Bài văn Nghị luận “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay

Từ xưa đến nay, một đất nước muốn phát triển thịnh vượng và bền vững luôn chú trọng đầu tư cho giáo dục. Một quốc gia có nền văn minh hiện đại đều từ nguồn tri thức đi lên. Bởi thế, danh sĩ Thân Nhân Trung trong bài kí “Đề tên Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại bảo thứ 3” đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong chương trình Ngữ Văn, các bạn sẽ được gặp đề bài nghị luận xã hội về câu nói nổi tiếng trên. Với dạng đề nghị luận về một tư tưởng, bài học trong một câu nói, cần chú ý trả lời những câu hỏi: Câu nói muốn khẳng định điều gì? Điều đó có đúng không, trong xã hội xưa và cả ngày nay? Còn cần bổ sung điều gì cho câu nói? Thế hệ trẻ chúng ta- là hạt giống của tương lai, đất nước, cần phải làm gì? Trả lời được những câu hỏi ấy, sẽ hình thành cho bạn hệ thống lí lẽ và lập luận logic, hợp lí. Cần kết hợp với đó những dẫn chứng tiêu biểu, xác thực từ cổ chí kim để tăng sức thuyết phục. Sau đây sẽ là những bài viết bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ CÂU NÓI: “HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”

Một quốc gia cần những nhân tố gì để phát triển và đi lên? Tài nguyên, tiền bạc hay máy móc, đất đai? Đó chưa phải là nhân tố quyết định. Với Thân Nhân Trung, ông khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

“Hiền tài” được hiểu là những người tài giỏi, hội tụ cả hai yếu tố: tài- thông minh, nhanh nhạy và “hiền”- có tấm lòng và phẩm chất. Đặc biệt, khi “hiền” xếp trước “tài”, nghĩa là người giỏi coi trọng đức hơn tài. Những người đó chính là “nguyên khí”- là cái gốc, là sự sống còn, tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Như vậy, những người tài giỏi, nhân đức sẽ quyết định vận mệnh của đất nước đó.

Con người chúng ta là sản phẩm hoàn hảo nhất, kì diệu nhất mà tạo hóa đã tạo ra trên cuộc đời. Chúng ta có hai bàn tay để cầm nắm và lao động, có một trí óc để suy nghĩ và sáng tạo, có một trái tim để sống có đạo đức và tình nghĩa. Có nguồn tài nguyên dồi dào, một ngày nó cũng sẽ cạn kiệt. Đất đai rộng lớn, màu mỡ khi sử dụng nhiều cũng sẽ hao mòn, theo thời gian rồi cũng “đất chặt người đông”. Máy móc hiện đại cũng là do con người sáng tạo và cải tiến. Những thế trên chỉ là nhất thời, không bền vững. Chỉ có yếu tố con người, con người mới là thứ tài nguyên vô giá của những quốc gia. Một quốc gia là tập hợp của những cá thể, sức mạnh dân tộc là sức mạnh của người dân. Một đất nước hùng mạnh, tất nhiên, phải tạo từ những con người hùng mạnh. Và những hiền tài chính là nguyên khí quốc gia. Những người Nhật Bản tài giỏi sẽ biết cách khắc phục hạn chế của việc thiếu tài nguyên hay thiên tai động đất, biết cách cải tạo và sử dụng đất hợp lí cũng như tạo ra những loại máy móc để phục vụ cho chính cuộc sống của mình. Họ cũng biết cách sống và ứng xử để hòa thuận với nhau và để cho chính những người ngoài nhìn vào cũng đủ ngưỡng mộ và yêu mến.

Vận nước suy hay thịnh không chỉ nhờ có hiền tài hay không mà còn là có hiền tài lãnh đạo hay không? Một người đủ đức, trí sẽ là nhân tố quan trọng để khiến mọi người có thể chú ý, nghe theo trí của mình, cảm phục đức của mình mà đồng lòng dựng xây, phát triển. Hiền tài là phải biết quan sát để đào tạo ra những hiền tài mới, cùng nhau chung tay xây dựng đất nước. Một đất nước chỉ cần một người lãnh đạo thông minh lãnh đạo 99 người còn lại còn hơn là những kẻ không hiểu biết, thiếu lễ nghĩa để chỉ huy 99 người hiền tài còn lại. Vì thế, cách chiêu mộ, sử dụng hiền tài cũng sẽ ảnh hưởng đến thịnh, suy của một đế chế.

Lịch sử Việt Nam cũng như thế giới bao năm qua chính là những minh chứng rõ ràng và tiêu biểu nhất cho câu nói này. “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Cũng chính nhờ quan điểm tiến bộ, sáng suốt của mình, anh hùng áo vải Quang Trung khi lên ngôi vua đã lấy dũng để khuất, lấy tâm để cảm phục lòng người, cho chiêu mộ, tạo điều kiện cho những nhân tài ra giúp nước để Đại Việt có được những năm phát triển như thế. Tài năng, đức hạnh của những bậc hiền tài Lê Lợi, Nguyễn Trãi mới làm nên những chiến thắng lẫy lừng, oai hùng vậy. Đó cũng là cách mà cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu luôn trăn trở, suy nghĩ dạy người dân biết cách thay đổi, rèn luyện “ưu tú” để rồi có được đất nước Singapore đứng top đầu thế giới như ngày nay. Một lãnh đạo đủ tài đức, và những công dân hiền tài chính là “nguyên khí của quốc gia”.

