩa tượng trưng. Những trò chơi trên mây, trong sóng tượng trưng cho bao thú vui hấp dẫn của cuộc đời nói chung. Câu thơ cuối đã tạo ra một hình ảnh tượng trưng mang màu sắc triết lý đậm đà nhất. So sánh tình cảm mẹ con gắn bó với quan hệ mây – sóng, biển – bờ, tác giả đã nâng tình mẫu tử lên kích cỡ vũ trụ. Dù thế gian có như thế nào thì tình mẹ con muôn đời vẫn tồn tại theo thời gian, vẫn hiển hiện trong không gian rộng lớn và mãi mãi bất diệt. Đó chính là ý nghĩa chủ đạo của bài thơ.

Tác phẩm “Mây và sóng” của Ta-go tựa như một bài ca. Bài ca ấy cho người đọc thấu hiểu rằng tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt. Đồng thời nó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về cuộc đời bao giờ cũng có những cám dỗ, điều quan trọng là ta phải biết vượt qua nó. Một trong những động lực giúp ta biết vượt qua chính là tình cảm của người mẹ dành cho ta. Với những điều đó, tác phẩm đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người đọc.

Nguồn Internet