Bài văn Thuyết minh bến Nhà Rồng lớp 9 hay

Thấm thoát đã hơn 100 năm kể từ ngày chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân vào hành trình cứu nước và chấp nhận “đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể. Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Âu, châu Phi. Những đất tự do, những trời nô lệ. Những con đường cách mạng đã tìm ra”. Bến Nhà Rồng là nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của Bác trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Bởi vậy mà thương cảng này mang trong nó những ý nghĩa lịch sử to lớn. Bên cạnh đó thì Bến Nhà Rồng còn đẹp bởi sự uy nghi và tráng lệ, bởi những trầm tích văn hóa và lịch sử. Trong chương trình ngữ văn lớp 9, chúng ta sẽ bắt gặp đề bài thuyết minh về Bến Nhà Rồng. Khi làm bài các bạn cần đảm bảo được các ý sau đây: lịch sử xây dựng, kiến trúc di tích và những ý nghĩa to lớn. Sau đây là hai bài văn mẫu tham khảo. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ BẾN NHÀ RỒNG

Mỗi tỉnh thành trên dải đất hình chữ S thân yêu lại mang những nét bản sắc riêng, một phần được tạo nên từ các địa danh gắn với lịch sử hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nếu thủ đô Hà Nội có Hồ Gươm trong xanh bên tháp rùa cổ kính hay Huế mộng mơ lại nổi tiếng với dòng sông Hương yêu kiều thì thành phố Hồ Chí Minh lại được mọi người biết đến với địa danh Bến Nhà Rồng gắn liền với những bước đi tìm đường cứu nước đầu tiên của Hồ Chủ tịch.

Bến Nhà Rồng còn có một tên gọi khác là Bảo tàng hồ Chí Minh. Ban đầu bến Nhà Rồng được biết đến là một thương cảng lớn nằm bên sông Sài Gòn, được xây dựng vào năm 1863 bởi công ty vận tải đường biển Pháp là Messageries Maritimes. Sau hơn hai năm thi công thì công trình này đã hoàn thành, nằm trên khu vực cầu Khánh Hội (nay thuộc quận 4). Mục đích ban đầu của bến cảng Nhà Rồng là nơi ở cho viên Tổng quản lí và để bán vé tàu. Đến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất để tàu cập bến. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông dài 42 mét. Mỗi nơi neo đậu tàu cách nhau 18m. Bề ngang của mỗi bên vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có một chiếc cầu rộng 10 mét. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây hiện đại nhưng vẫn có những nét cổ kính của phương Đông. Ở trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo motip “lưỡng long chầu nguyệt” – kiểu kiến trúc quen thuộc của đình chùa Việt Nam đặc biệt vào thời Lí Trần. Ở giữa nóc nhà, thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo. Phù hiệu mỏ neo hàm chỉ rằng khi còn ở bên Pháp thì công ty này chuyên chở bằng hàng bằng ngựa còn chiếc mỏ neo lại tượng trưng cho tàu thuyền. Cũng chính bởi kiến trúc độc đáo đó mà bến cảng này mới mang tên là Bến Nhà Rồng. Năm 1955, sau khi thực dân Pháp bị thất bại tại Việt Nam, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền nam Việt Nam quản lí. Họ đã tu bổ lại toàn bộ ngôi nhà, thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới với một tư thế khác là quay đầu ra. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn tới ngày nay.

Trước hết, Bến Nhà Rồng là một di sản kiến trúc thu hút rất nhiều khách du lịch. Mỗi năm nơi đây đón hàng triệu lượt khách tham quan, đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế không hề nhỏ cho người dân và chính quyền nơi đây. Đó chính là nơi ghi dấu ấn cho Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh vốn là một thương cảng sầm uất vào bậc nhất ở khu vực Đông Dương.

Cùng nhìn lại, ngẫm lại thật sâu thì ta còn thấy bến Cảng Nhà Rồng ẩn chứa trong mình những vẻ đẹp của lịch sử, vẻ đẹp của văn hóa và vả đẹp của sự thiêng liêng. Đây chính là nơi tụ hội và khởi hành cho những chuyến đi. Tại nơi đây, vào ngày 5/6/1911, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã xuống con tàu Amiral Latouche Treville làm phụ bếp để có điều kiện ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã ra đi khi non sông bị giày xéo xâm lược. suốt 30 năm bôn ba, chắc chắn Người luôn khắc khoải về nơi này như Chế Lan Viên đã viết trong bài “Người đi tìm hình của nước” rằng:

  • “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
  • Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
  • Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
  • Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”

Hồ Chí Minh ra đi từ bến nhà rồng chỉ với một ước mơ giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Khi thống nhất sơn hà, Bến Nhà Rồng được cải tạo và nâng cấp thành khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn với Người, Bến Nhà Rồng càng thiêng liêng hơn. Sau này bến cảng được chính thức chuyển thành Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt là sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác với đồng bào.