Những con người có đủ tài nhưng không đủ đức sẽ dùng tài của mình vào điều ác. Những quốc gia đủ tài nhưng không thể đoàn kết và tập hợp bởi một người hiền tài cũng không thể nào phát triển. Yếu tố đầu tiên trong sự đi lên là ở bản thân thái độ con người. Không phải ai đều có tài, nhưng ai cũng có thể học và tích lũy đức để trở thành những người có ích. Việc giáo dục và đào tạo những hiền tài là câu chuyện từ xưa và vẫn còn nguyên giá trị ngày nay. Những quốc gia coi trọng giáo dục, tích cực đổi mới hệ thống tư duy, đầu tư cho thế hệ tương lai- đó là những vụ làm ăn duy nhất không bao giờ có lỗ. Sự cách tân rõ rệt là điều chúng ta nhìn thấy ở Nhật Bản dưới thời Thiên Hoàng Minh Trị hay đất nước Hà Lan, Singapore, … Là thế hệ tương lai của đất nước, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất và trí tuệ chưa bao giờ là sớm và thừa. Từng sự chuẩn bị nhỏ sẽ đem đến được lợi ích lớn.

Trong xu hướng toàn cầu hóa với sự phát triển chóng mặt của những thiết bị thông minh, yếu tố con người càng được khẳng định. Và câu nói của Thân Nhân Trung lại có ý nghĩ hơn bao giờ hết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.”

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ CÂU NÓI: “HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”

Trong  Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba, Thân Nhân Trung có viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khi quốc gia” của Thân Nhân Trung không chỉ có ý nghĩa với thời đại của ông mà cho đến hôm nay cũng như trong tương lai, nó vẫn luôn là một quan niệm đúng đắn, đầy giá trị mà thế hệ sau cần quan tâm, áp dụng để xây dựng quốc gia vững mạnh.

Trước hết, chung ta cần hiểu nội dung tư tưởng trong quan niệm của Thân Nhân Trung. Hiền tài là những con người vừa có trị tuệ, tài năng, vừa có đức độ hơn người. So sánh hiền tài với nguyên khí quốc gia, Thân Nhân Trung khẳng định, đề cáo vai trò của người tài đức đối với sự tồn tại, phát tiển của đất nước.

Không thể phủ nhận rằng, hiền tài chính là những ngôi sai sáng nhất trên bầu trời văn minh dân tộc. Cho đến hiện tại, lớp lớp thể hệ đã đi qua mà không thể nhớ mặt đặt tên tất cả, nhưng những bậc anh hùng vẫn được lưu danh sử sách, được thế hệ sau nhắc tới, có thể kể ra những cái tên quen thuộc như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với quân dân nhà Trần ba lần đánh tan quân Mông Nguyên xâm lược, góp phần làm nên hào khí Đông A; vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, có những tư tưởng canh tân tiến bộ vượt tầm thời đại; Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người tài năng lỗi lạc, một bậc anh hùng kiệt xuất đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quóc;… Họ đã có những đóng góp quan trọng cho sự tồn taị và phát triển của đất nước hôm nay.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia bởi nhiều lí do. Trước nhất, con người luôn là yếu tố quyết định đến mọi mặt của đời sống xã hội, người dân có tri thức, có ý thức, có tinh thần làm thái độ làm việc tích cực, đất nước mới có thể phát triển. Những người hiền lại càng đóng vai trò quan trọng, trước hết họ là những người có tài năng, có trí tuệ tinh anh, có kiến thức sâu rộng, có tầm nhìn, họ có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, áp dụng những thành tựu tiến bộ của thế giới lên đất nước, có thể vạch ra những đường lối, hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của quốc gia. Bên cạnh đó, hiền tài còn là những con người có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao vượt trội, họ luôn sẵn sàng cống hiến, hi sinh lợi ích cá nhân để mang lại sự phát triển chung cho đất nước. Những người tài cao đức trọng đang ngày ngày cống hiến sức mình cho sự phồn vinh của Tổ quốc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay đang diễn tình trạng “chảy máu chất xám” khi rất nhiều cá nhân tài giỏi chọn cách định cư làm việc ở nước ngoài thay vì trở về phục vụ đất nước, làm mất mát một nguồn chất xám lớn, một nguồn lực tinh hoa quan trọng. Điều đó cho thấy sự thiếu sót trong chế độ đãi ngộ nhân tài của Việt Nam. Bước vào thời đại mới, chúng ta cần có những thay đổi trong chính sách trọng dụng nhân tài, không chỉ trân trọng mà còn có những biện pháp khuyến khích, phát triển người hiền để cổ vũ người tài cống hiến cho đất nước. Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng nói: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.

Thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Đất nước có phát triển, có sánh vai được với các cường quốc năm châu được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, bản lĩnh của chúng ta. Ngay từ hôm nay, chúng ta hãy tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nỗ lực học tập trau dồi tri thức để hoàn thiện bản thân, trở thành người hiền đóng góp cho đất nước. Càng nhiều người tài, đất nước càng phát triển hưng thịnh. Giúp đỡ đất nước cũng chính là giúp đỡ chính mình, là tự khẳng định giá trị của bản thân. Thật đáng xấu hổ thay cho những kẻ chây lười, ỷ lại, không bao giờ biết cố gắng phấn đấu để dựng xây Tổ quốc!

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tư tưởng của Thân Nhân Trung vẫn luôn là một bài học quý giá cho chúng ta  học tập để thay đổi, để tiến bộ.

Nguồn Internet