Vẻ đẹp của Bến Nhà Rồng còn được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim lừng lẫy như “hẹn gặp lại Sài Gòn”, “búp sen xanh”, …

Bến Nhà Rồng là một di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được bao thế hệ con cháu gìn giữ và vun đắp. Nơi uy nghi và tráng lệ này đã khắc tạc tầm vóc đi lên của đất nước Việt Nam.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ BẾN NHÀ RỒNG.

Bến nhà Rồng là một trong những di tích lịch sử gắn liền với con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bến Nhà Rồng, hay Bảo tàng Hồ Chí Minh, khởi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Thương cảng này nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ 1863, và hơn 2 năm sau đó, năm 1864, ngôi nhà Rồng này được hoàn thành, trên khu vực gần cầu Khánh Hôi

Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863, do “Công ty vận tải đường biển” xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Nóc nhà gắn hình rồng, ở giữa thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình “Đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Phù hiệu “Đầu ngựa” hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn “Mỏ neo” tượng trưng cho tàu thuyền. Trụ sở công ty được giới bình dân gọi là Nhà Rồng, có nhiều thuyết về cái tên này: có thuyết nói rằng vì có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh trên nóc nhà, một thuyết khác cho rằng khác là Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long với Nhà là Gia, Rồng là Long, bến Nhà Rồng được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Vào tháng 10 năm 1865, người Pháp đã cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ ngữ” có nghĩa là sở cạnh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi. Đến gần cuối năm 1899, công ty được phép xây cất bến cho tàu cập vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42 mét (phía tàu cập vào). Bến này cách bến kia 18 mét. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8 mét. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10 mét. Ban đầu xây hai bến rồi xây thêm bến thứ ba.

Năm 1919, công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt sắt, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3 năm 1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài tới 430 mét.

Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam nước ta quản lý. Chính quyền đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Với diện tích gần 1500 mét vuông xây dựng làm tòa nhà, diện tích còn lại là hoa viên tràn ngập màu xanh lá với không khí thoáng mát, khung cảnh thơ mộng bao gồm trên 400 gốc cây quý từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây khoe sắc tỏa hương, đặc biệt là cây đa tân trào của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gốc cây bồ đề của Tổng thống Ấn Độ. Năm 1965, ngôi nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, nhà Rồng, biểu tượng của cảng Sài Gòn, thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý.

Ngày nay, bến nhà Rồng là một di tích lịch sử nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tọa ở vị trí số 01, đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Nằm ở vị trí trung tâm, trước mặt là cửa biển Bạch Đằng lộng gió, khi thành phố lên đèn, bến nhà Rồng lung linh diễm lệ tô điểm thêm cho thành phố “ hòn ngọc của Viễn Đông”.

Bến nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những chi nhánh các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Bởi lẽ, Tại nơi đây, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này lấy tên là Hồ Chí Minh) đã xuống một con tàu làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu. Sau này là Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở Việt Nam.

Bến cảng nhà Rồng là nơi lưu giữ biết bao tư liệu, hiện vật vô giá giúp cho thế hệ đi sau hiểu rõ hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người Cha già dân tộc. Bảo tàng được xây dựng thành 12 phòng trưng bày với khoảng 170 tư liệu, hình ảnh và hiện vật.

Không chỉ thế, đây còn là địa chỉ để nhân dân đến nghiên cứu m tìm hiểu về cuộc đời về sự nghiệp cách mạng của Bác. Bến nhà Rồng cũng là một điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Nhân dịp kỉ niệm 300 năm Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Bến nhà Rồng đã vinh dự được chọn làm biểu tượng của một thành phố đã trải qua những cơn biến thiên trong lịch sử của cả dân tộc.

Thời gian vẫn cứ thế trôi đi, bến nhà Rồng vẫn sừng sững hiên ngang, là minh chứng đẹp đẽ và thuyết phục nhất về một vĩ nhân của Việt Nam- Bác kính yêu hay cũng chính là một bằng chứng lịch sử để gửi gắm đến muôn thế hệ mai sau về những tháng ngày mà cha ông chúng đã đi qua nhiều thử thách mà cũng thật oai hùng.

Nguồn Internet